Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường dẫn đến khô kiệt nguồn nước, ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân. Khi nước mặt cạn kiệt, các hồ chứa trơ đáy, giải pháp khoan để khai thác nước ngầm được cho là hiệu quả nhất, dẫn đến dịch vụ khoan giếng nở rộ và là nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn nước cục bộ, gia tăng ô nhiễm các tầng chứa nước. Thậm chí làm ô nhiễm mạch nước ngầm do các giếng khoan không gặp nước đã không được trám lấp, về mùa mưa chất bẩn theo dòng nước chảy xuống giếng.

VÀNG THAU LẪN LỘN

Bình Phước là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nên nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất rất lớn. Cùng với xu hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, nhu cầu sử dụng nguồn nước của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, kéo theo nghề khoan giếng phát triển. Tuy nhiên, do không được kiểm soát chặt chẽ nên lĩnh vực này đang trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”, gây mất công bằng cho những người hành nghề chân chính.

TRĂN TRỞ “VUA KHOAN GIẾNG”

Ông là Nguyễn Đăng Biển ở tổ 4, khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh (Bình Long). Tôi gọi như vậy bởi ông là chủ cơ sở duy nhất có giấy phép hành nghề khoan giếng trên địa bàn tỉnh. Ý thức được việc bảo vệ tài nguyên nước, ông tự trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nghề khoan giếng nên được cấp phép hành nghề. Vì thế, ông nhiều lần được tiếp xúc với các đoàn chuyên gia thực hiện khoan nước dưới đất và biết quy trình họ làm rất bài bản. Ông Biển cho biết: Trước khi đào giếng họ chụp cắt lớp mặt đất bằng vệ tinh, sau đó phân tích những vị trí có nước rồi mới chọn địa điểm khoan giếng. Mặc dù có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại nhưng không phải khi nào khoan cũng gặp nước. Về nguyên tắc, nếu giếng không có nước phải lấp, chèn lại để tránh nước thải, nước bẩn rò rỉ, chảy xuống chỗ đã khoan gây ô nhiễm nguồn nước. Khi lấp, chèn phải tuân thủ đúng quy trình mới thể hiện cái tâm của thợ khoan giếng. Hiện đa số cơ sở, cá nhân hành nghề, khi khoan không có nước họ chuyển qua địa điểm mới và “quên” xử lý giếng không có nước. Điều này cho thấy họ chỉ chú trọng khoan có nước lấy tiền, chứ chưa ý thức bảo vệ và giữ gìn nguồn nước lâu dài.

Ông Nguyễn Đăng Biển (bên phải) ở tổ 4, khu phố Phú Hưng.phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long khoan giếng tại ấp Quản Lợi A, xã Tân Lợi (Hớn Quản)

Để bảo vệ nguồn nước, bảo đảm công bằng cho những đơn vị hành nghề hợp pháp, ông Biển cho rằng: “Ngành chức năng cần rà soát, kiểm tra cá nhân, cơ sở hành nghề khoan giếng, phải có giấy phép mới cho hoạt động. Tôi nhận thấy, việc quản lý nghề này còn nhiều bất cập. Bởi năm 2016, tôi chỉ nhận được Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT, ban hành ngày 11-7-2014 của Bộ Tài nguyên – Môi trường về quy định hành nghề khoan nước dưới đất do Sở Tài nguyên – Môi trường đưa về và đến nay vẫn không thấy có thêm thông tin gì”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có giấy phép hành nghề khoan giếng, người thợ phải có đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm và đáp ứng những yêu cầu khắt khe theo quy định của Thông tư số 40. Nghề này đang ở tình trạng “cào bằng”, có giấy phép hay không cũng hành nghề như nhau. Thậm chí, các cơ sở, cá nhân không có giấy phép đã phối hợp với cơ sở khác mượn giấy tờ khi bị kiểm tra hay hoàn tất thủ tục thanh toán.

THỰC TRẠNG NGHỀ KHOAN GIẾNG

Hiện không khó để tìm những bảng quảng cáo số điện thoại, tên cơ sở khoan giếng gia dụng, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng lại khó thống kê cụ thể về số lượng đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực này. Chỉ thông qua những người trong nghề lâu năm, chúng tôi mới có được con số áng chừng, khoảng 200 đến 300 máy khoan; bình quân mỗi huyện có khoảng 20 máy khoan, trong đó có những cơ sở “làm ăn lớn” sở hữu 4 đến 5 máy khoan. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh chỉ có 1 hộ kinh doanh được cấp giấy phép hành nghề khoan giếng.

