Từ ngày 1-11 sẽ triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại Hà Nội, TP.HCM cùng 4 tỉnh thành khác và chính thức áp dụng trên cả nước từ ngày 1-7 năm sau.
Ông Cao Anh Tuấn – tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết từ ngày 1-7-2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải xuất hóa đơn điện tử. Chỉ trừ một số đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ và cá nhân kinh doanh không giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử…
Không còn hóa đơn giấy
Để chính thức triển khai hóa đơn điện tử từ giữa năm sau, Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế sẽ triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ ngày 1-11 tại 6 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Giai đoạn 2 triển khai từ đầu tháng 3 tại 56 địa phương còn lại.
Ông Cao Anh Tuấn đánh giá việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Đối với hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ, trước năm 2011, doanh nghiệp phải đến cơ quan thuế để mua hóa đơn. Còn từ năm 2011, doanh nghiệp được tự in hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đủ điều kiện về hạ tầng.
Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng để xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng, rút tiền từ ngân sách nhà nước… Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật quản lý thuế, nghị định 123, thông tư 78 về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, bước cải tiến mạnh mẽ là từ ngày 1-7 năm sau, doanh nghiệp hay nói chung là người bán hàng, cung cấp dịch vụ tự in hóa đơn điện tử và xuất cho khách hàng. Trước khi xuất cho khách hàng, doanh nghiệp, trừ một số doanh nghiệp lớn ngành viễn thông, điện lực…, sẽ gửi hóa đơn điện tử lên hệ thống của cơ quan thuế để được cấp mã qua phần mềm của nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử.
Ông Phạm Quang Toàn – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế – cho biết việc cấp mã cho hóa đơn là hoàn toàn tự động và thực hiện chỉ trong một vài giây. Ngay sau đó, hệ thống cũng tự động gửi lại cho doanh nghiệp để xuất hóa đơn cho khách hàng. Việc cấp mã này góp phần giúp cho ngành thuế nắm được doanh thu bán hàng của doanh nghiệp và để quản lý thuế chặt chẽ hơn.
Doanh nghiệp lo nghẽn mạng
Bà Phạm Minh Ngọc – kế toán một công ty CP chuyên về xây dựng (Hà Nội) – cho biết doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử nhiều năm nay. Lợi ích thấy rất rõ vì chỉ cần vài giây là có thể xuất hóa đơn cho khách hàng. Doanh nghiệp không phải mất chi phí, lưu giữ, in ấn, chuyển phát nhanh hóa đơn giấy. “Nếu chỉ tính riêng tiền chuyển phát nhanh hóa đơn thôi, một hóa đơn sẽ mất 15.000 đồng. Trong khi chuyển qua điện tử thì chi phí rất thấp, gần như bằng không” – bà Ngọc nói.
Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp băn khoăn việc 6 địa phương áp dụng thí điểm hóa đơn điện tử từ ngày 1-11 thì có bắt buộc người nộp thuế phải xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hay không?
Anh Phạm Tuấn Cường – một hộ kinh doanh hàng gia dụng (Hà Đông, Hà Nội) – hỏi có thể phát hành hóa đơn điện tử qua điện thoại thông minh, iPad được hay không? Vì với đặc thù của hộ kinh doanh, số lượng đơn hàng mỗi ngày rất lớn.
Phản hồi về những băn khoăn trên, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định từ nay đến ngày 1-7-2022, cơ quan thuế chỉ khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới. Để từ ngày 1-7-2022 chính thức triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi nhất, việc thực hiện tại 6 địa phương nói trên là từng bước áp dụng, điều chỉnh nếu thấy có phát sinh bất cập.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của nhiều doanh nghiệp đặt ra là nếu hệ thống hóa đơn điện tử bị nghẽn mạng. Vì thực tế, chuyện tắc nghẽn đường truyền đã từng xảy ra khi doanh nghiệp gửi báo cáo liên quan đến thuế.
Ông Nguyễn Thái Linh – tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn – nói dù từ ngày 1-11 mới thí điểm ở 6 tỉnh thành trên nhưng đây là những địa phương tập trung đông doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp lo nhất là nghẽn mạng dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng đến người mua – người bán. Doanh nghiệp mong hệ thống vận hành trơn tru để giao dịch được thông suốt.
Bà Ngọc cũng đặt vấn đề nếu không xuất hóa đơn kịp thời cho khách do nghẽn đường truyền thì doanh nghiệp sẽ phải làm gì? “Ngành thuế nên đặt ra các tình huống để có các phương án giải quyết. Giải pháp nên cho doanh nghiệp được phát hành hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử mà chưa có mã của cơ quan thuế…” – bà Ngọc góp ý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Chi – thứ trưởng Bộ Tài chính – cho biết Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế phải tính toán, đầu tư đảm bảo đường truyền thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. “Ví hệ thống đường truyền hóa đơn như đường cao tốc, phải đầu tư, xây dựng với nhiều làn đường để những tháng thấp điểm hay vào tháng cao điểm thì cũng không có chuyện nghẽn, tắc đường” – ông Chi nói.
