Đến nay, các trạm thu phí trên QL51 vẫn thu phí với hình thức bán vé, thu tiền. Bao giờ BOT QL51 mở rộng hết thu phí?

Bao giờ QL51 hết thu phí? - Ảnh 1.

Do hệ thống của trạm thu phí quốc lộ 51 (đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) không tương thích nên người có thẻ ETAG vẫn phải dừng để trả phí bằng tiền mặt

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào cuối năm 2020, việc thu phí trên QL51 sẽ kết thúc vào năm 2021, do đó bộ không yêu cầu chủ đầu tư phải trang bị hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC).

Tuy nhiên trên thực tế, đến nay các trạm thu phí trên QL51 vẫn thu phí chỉ với hình thức bán vé, thu tiền thủ công.

Bộ báo cáo một đằng, hợp đồng còn hiệu lực một nẻo 

Ngày 7-12-2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (ký thay bộ trưởng) gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai “hệ thống thu phí điện tử không dừng” trên cả nước.

Tại báo cáo này, Bộ GTVT nói rằng các trạm thu phí trên QL51 không phải đầu tư hệ thống ETC vì thời hạn thu phí của dự án còn lại rất ngắn “khoảng chưa đến 1 năm”. Việc đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng với khoảng 83 tỉ đồng sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí, ảnh hưởng đến phương án tài chính của cả dự án BOT QL51 mở rộng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, những dự án BOT còn thời gian thu phí dưới 3 năm thì việc triển khai thu phí không dừng hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án BOT QL51 mở rộng. Do vậy, Bộ GTVT quyết định không triển khai ETC trên QL51.

Bao giờ QL51 hết thu phí? - Ảnh 2.

Trạm thu phí T3- QL51 luôn đông kín xe về Vũng Tàu, nhất là những ngày lễ, tết 

Trong khi đó, vào cuối năm 2020, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Hồng Hà – tổng giám đốc Công ty cổ phát phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC – chủ đầu tư BOT QL51 mở rộng) cho biết, theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) thì đến năm 2030 BOT QL51 mới kết thúc thu phí, trong đó đã có 4 năm “tạo lợi nhuận” cho nhà đầu tư. Và hợp đồng này vẫn còn hiệu lực tại thời điểm đó.

Nhưng trên thực tế đến nay – đầu tháng 3-2022, các trạm thu phí trên QL51 vẫn còn thu phí chứ không kết thúc như báo cáo của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2020. Và cũng vì lý do như trên nên đến nay các trạm thu phí trên QL51 chưa triển khai ETC mà vẫn thu tiền, giao vé thủ công.

Như vậy, việc xác định thời gian kết thúc thu phí của dự án QL51 mở rộng đã có sự sai lệch đến 9 năm giữa Bộ GTVT và phụ lục hợp đồng còn hiệu lực. Hệ quả là đến nay tài xế qua các trạm ở QL này vẫn phải trả tiền mặt, bất tiện, mất thời gian trong khi hầu hết các trạm thu phí trong cả nước đều đã có làn ETC.

Vì sao có sự chênh lệch?

Ông Đinh Hồng Hà cho biết, BVEC đã ký hợp đồng thu phí không dừng với đơn vị cung cấp dịch vụ. Và bất cứ khi nào được Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ chấp thuận, BVEC sẽ triển khai thu phí ETC ngay.

Theo hợp đồng ký vào tháng 11-2009, tổng thời gian thu phí QL51 hơn 20,6 năm, dự kiến kết thúc vào tháng 5-2033, trong đó hơn 16,6 năm là thời gian để chủ đầu tư hoàn vốn và 4 năm thu tạo lợi nhuận.

Đến năm 2017, trên cơ sở tính toán thực tế, hai bên đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí trên QL51. Theo đó, thời gian thu phí hoàn vốn là gần 12,5 năm (giảm 3,2 năm so với hợp đồng ký năm 2009) và thời gian tạo lợi nhuận vẫn là 4 năm. Theo phụ lục này, dự kiến tháng 1-2030, QL51 sẽ hết thời gian thu phí.

Trên thực tế, đúng là lưu lượng xe qua QL51 đã tăng hơn nhiều so với phương án tài chính ban đầu. Lưu lượng xe tăng do sự phát triển của hệ thống cảng biển container nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Bao giờ QL51 hết thu phí? - Ảnh 4.

Xe qua trạm thu phí phụ T2, Long Thành theo chiều từ Bà Rịa-Vũng Tàu đi Đồng Nai 

Đáng chú ý, phương án ban đầu có xác định: năm 2018 – khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC cũng được giao làm chủ đầu tư nhưng sau đó không làm) đưa vào sử dụng sẽ chia lưu lượng xe với QL51 – tức xe qua con đường sẽ giảm với con số ước tính giảm đến 60%. Nhưng đến nay cao tốc này vẫn còn “trên giấy”, dẫn đến lưu lượng xe đi qua QL51 cao gấp nhiều lần so với tính toán ban đầu.

