Từ trường hợp của Quỳnh Búp bê có thể thấy rất nhiều vấn đề bất cập xung quanh thói quen thưởng thức phim truyền hình tại Việt Nam hiện nay.

Quỳnh Búp bê mới chiếu được tới tập thứ tư, trên khung giờ vàng 20h45 thứ năm, thứ sáu hàng tuần. Là bộ phim truyền hình đầu tiên ở phía Bắc đi sâu vào đời sống của thế giới mại dâm, buôn bán phụ nữ, phim có rất nhiều cảnh bạo lực, tình dục.

Tranh cãi về phim sóng giờ vàng

Bộ phim này ngay từ khi lên sóng đã tạo ra những tranh luận nhỏ: Có nên chiếu phim có nhiều cảnh bạo lực, tình dục trên sóng truyền hình hay không?

Bạo lực, cảnh nóng tràn ngập màn ảnh mà không có cảnh báo trẻ em - Ảnh 1.

Quỳnh Búp bê, bộ phim truyền hình đầu tiên ở phía Bắc đi sâu vào khai thác thế giới mại dâm, buôn bán phụ nữ

Dù Quỳnh Búp bê có táo bạo hơn những bộ phim truyền hình theo đề tài xã hội thông thường, nhưng về cơ bản hình ảnh, lời thoại, âm thanh phù hợp với nội dung phim.

Trong khi đó xu hướng phim truyền hình thế giới ngày càng phát triển. Giờ đây, nhiều phim truyền hình được đầu tư không thua kém gì điện ảnh và nội dung bắt đầu vượt ngưỡng an toàn.

Phim truyền hình Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Nhà làm phim muốn thử nghiệm những thể loại mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, mặt khác thỏa mãn nghề nghiệp của chính họ.

Nhưng xem ra sự phát triển này đang xung đột với nhu cầu của một bộ phận khán giả. Những năm gần đây, thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ tranh cãi phim này “nóng”, phim kia “bạo lực” quá mức cho phép của phim truyền hình.

Bạo lực, cảnh nóng tràn ngập màn ảnh mà không có cảnh báo trẻ em - Ảnh 2.

Phim truyền hình của Việt Nam ngày càng “bạo” hơn.

Năm 2012, khán giả đã phản ứng cảnh anh chàng Phúc liếm rượu trên ngực của bạn gái trong phim Hoa nắng (kênh VTV3). Sau đó Hội đồng duyệt phim của VTV đã giải thích cảnh này phù hợp với nội dung phim vì phản ánh tình trạng băng hoại đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ trong xã hội.

Năm 2014, khi VTV mới chiếu được năm tập series truyền hình Mỹ nổi tiếng Chuyện ấy là chuyện nhỏ (Sex and the City) ở khung 23h thì phải tạm ngưng vì dư luận cho rằng không nên phát sóng phim dành cho khán giả trên 18 tuổi trên truyền hình. Sau đó kênh này đã phải sản xuất thêm phần talk trước buổi chiếu để “định hướng” khán giả.

Có thể thấy chưa bao giờ việc xem phim truyền hình lại có nhiều tranh cãi như bây giờ. Phim truyền hình bị những khán giả khó tính, nghiêm ngắn “tuýt còi” nhiều hơn về nội dung.

Nhưng mặt khác, vẫn có những nhóm khán giả cho con cái xem cả những phim có nội dung vốn không dành cho trẻ em như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng.

Vì sao đến bây giờ mới nảy sinh ra những “tréo ngoe” như thế này?

Thói quen xem phim chung

Vào những năm 90 của thế kỉ 20, truyền hình Việt Nam mới bắt đầu phát triển những kênh cơ bản. Tivi còn rất hiếm, chương trình truyền hình cũng rất ít. Gia đình nào có tivi tối tối sẽ quây quần bên vô tuyến, thậm chí còn cho hàng xóm xem ké.

