Dự báo, bão số 9 khi càng vào bờ thì đi chậm lại và càng mạnh lên, gây mưa lớn khắp khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên…
Sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai với 14 tỉnh, TP từ Quảng Nam – TP.HCM để ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 9.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị ứng phó bão |
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ Hoàng Đức Cường thông tin, sáng sớm nay ATNĐ đã đi vào Biển Đông. Lúc 7h sáng, ATNĐ cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía đông, sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Dự kiến tối và đêm nay, ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão ở khu vực Trường Sa, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20km/h, khi càng vào bờ thì khả năng bão đi chậm lại và càng mạnh lên.
Ông Cường cho hay, nếu không có gì thay đổi, vào đêm 24 đến sáng 25/11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Nam Trung Bộ ở cấp 9-10, giật cấp 12, gió mạnh của cơn bão sẽ rất rộng.
Do tác động của bão kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 24-26/11, mưa lớn xảy ra khắp Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, trong đó vùng nguy hiểm nhất từ Đà Nẵng – Bình Thuận với dự kiến từ 300-500mm, có nhiều nơi trên 600mm.
Ông Cường cũng đưa ra cảnh báo lũ với khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Vùng núi dọc các tỉnh Quảng Nam – Bình Thuận có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt sâu ở vùng đô thị từ 0,5-1m.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ Hoàng Đức Cường |
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý, hiện có 25.310m bờ biển đang có diễn biến sạt lở nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Xóm Rớ (Phú Yên), Vĩnh Nguyên (Khánh Hoà), Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Liên Hương, (Bình Thuận) Hội An (Quảng Nam),…
Ông Hoài đề nghị các tỉnh ảnh hưởng của bão phải thông tin đến khách quốc tế và người dân không hiếu kỳ ra xem bão đổ bộ.
Chủ quan sẽ rất căng
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Đức Vinh cho biết, hoàn lưu bão số 8 vừa qua đã gây tình trạng sạt lở, lũ quét nhiều nơi trên địa bàn, làm 19 người chết, 28 người bị thương, nhiều công trình giao thông thuỷ lợi bị hư hỏng… gây thiệt hại rất lớn.
“Tỉnh đã có chủ động ứng phó với bão số 8, tuy nhiên nó có diễn biến phức tạp, chưa bao giờ có ở Khánh Hoà nên ứng phó có hạn chế, bị động”, ông Vinh nói.
Để ứng phó với bão số 9, Khánh Hoà sẽ bám sát với đơn vị dự báo khí tượng để cảnh báo, tuyên truyền phổ biến tới người dân nắm được tình hình. Các địa phương theo dõi diễn biến, chỉ đạo quyết liệt di dời, sơ tán dân khỏi khu vực xung yếu. Ngoài ra, bố trí các lực lượng chốt chặt các điểm xung yếu để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, vận hành xả lũ hợp lý đảm bảo các công trình và hạ du…
Chia sẻ với những thiệt hại của tỉnh Khánh Hoà, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh rà soát lại các phương án 4 tại chỗ, tích cực quyết liệt hơn nữa để ứng phó với bão số 9 sắp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các tỉnh nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão số 9 nêu cao cảnh giác vì nếu chủ quan sẽ rất căng. Ông đề nghị các địa phương chú ý việc đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là những nơi bị tổn thương do hoàn lưu bão số 8 gây ra.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tất cả bộ ngành liên quan, các địa phương rà soát lại, chủ động đề ra phương án ứng phó bão.
Cụ thể là chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện đảm bảo an toàn cho người dân, hồ đập, các công trình; rà soát các khu vực nguy hiểm do bão lũ, chủ động di dời sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động kiểm tra các hồ đập, đặc biệt là vận hành an toàn…
Nguồn: vietnamnet