Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, chiều nay (16/12), bão Rai tiếp tục mạnh thêm, trở thành một cơn siêu bão với sức gió mạnh nhất đạt cấp 16, giật trên cấp 17.
Siêu bão này có cường độ gần tương đương siêu bão Haiyan (2013).
Hồi 13h, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 126,1 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo hướng đi của siêu bão Rai. |
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, cường độ suy yếu dần.
Đến 13h ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào Biển Đông.
Đến 13h ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ đêm nay có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, từ gần sáng và ngày mai ở vùng biển phía Đông khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): cấp 4.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.
Đến 13h ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ có xu hướng giảm dần; trong 96 đến 120 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km; cường độ bão tiếp tục có xu hướng giảm dần.
Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.
Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt; giao thông từ đất liền ra các đảo và phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho các đảo.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thông tin tới tàu vận tải trong và ngoài nước, kể cả tàu đang neo đậu tại các cảng; các chủ kho bãi biết diễn biến của bão để chủ động ứng phó.
Bộ Ngoại giao chủ động công hàm gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu Việt Nam vào trú tránh và hỗ trợ khi có yêu cầu…
Nguồn: vietnamnet