Hơn 85 năm qua, chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh được xem là “bảo tàng sống” về các phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của người Khơme. Ngoài là nơi sinh hoạt đạo Phật, chùa còn là ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý cho người dân, các em nhỏ trong vùng.
ĐẾN CHÙA HỌC CHỮ
Một ngày mới bắt đầu ở ngôi chùa Sóc Lớn không chỉ có tiếng tụng kinh, mà còn có tiếng trẻ đọc bài vang lên từ một góc sân chùa. Đó là những lớp học chữ Khơme được tổ chức vào mỗi dịp hè ở chùa. Tiếng ôn bài, đọc kinh xen lẫn tiếng sư thầy hướng dẫn, uốn nắn các em cách phát âm, viết từng nét chữ. Mọi vật dụng ở lớp học đều đơn giản, cũ kỹ theo thời gian, thế nhưng những con chữ trên bảng được viết một cách cẩn thận, rõ nét. Cùng với học chữ của dân tộc mình, các em cũng được sư sãi, anh chị truyền dạy về Phật pháp, góp phần gìn giữ và phát triển chữ viết, tiếng nói, văn hóa truyền thống của người Khơme. Lớp học có đủ thành phần, lứa tuổi, từ những em mới vào học lớp 1, đến những em đang học THCS và cả người lớn tuổi, nhưng gặp nhau ở điểm chung là sự ham học.
Một tiết mục nhạc ngũ âm trình diễn chào đón đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh lên thăm chùa
Lớp học ở chùa được tổ chức khá quy củ với 3 cấp học. Ở đó có bàn ghế, bảng đen, phấn trắng và giáo trình bài bản để giảng dạy. Do chỉ có 4 phòng học nên các lớp được bố trí theo nhiều ca trong ngày. Lớp này học xong lại đến lớp khác. Trẻ nhỏ học ca buổi sáng và buổi chiều; người lớn tuổi học ca buổi tối. Cứ thế, từ sáng sớm đến tối, từ thứ 2 đến chủ nhật, chùa lúc nào cũng rộn ràng tiếng học bài. Bắt đầu từ mùa hè năm 2009 đến nay, cứ 7 giờ 30 phút sáng, gần 200 học sinh ở các xã Lộc Khánh, Lộc Điền, Lộc Thuận… được ba mẹ chở đến chùa.
GÌN GIỮ VĂN HÓA KHƠME
Thượng tọa Thạch Nê, Trụ trì chùa Sóc Lớn cho biết: Từ năm 2009, khi bắt đầu giữ chức trụ trì chùa, sư cùng các chư tăng rất băn khoăn việc bổ túc văn hóa và bảo tồn văn hóa Khơme. Chính vì vậy, các lớp học chữ Khơme ra đời và được đông phật tử đến học. Phật tử biết chữ dạy cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5; chư tăng được gửi về Sóc Trăng học cao hơn để có thể dạy ngữ pháp, lớp sơ cấp, trung cấp. Đến nay, sau các buổi làm rẫy, phật tử lớn tuổi cũng sắp xếp thời gian và đến học vào buổi tối.
Ngoài các lớp học chữ, chùa còn là địa điểm quy tụ văn hóa tiêu biểu của người Khơme. Riêng ban văn hóa đã hình thành được 2 đội múa sa dăm, rô băm và 1 đội chơi nhạc ngũ âm. Những ngày thường, cứ cách nhau 2-3 buổi tối, các em trong đội múa lại tập trung để luyện tập. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như thuê giáo viên, trang phục, dụng cụ học, nhưng đội múa vẫn tự khắc phục bằng cách lên internet tìm kiếm bài hát học hỏi thêm. Từ đó, điệu nhạc, điệu múa của đội đi khắp tỉnh giao lưu, thể hiện nét văn hóa bản sắc của người Khơme.
Ngày 22-7-2017, đón đoàn từ thiện đến từ TP. Hồ Chí Minh lên thăm và tặng quà học sinh, các nghệ nhân nhí ở chùa đã chuẩn bị một số tiết mục nhạc ngũ âm để chào khách. Khi những âm điệu từ các loại nhạc khí vang lên, đoàn khách như bị lôi cuốn, hòa vào điệu nhạc vùng biên giới. Chị Phạm Thị Hường đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm chùa Sóc Lớn. Tôi rất bất ngờ khi ở vùng biên giới mà nhà chùa đã xây dựng được đội ngũ nghệ nhân rất sành các điệu nhạc. Mặc dù tôi chưa thực sự hiểu được ý nghĩa của từng nhạc khí nhưng âm hưởng thì tuyệt vời”.
Ông Lý Trọng Nhân, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Chùa Sóc Lớn là di tích văn hóa cấp tỉnh, có nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu của người Khơme. Những việc làm ở chùa Sóc Lớn như mở lớp học chữ, dạy các điệu múa… đã góp phần bảo tồn và giữ gìn văn hóa của người Khơme.
Hiện nay, sự giao thoa, tiếp diễn văn hóa giữa các tôn giáo, dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ. Chính vì vậy, những giá trị văn hóa của người Khơme cũng như các dân tộc khác đang đứng trước thách thức, buộc mỗi dân tộc có cách thức bảo tồn hiệu quả. Với vai trò là tổ chức cộng đồng, chùa Sóc Lớn đã góp phần hình thành và phát triển nhân cách của người Khơme. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại chùa trong cộng đồng người Khơme rất đáng trân trọng và nhân rộng trong xã hội.
Nguồn Báo Bình Phước