Để xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế cho biết đơn vị và mỗi cục thuế sẽ thành lập trung tâm điều hành hóa đơn điện tử. Người nộp thuế có thể liên hệ 24/7 với trung tâm điều hành qua đường dây nóng, email… để được hỗ trợ kịp thời. Như Cục Thuế Hà Nội có 90 số điện thoại đường dây nóng để giải đáp những vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về hóa đơn điện tử.
Các cục thuế đã sẵn sàng
Ông Thái Minh Giao – phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – cho biết tính đến thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định cũ là 173.349 doanh nghiệp, tương ứng với trên 75% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh giao dịch và có sử dụng hóa đơn. Ngoài ra, TP.HCM cũng thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực với 118 doanh nghiệp.
Vậy những doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định hiện nay tới đây sẽ chuyển đổi như thế nào? Ông Thái Minh Giao cho biết từ tháng 11, cơ quan thuế sẽ có thông báo đến từng doanh nghiệp về việc thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp, trừ một số trường hợp chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Cục Thuế TP.HCM hiện đang rà soát, phân loại để xác định số lượng các hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới của Luật quản lý thuế năm 2019, nghị định 123, thông tư 78.
Ông Mai Sơn – cục trưởng Cục Thuế Hà Nội – cũng cho biết đây là giải pháp, bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi hóa đơn điện tử tiết kiệm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải in, chuyển phát nhanh… hóa đơn cho bên mua nữa.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 99% doanh nghiệp, tổ chức thông báo đã phát hành hóa đơn điện tử, trong đó 65% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử. Đến thời điểm này, có thể nói về cơ bản, Cục Thuế Hà Nội đã sẵn sàng cho việc kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử của cả nước.
Có còn lo hóa đơn giả, lấy hóa đơn thêm 10%?
Siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, ăn uống… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay trên thực tế nhiều địa phương đã áp dụng hóa đơn điện tử từ mấy năm qua nhưng còn nhiều bất cập. Theo đó chủ yếu hóa đơn điện tử mới ở “hình thức” là thay vì nhận hóa đơn bằng giấy thì nhận qua email, Zalo… Quán ăn, nhà hàng sẽ không phải xuất hóa đơn rồi gửi qua bưu điện cho người mua như trước mà chỉ cần “bấm nút” là hóa đơn đến tay người mua.
Nhưng từ trước đến nay Tổng cục Thuế không có “kho” lưu trữ các dữ liệu này, còn tới đây các hóa đơn sẽ chuyển về kho lưu trữ của Tổng cục Thuế song song với chuyển cho người mua. Như vậy cơ quan thuế sẽ cùng chịu trách nhiệm với doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ tránh được rủi ro là nhận phải hóa đơn giả, hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn và sau này khi thanh tra kiểm tra bị cơ quan thuế loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ.
Tuy nhiên vấn đề là làm sao kiểm soát được việc cơ sở kinh doanh có kê khai đủ hay không, hay còn tình trạng bỏ ngoài những doanh thu mà khách hàng không lấy hóa đơn, hoặc lấy hóa đơn phải thêm 10% VAT. “Biện pháp xổ số hóa đơn cần nhanh chóng triển khai để khuyến khích người dân lấy hóa đơn kèm với biện pháp kiểm tra chế tài cơ sở kinh doanh giấu doanh thu để công bằng giữa các đối tượng nộp thuế” – vị giám đốc này kiến nghị.
Bao nhiêu nhà cung cấp hóa đơn điện tử đã đáp ứng đủ điều kiện của cơ quan thuế?
Theo quy định và lộ trình triển khai, Tổng cục Thuế sẽ tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm đăng tải thông tin của tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trong trường hợp đang sử dụng hóa đơn điện tử của nhà cung cấp chưa đáp ứng đủ điều kiện của cơ quan thuế thì doanh nghiệp (DN) làm thế nào? Cục Thuế TP.HCM cho biết các DN cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử phải đảm bảo theo quy định về cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Do vậy, trường hợp DN đang sử dụng hóa đơn điện tử của nhà cung cấp chưa đáp ứng đủ điều kiện thì DN nên liên hệ nhà cung cấp để xác định lại việc cung cấp dịch vụ giải pháp hóa đơn điện tử theo quy định mới hoặc lựa chọn chuyển đổi nhà cung cấp để đảm bảo việc lập và sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định.
Tổng cục Thuế cũng cho biết theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn do các DN gửi, số lượng hóa đơn điện tử được DN sử dụng một năm khoảng 1,3 tỉ, trên tổng số hóa đơn do các DN trên cả nước sử dụng là khoảng 5,5 tỉ hóa đơn/năm (bao gồm cả hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử). Hiện cả nước có khoảng 800 DN cung cấp giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử cho các DN, tổ chức kinh doanh trên cả nước sử dụng.
Công bố số điện thoại đường dây nóng về hóa đơn điện tử
Hiện TP.HCM đã thành lập Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử theo chủ trương chung của Tổng cục Thuế tại 6 tỉnh, thành phố. Cục Thuế TP.HCM cũng công bố đường dây nóng hỗ trợ hóa đơn điện tử là 028.3770.2288, bấm phím nội bộ số 8 để được hỗ trợ giải đáp các vấn đề về hóa đơn điện tử.
Nguồn: tuoitre.vn