Thời gian đó, các chương trình vẫn còn đậm tính khoa giáo. Những chương trình SV96, Đường lên đỉnh Olympia, Văn nghệ chủ nhật là những chương trình giải trí kết nối các gia đình, tạo thành thói quen cả gia đình xem chung.

Những năm gần đây, phim truyền hình bắt đầu đi ra khỏi vùng an toàn, khám phá đề tài gai góc như xã hội đen, mại dâm, tham nhũng… Điều đáng nói là những bộ phim theo đuổi đề tài này lại được phát sóng ở khung giờ vàng, khung giờ cả gia đình coi chung.

Theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà những nội dung nói trên xuất hiện ở khung giờ vàng. Đó là chỉ dấu của việc thị trường đã len vào khung giờ quan trọng.

Bạo lực, cảnh nóng tràn ngập màn ảnh mà không có cảnh báo trẻ em - Ảnh 3.

“Người phán xử” tràn ngập cảnh băng nhóm thanh toán nhau.

Khung giờ vàng giờ đây thực sự là vàng đúng nghĩa khi một số báo mạng đưa tin 30 giây quảng cáo cho phim Người phán xử trị giá 220 triệu đồng. Áp lực, cũng như hấp lực của tài chính đã khiến các nhà đài tận dụng tối đa các giờ đông khách nhất.

Ở một khía cạnh nào đó, giá trị công của các đài truyền hình từ thời kì đầu phát triển đã bị mai một theo thời gian, vì áp lực kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh này, trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất. Bởi khi nội dung trên kênh ngày càng đi xa khỏi tiêu chí cả gia đình xem được, nhưng lại không có chỉ dấu cảnh báo, thì rất khó cho các gia đình để bảo vệ con em họ.

Đó là còn chưa kể, do thói quen, rất nhiều người cho phép trẻ em xem phim bộ truyền hình, mà không hay biết điều này có thể gây ảnh hưởng tới tâm, sinh lý của trẻ em.

Bạo lực, cảnh nóng tràn ngập màn ảnh mà không có cảnh báo trẻ em - Ảnh 4.

Cảnh nóng phim Quỳnh Búp bê – một phim giờ vàng liệu trẻ em xem có ‘vô tư’?

Quy định đã có nhưng khó thực hiện?

Giải pháp căn cơ nhất hiện nay là dán nhãn chương trình, phân loại chương trình theo độ tuổi của khán giả.

Vào ngày 1-10-2017, Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm của Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức có hiệu lực.

Trong đó có quy định các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Những quy định trong thông tư nói trên đang khá chung chung, ít nhiều gây khó khăn cho các Đài trong việc thực hiện. Và dường như các đài chưa thực sự mặn mà với việc cảnh báo cho khán giả.

Chúng tôi thử khảo sát khung giờ vàng 20h45. Quỳnh Búp Bê có nội dung ít nhất phải dành cho khán giả từ 17, 18 tuổi trở lên, phát sóng vào khung 20h45 mà không có một dòng cảnh báo khán giả về nội dung phim.

Khi Quỳnh Búp bê mới phát sóng, dư luận cho rằng phim quá “bạo”, không nên phát sóng giờ vàng thì các nữ diễn viên tham gia phim này mỗi người lại có cách lý giải riêng.

Diễn viên Thanh Hương (vai Lan) cho biết, cô cho hai con nhỏ xem bộ phim, thông qua đó giáo dục con cái.

Còn nữ chính Phương Oanh (vai Quỳnh Búp bê), khi nhận được ý kiến “Phim hay nhưng mà không muốn xem cùng hội trẻ con” đã trả lời trên trang cá nhân: “Em nghĩ phải cho bọn trẻ con quen dần với sự khắc nghiệt của cuộc sống để biết cái nào tốt, cái nào xấu, rồi tự phát khả năng nhận biết và tự vệ. Từ bé, bố mẹ em đã cho em xem phim xã hội đen Hong Kong, Mỹ bùm bụp rồi”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : mại dâmphim truyền hìnhquỳnh búp bêsóng giờ vàng

Các tin liên quan đến bài viết