Hầu hết những người hành nghề khoan giếng trên địa bàn tỉnh đều dựa vào kinh nghiệm, không có bằng cấp theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng. Nhiều người thấy khoan giếng có thu nhập nên đầu tư máy móc và thuê thợ về làm. Năm nay mùa mưa kéo dài, nhiều hộ kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” rơi vào cảnh “trùm mền” khi chưa kịp hoàn vốn. Các máy khoan trị giá trên 200 triệu đồng nay thanh lý với giá 70-80 triệu đồng nhưng không ai mua. Đó chỉ là những tổn thất về mặt kinh tế mà các hộ tự chịu, nhưng việc hành nghề không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức về tài nguyên nước và ý thức bảo vệ môi trường đã, đang gây ra tác hại vô cùng lớn với tài nguyên nước của tỉnh.

Một chủ cơ sở làm nghề khoan giếng tại xã Tân Khai (Hớn Quản) cho biết: Chúng tôi không biết người khoan giếng phải có giấy phép hành nghề, chỉ nghĩ đầu tư máy móc kiếm kế sinh nhai và khi khoan có nước được trả công là mừng rồi. Còn ông Nguyễn Đăng Biển cho rằng: Người dân không cần đơn vị khoan giếng có giấy phép hành nghề hay không, chỉ cần khoan có nước là họ trả tiền. Lợi dụng sự đơn giản của người dân, nhiều người làm nghề cạnh tranh nhau bằng cách phá giá.

​​​​​​​Một bảng quảng cáo khoan giếng ở xã Tiến Thành (Đồng Xoài) 

Anh Huỳnh Văn Út, chủ cơ sở khoan giếng Út Lý ở ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) làm nghề khoan giếng từ năm 1999 cho biết: Người hành nghề chuyên nghiệp họ biết cách bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa tác động xấu đến nguồn nước. Tôi làm nghề này đã lâu, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng, người dân nào hỏi đến giấy tờ hành nghề. Làm lâu có kinh nghiệm nên nhiều người biết, khi có nhu cầu họ kêu mình làm thôi. Năm nay thời tiết diễn biến thất thường, ít người khoan giếng nên tôi giảm giá 40%. Nếu tính theo giá hiện tại thì mỗi giếng gia dụng nếu khoan suôn sẻ, gặp nguồn nước, tôi chỉ kiếm được 400 ngàn đồng.

Trong vai người cần tìm đơn vị khoan giếng cho công ty, tôi đến hộ ông B.Đ ở ấp 3, xã Tân Khai đề nghị phải có giấy phép hành nghề khoan giếng để đảm bảo môi trường và phòng khi có kiểm tra, quyết toán kinh phí. Ông B.Đ khẳng định, không bị kiểm tra đâu, nếu có bên chúng tôi sẽ lo. Cần đầy đủ giấy tờ để quyết toán nếu phía công ty tự lo được thì thôi, còn tôi lo sẽ phải mất phần trăm(!?).

Thực tế, có những công ty khi khoan giếng phục vụ chế biến, sản xuất – kinh doanh đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm đơn vị đủ năng lực nhằm đảm bảo đúng quy trình, bảo vệ môi trường cũng như trong thanh quyết toán. Về lâu dài, nếu nhu cầu khoan giếng của người dân vẫn cao, số lượng người làm nghề khoan giếng đông sẽ gây ra nhiều bất cập khi không đáp ứng điều kiện của Thông tư số 40. Ông Nguyễn Hữu Thương, Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên – Môi trường) cho hay: Thời gian khoan 1 giếng từ 3-5 ngày nên những thợ khoan luôn di chuyển, rất ít cơ sở cố định, trong khi việc kiểm tra phải có đầy đủ thủ tục và đúng quy trình nên công tác kiểm tra gặp khó khăn.

Để bảo vệ nguồn nước, năm 2017, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ khảo sát đánh giá lập danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất. Còn việc cấp giấy phép hành nghề khoan giếng, ngành đang cố gắng liên lạc tìm đơn vị đầy đủ trình độ, năng lực để đào tạo và cấp giấy phép hành nghề cho các cá nhân, cơ sở hành nghề này trên địa bàn tỉnh.

Theo baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : khoan giếngnguồn nước ngầmtin tức 24h bình phước

Các tin liên quan đến bài viết