Hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Việc tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng, bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi… của Bảo hiểm Agribank được coi là “tấm khiên” vững chắc, chia sẻ rủi ro, giúp bà con nông dân có thể tái đầu tư, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bảo hiểm Agribank: Vừa hay, vừa may
Gặp bà Nguyễn Thị Phương trong một chuyến công tác cuối tháng 9, chúng tôi có dịp được nghe bà Phương kể về khoản vay 50 triệu đồng tại Agribank chi nhánh Hà Tây 1 (Ba Vì, Hà Nội) “suýt” trở thành nợ xấu nếu không có khoản tiền bồi thường từ Bảo hiểm Agribank (ABIC).
Bà Phương kể lại, vào năm 2019, do gia đình có nhu cầu đầu tư chăn nuôi nên “gõ cửa” ngân hàng xin vay vốn. Người đứng tên khoản vay là chồng bà – ông Nguyễn Văn Khanh.
Thế nhưng, tiền vay về vừa đổ hết vào con giống thì ông Khanh bất ngờ xảy ra tai nạn. Nhờ tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng của Bảo hiểm Agribank khi vay vốn, số tiền bồi thường cũng vừa đủ để gia đình trả khoản nợ vay ngân hàng do ông Khanh đứng tên.
“Chỉ đến khi cán bộ của Bảo hiểm Agribank đến thăm hỏi, động viên và giúp gia đình hoàn thiện thủ tục bồi thường, gia đình mới biết ông nhà tôi khi vay vốn có tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng của Bảo hiểm Agribank. Thực sự, nếu không có khoản bồi thường này không biết tôi và các cháu sẽ xoay sở như thế nào bởi từ trước đến nay mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do ông nhà tôi lo toan, tính toán”, bà Phương tâm sự.
Bà Phương cho biết, nếu có tiếp tục vay vốn của Agribank, gia đình bà vẫn lựa chọn đồng hành cùng Bảo hiểm Agribank.
Hàng trăm con bò tại trang trại của ông Nguyễn Hữu Tuấn (Lâm Đồng) được bảo hiểm rủi ro của bảo hiểm Agribank (ABIC)
Tham gia bảo hiểm bò sữa của Bảo hiểm Agribank chính là mua “sự bình an” – đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ trang trại bò sữa Tuấn Gấm tại Đơn Dương – Lâm Đồng.
Hơn chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi, hiện quy mô trang trại bò của gia đình có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Lợi nhuận trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm. Cuộc sống gia đình cũng nhờ đó mà khởi sắc.
Nhưng, cũng trong ngần ấy năm, nỗi lo “trắng tay” có thể xảy ra bất cứ lúc nào luôn thường trực trong đầu của ông chủ trang trại với 300 con bò này. Bởi theo ông Tuấn, rủi ro đối với nông nghiệp trong đó có chăn nuôi bò là rất lớn, từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu cho tới rủi ro trong quá trình bò sinh đẻ, điện giật… Vì vậy, gia đình ông vừa làm, vừa lo.
“Cách đây gần 10 năm, địa phương xảy ra dịch lở mồm long móng, gia đình cũng thiệt hại mất 6 con bò. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có bảo hiểm cho bò sữa như bây giờ nên kinh tế gia đình cũng ảnh hưởng rất nhiều. Cũng may là chỉ chết có 6 con chứ chết tới 60 con thì coi như không còn gì cả”, ông Tuấn chia sẻ và thông tin thêm, 2 năm trở lại đây, hàng trăm con bò trong trạng trại của ông Tuấn đã được bảo hiểm rủi ro bởi Bảo hiểm Agribank (ABIC) nên ông rất an tâm.
Tham gia bảo hiểm bò sữa của Bảo hiểm Agribank, theo ông Tuấn chính là “mua sự bình an”, giúp bảo tồn vốn. Bởi khi rủi ro hàng loạt xảy ra, chỉ có bảo hiểm mới có thể bồi thường được hàng tỷ đồng, chia sẻ rủi ro cho bà con nông dân.
Gia đình ông Bùi Đăng Sơn (Lâm Đồng) cũng mua gói sản phẩm bảo hiểm vật nuôi của Bảo hiểm Agribank kể từ cuối năm 2019: “Lúc đó mua gói bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank vì được cán bộ tín dụng của Agribank giới thiệu. Những hiểu biết về bảo hiểm còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, thấy bảo hiểm đỡ được rủi ro cho mình, đỡ thiệt hại kinh tế cho gia đình. Bây giờ thấy rất thích sản phẩm này. Vừa rồi rủi ro xảy ra đã được nhân viên Bảo hiểm Agribank đến bồi thường, đó thực sự là may mắn”.
Đoàn công tác của Bảo hiểm Agribank đến nhà ông Bùi Đăng Sơn chi trả bồi thường
Bảo hiểm Agribank tiên phong “bảo vệ” tam nông
Là trụ cột của nền kinh tế nước nhà nhưng nền nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp đầy rủi ro. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề trong số 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng.