Cụ thể, theo thiết kế của QL51 mở rộng, con đường này chỉ cho phép “cõng” tối đa 15.000 lượt xe/ngày đêm. Nhưng những năm qua, lượng xe cộ đi trên đường này đã vượt gấp hai, ba lần. Đơn cử, theo BVEC trong năm 2020, lưu lượng xe qua 3 trạm thu phí trên QL51 từ Đồng Nai về Bà Rịa – Vũng Tàu lần lượt là gần 31.000 – hơn 41.000 và hơn 23.000 lượt. Đáng chú ý, có ngày số xe qua trạm lên đến gần 50.000 lượt.

Với lưu lượng xe qua QL51 như trên, về mặt con số rõ ràng thấy được chuyện thu phí trên QL51 sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến ban đầu.

Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, ngày 7-3,  trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Hồng Hà cho biết, đến nay BVEC chưa trả nợ xong cho ngân hàng, chưa hoàn vốn cho nhà đầu tư. Theo ông Hà, tổng chi phí BVEC còn phải trả (bao gồm nợ gốc, nợ lãi vay ngân hàng, nợ nhà đầu tư, tiền dự kiến duy tu bảo dưỡng, chi phí tổ chức thu) cho đến thời gian hoàn vốn (tức tháng 1-2026) khoảng hơn 2.350 tỉ đồng.

Đầu năm 2022, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ý kiến cho rằng trong thời gian qua, lưu lượng xe cộ đi qua QL51 tăng nhanh, số tiền chủ đầu tư thu về cao hơn phương án tài chính ban đầu. Cử tri đề nghị Bộ GTVT cho biết bao giờ QL này hoàn thành việc thu phí.

Bên cạnh đó, thực hiện giám sát, hậu giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu BVEC rà soát lại hợp đồng để rút ngắn thời gian thu phí và “có phương án, lộ trình chi tiết về việc rút ngắn thời gian thu phí trên QL51”.

Tuy nhiên đến nay, cả Bộ GTVT và BVEC đều chưa có câu trả lời cho cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này. BVEC cho biết “từ những vướng mắc trong đàm phán về phương án tài chính với Tổng cục Đường bộ để ký kết phụ lục hợp đồng nên BVEC chưa có số liệu chính xác (tức thời gian kết thúc thu phí – PV) để báo cáo”.

Bao giờ QL51 hết thu phí? - Ảnh 5.

Mua vé, trả tiền thủ công tại trạm thu phí T3 – gần ngã ba vào xã Long Sơn, TP Vũng Tàu trên QL51

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, quá trình đàm phán phương án tài chính giữa Tổng cục Đường bộ và BVEC có 7 vướng mắc liên quan đến thời gian thu, cách tính lãi. Từ năm 2019 đến cuối 2021, hai bên đã tổ chức 10 cuộc đàm phán để giải quyết và đã thống nhất giải quyết được một số vướng mắc. Nhưng hiện vẫn còn những vướng mắc khác.

Trong đó, có việc Tổng cục Đường bộ đề nghị đàm phán lại thời gian tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư theo hướng giảm bớt vì lưu lượng xe qua QL51 tăng cao hơn so với phương án tài chính hai bên đã ký tại hợp đồng BOT vào tháng 11-2009. Cơ quan này đề xuất phương án đàm phán tính theo “lợi nhuận kỳ vọng”. Trong khi đó, quan điểm của BVEC vẫn giữ nguyên thời gian tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là 4 năm.

Ngoài ra còn có vướng mắc về phương án lãi vay đối với các khoản giảm trừ sau khi quyết toán đầu tư, quyết toán chi phí lãi vay tương ứng với nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng. Có vướng mắc hai bên thống nhất được nhưng phải xin ý kiến của Bộ GTVT.

Do đó, đến nay vẫn chưa thể xác định được khi nào QL51 hết thu phí đường bộ.

Lũy kế đến tháng 1-2022, BVEC đã thu được hơn 6.000 tỉ đồng (sau thuế), trong đó năm thu cao nhất là 2019 với hơn 762 tỉ đồng. Năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các trạm thu phí trên QL51 cũng thu được hơn 630 tỉ đồng.

Theo BVEC, tổng mức đầu tư của dự án QL51 mở rộng khoảng 3.800 tỉ đồng, trong đó vay của ngân hàng hơn 3.400 tỉ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ETCquốc lộ 51thu phí

Các tin liên quan đến bài viết