Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Theo đó, các cơ sở y tế công lập sẽ tăng giá nhiều dịch vụ y tế và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây thực sự là gánh nặng đối với người không tham gia BHYT, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị lâu dài.
Hơn 1 tuần nay, chị Nguyễn Thùy Trang (trú ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) phải đi vay tiền khắp nơi để lo cho chồng bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Chồng chị Trang là lao động tự do, bị tai nạn gãy chân. Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã khám và kết luận bệnh nhân phải mổ. Do không có BHYT nên thời gian qua, số tiền chị tạm ứng trước để phẫu thuật, thuốc men, tiền giường bệnh đã lên tới 80 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với gia đình lao động phổ thông như chị Trang. “Nghĩ chồng tôi khỏe mạnh nên gia đình cũng chủ quan không mua BHYT. Nhưng giờ tai họa ập đến bất ngờ mới biết thẻ BHYT quan trọng như thế nào” – chị Trang tiếc nuối. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải trả 100% chi phí điều trị mà chúng tôi tiếp xúc cũng thừa nhận do chủ quan thấy mình khỏe mạnh nên không mua BHYT, đến khi bệnh tật, tai nạn bất ngờ phải vào bệnh viện điều trị mới thấy viện phí cao gấp nhiều lần so với số tiền bỏ ra mua BHYT.
Người bệnh làm thủ tục nhận thuốc bằng bảo hiểm y tế ở Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Phú – Ảnh: A.B
Chăm vợ ở viện mà lòng ông Võ Quang Minh (trú phường Long Phước, thị xã Phước Long) như lửa đốt. Ngoài bệnh tình của vợ, ông Minh còn bận tâm về số tiền hơn 20 triệu đồng phải thanh toán do không có BHYT. Gương mặt thất thần, ông buồn rầu: “Kinh tế khó khăn nên tôi đã từ chối đóng BHYT cho cả 3 người trong gia đình với mong muốn tiết kiệm được một khoản chi phí. Ai ngờ, giờ mới thấy thẻ BHYT thật quý biết bao”.
Chị Trang và ông Minh chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp thờ ơ với BHYT để rồi phải “ngậm ngùi” khi chẳng may ốm đau, rủi ro tai nạn. Thực tế nguyên nhân chủ yếu khiến người dân chưa mặn mà với BHYT là do điều kiện kinh tế khó khăn. Cá biệt có người tham gia BHYT được một thời gian song do thẻ chưa có dịp phát huy tác dụng đã ngừng đóng BHYT. Chỉ đến khi bản thân, người thân trong gia đình bị bệnh nặng phải tốn kinh phí điều trị thì nhiều người mới thấy tiếc khi không mua thẻ BHYT.
Hơn 2 tháng qua, anh T.V.A ở huyện Đồng Phú phải vào bệnh viện điều trị căn bệnh hiểm nghèo là ung thư bàng quang. Vì nhà xa nên vợ chồng anh A thuê nhà trọ gần bệnh viện chờ đến ngày tái khám, điều trị tiếp theo. “Bùa hộ mệnh” của anh A là tấm thẻ BHYT đã giúp giảm bớt rất nhiều chi phí điều trị. Anh A cho biết: Gia đình hiện chỉ phải lo tiền sinh hoạt và mua thêm thuốc bổ để tăng cường sức khỏe. Số tiền này tiết kiệm lắm cũng mất gần 3 triệu đồng/tháng. Nếu phải gánh thêm khoản tiền điều trị nữa chắc tôi không thể tiếp tục trị bệnh.
Chị Võ Thị Hồng Tuyết ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đang chuẩn bị cho con trai đi mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy lần 2. Chị Tuyết cho biết: “Cháu nghỉ học từ năm lớp 9, theo cha đi cưa củi thuê. Cách đây 1 năm, cháu chẳng may bị máy cưa vào chân phải đi mổ, chi phí hơn 15 triệu đồng, giờ chuẩn bị mổ lại, cũng may gia đình được Nhà nước mua BHYT cho, chứ không biết xoay xở ra sao”. Gia đình chị Tuyết thuộc diện cận nghèo của xã Tân Hưng. Hiện vợ chồng chị cùng 4 con sống chủ yếu dựa vào công việc đi chở củi thuê, không có nghề nghiệp ổn định và đất sản xuất. Các cháu nhỏ ngoài giờ đi học vào rẫy xin bẻ cành khô làm củi bán. Chị Tuyết cho biết thêm: “Năm nay, gia đình tôi thoát nghèo, nếu những năm sau không được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT nữa thì tôi sẽ tự mua cho gia đình phòng khi bệnh tật”.
Ông Bùi Năng Thành, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đồng Phú cho biết: Việc thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT sẽ khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Rủi ro khi làm việc, tham gia giao thông là điều khó có thể lường trước. Bởi vậy, việc tự ý thức chăm lo bản thân, gia đình là điều rất cần thiết và tham gia BHYT chính là cách để mỗi người tự bảo vệ, “bảo hiểm” cho sức khỏe chính mình, gia đình, cộng đồng xã hội. Chủ động tham gia BHYT để phòng lúc ốm đau, bệnh tật, cũng là cách để mỗi người chia sẻ rủi ro, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” với những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cộng đồng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.