Dự báo đến năm 2050, tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7-2,4% GDP của Việt Nam. Chỉ riêng thiệt hại của dịch tả heo châu Phi trong năm 2019 đã làm giảm 1,1% tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, khi các hộ gia đình ít được tiếp cận với bảo hiểm, những cú sốc thời tiết sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi, mà còn ảnh hưởng đến các quyết định về sinh kế của người nông dân.
Đáng chú ý, trong điều kiện không được bảo vệ thì kỳ vọng về những điều bất lợi có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hành vi của nông dân, khiến họ có xu hướng tránh đầu tư vào các hoạt động mạo hiểm, thay vào đó là giữ lại các tài sản có tính thanh khoản cao nhưng khả năng sinh lợi hầu như rất thấp.
Quy chiếu với thực tế tại Việt Nam, giới phân tích nhìn nhận, việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp như bảo hiểm bảo an tín dụng, bảo hiểm bò sữa, bảo hiểm cây trồng vật nuôi của Bảo hiểm Agribank được ví như “phao cứu sinh”, “lá chắn” trong việc giúp nông dân hạn chế tổn thất trong sản xuất.
Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản lượng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản… Các sản phẩm này được bảo hiểm thì mới có lợi thế cạnh tranh khi bước vào sân chơi chung quốc tế. Chính vì vậy, tham gia bảo hiểm được cho là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững.
Đây cũng là một trong những lý do Bảo hiểm Agribank tiên phong triển khai các sản phẩm bảo hiểm gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sau 13 năm, lũy kế đến 31/12/2019, tổng số hồ sơ bồi thường được Bảo hiểm Agribank giải quyết là 151.494 vụ tương ứng hơn 4.000 tỷ đồng trong đó 3.209 tỷ đồng chi trả cho khu vực nông nghiệp nông thôn.
Đánh giá cao các sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank, ông Phạm Danh Hưng – Phó Chủ tịch xã Minh Châu, Ba Vì (Hà Nội) cho biết, khi tham gia bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank, người nông dân không may gặp rủi ro về tai nạn, thiên tai dịch bệnh dẫn đến thiệt hại về người và tài sản, nếu thuộc phạm vi bảo hiểm sẽ được bồi thường giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.
“Năm 2014, nhiều bà con tại xã Minh Châu đã từng tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo chương trình của Nhà nước nhưng quy trình bồi thường phức tạp, xuất hiện tiêu cực trong vấn đề xử lý bồi thường cho khách hàng nên khiến cho bà con mất niềm tin. Tuy nhiên, sau khi sử dụng bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank đặc biệt là bảo hiểm bảo an tín dụng người dân rất hài lòng vì cán bộ của Bảo hiểm Agribank tận tình tư vấn, hỗ trợ cho bà con trong quá trình bồi thường, và chưa từng xảy ra tiêu cực trong quá trình bảo hiểm”, ông Hưng thông tin thêm và hy vọng, Bảo hiểm Agribank tiếp tục đa dạng các sản phẩm bảo hiểm để phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân.
Thông qua hoạt động chi trả bồi thường của bảo hiểm Agribank, khách hàng sẽ giảm áp lực tài chính khi gặp rủi ro.
Đồng quan điểm, ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, các đơn vị bảo hiểm như Bảo hiểm Agribank cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp để người dân thấy rõ mình được hưởng lợi ích gì khi tham gia bảo hiểm.
Đồng thời, Bảo hiểm Agribank chủ động hơn trong việc thiết kế sản phẩm đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng, ngành hàng khác nhau. Từ đó, các tổ chức, cá nhân muốn mua bảo hiểm sẽ có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm bảo hiểm cho tam nông.
Sau 13 năm nỗ lực và kiên trì triển khai theo định hướng chiến lược, Bảo hiểm Agribank đã đạt được những kết quả cơ bản sau: Xây dựng kênh phân phối Bancassurance thành công nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam với 25.000 đại lý viên là cán bộ thuộc hệ thống Agribank đủ tiêu chuẩn hành nghề đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Mạng lưới dịch vụ phủ khắp thôn xóm, bản làng gắn liền với hệ thống Agribank. Cung cấp giải pháp phòng ngừa rủi ro đa dạng, hiện đại đến với 3 triệu Hộ sản xuất và cá nhân tại khu vực nông nghiệp nông thôn thông qua các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Từ đó nâng cao hệ số tín nhiệm của khách hàng đối với ngân hàng. Góp phần bảo vệ an toàn nguồn vốn nhà nước do Agribank cho vay và bảo vệ người dân khu vực nông nghiệp nông thôn trước những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua hoạt động chi trả bồi thường, giảm bớt nợ xấu, nguy cơ mất vốn của Agribank, giảm gánh nặng nợ nần với khách hàng vay vốn khi gặp rủi ro. |
Theo Dân việt