Cách mạng nền tảng tạo ra nền kinh tế chia sẻ, một môi trường mà nội dung thu phí của báo chí không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Khi Airbnb rồi Uber lần lượt ra đời ở Mỹ cách đây hơn 10 năm trước, không ai có thể ngờ những công ty công nghệ không sở hữu một khách sạn hay một chiếc xe ôtô nào lại trở thành kẻ thống trị thị trường mà nó tham gia vào như hiện nay.

Đó là nhờ những công ty này đã tạo ra những nền tảng chia sẻ doanh thu kết nối được giữa những khách hàng có nhu cầu với những sản phẩm, dịch vụ rảnh rỗi của các doanh nghiệp truyền thống.

Nhờ những kẻ tiên phong này, thị trường ngày nay đầy rẫy các công ty công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) cả ở phạm vi thế giới lẫn Việt Nam. Từ những thị trường thiết yếu của cuộc sống như giao thông vận tải, nhà ở, ăn uống cho đến phòng tập gym, học trực tuyến cũng đều chạy theo mô hình này. Báo chí thu phí hay nội dung số tuy nhiên vẫn đang chưa thực sự nhập cuộc.

Nền tảng chia sẻ doanh thu là gì?

Nền tảng chia sẻ doanh thu là nơi cung cấp công nghệ để người dùng sử dụng dịch vụ có giá trị của nhà cung cấp, đổi lại nền tảng này nhận hoa hồng trên mỗi giao dịch thành công. Uber hay Airbnb là những ví dụ tiêu biểu nhất như đã đề cập ở trên.

Ngoài ra còn một dạng nền tảng chia sẻ doanh thu trên môi trường Internet. Điểm khác biệt là dịch vụ mà người dùng sử dụng là các loại nội dung số như video hoặc hình ảnh. Doanh thu chia sẻ ở đây là từ quảng cáo trên các nền tảng này. Các loại nền tảng kiểu này có thể kể đến YouTube hay Facebook.

Báo chí thu phí không thể đứng ngoài cuộc cách mạng nền tảng
Báo chí thu phí không thể đứng ngoài cuộc cách mạng nền tảng

Ưu điểm của nền tảng chia sẻ doanh thu nói chung chính là tận dụng được mọi nguồn lực rảnh rỗi tham gia vào việc tạo ra giá trị chung. Đó có thể là một người sở hữu ôtô nhàn rỗi, một người có thừa nhà chưa cho ai thuê.

Ở góc độ nội dung, đó là những loại hình nghệ thuật, văn hóa, giải trí chưa được biết đến, thì nay, đã được biết đến rộng rãi hơn nhờ các nền tảng số. Động lực để những người làm nội dung liên tục sản xuất cái mới chính là sự chia sẻ doanh thu, và đánh giá từ người xem chính là sự phản ánh chính xác nhất phản ứng của thị trường về mức độ hấp dẫn của nội dung mà họ đã tạo ra.

Cuộc cách mạng nền tảng

Cuộc cách mạng nền tảng đã âm thầm diễn ra từ lâu ở nước ta. Chỉ riêng ở lĩnh vực nội dung, một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như Spiderum hay Comicola. Nhờ những nền tảng này, nhiều nội dung có giá trị đã được tạo ra, nhưng thu phí vẫn còn là một câu chuyện đường dài với Spiderum.

Còn với Comicola, mô hình gọi vốn tuy được đánh giá là thành công nhưng chưa thể tạo ra nguồn sống lâu dài cho các nhà sáng tạo nội dung. Về lâu dài, người làm nội dung vẫn phải tự tìm cách sinh tồn trong áp lực về người xem, chi phí sản xuất nội dung và đầu ra của sản phẩm.

Đây là lúc cơ quan báo chí có thể tận dụng lợi thế để tự xây dựng nền tảng của riêng mình. Không chỉ có một kho nội dung dày và có sẵn, hệ sinh thái báo chí cũng đã có và các cơ quan báo chí cũng tự tạo lập được uy tín riêng trong lĩnh vực mà mình đảm trách.

Với nền tảng riêng, cơ quan báo chí hoàn toàn có thể tận dụng và thu hút được nguồn lực ‘rảnh rỗi’ là các độc giả, học giả, những cây bút đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia xây dựng nội dung chất lượng cho mình, thay vì để họ cung cấp và chia sẻ nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook hay YouTube.

Báo chí thu phí không thể đứng ngoài cuộc cách mạng nền tảng
Báo chí cần tận dụng nguồn lực rảnh rỗi là các sinh viên tốt nghiệp đại học, thay vì để Grab làm điều đó.

Chẳng hạn, tác giả A viết bài trên nền tảng B và nhận được chia sẻ doanh thu dựa trên quảng cáo hoặc donate kiếm được từ nền tảng này (theo một tỷ lệ chia sẻ, chẳng hạn 70/30). Càng nhiều bài viết hay chất lượng, tác giả A càng có thêm nhiều thu nhập so với khoản nhuận bút cố định. Trong khi đó, nền tảng B có thể vừa có thể kiếm được doanh thu chia sẻ nói trên, vừa có thể bán lại nội dung cho các cơ quan báo chí khác.

Cái khó hiện nay là việc xây dựng nền tảng thu phí báo chí chưa có mô hình thành công để học hỏi. Việc xây dựng một nền tảng với đầy đủ cấu trúc tương thích từ web, app đến khả năng tùy biến giao diện, nội dung, thu phí, bán quảng cáo sau đó thống kê chia sẻ doanh thu với người sáng tạo nội dung là tương đối phức tạp.

Đây thực sự là bài toán nan giải cần đến sự trợ giúp của các công ty công nghệ hàng đầu kết hợp truyền thông quảng bá sản phẩm mới đem lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ khi nào người dùng cũng là người tạo ra nội dung, tiêu thụ nội dung và góp phần quảng bá đến người dùng mới, một nền tảng mới có thể coi là thành công bước đầu để phát triển (như trường hợp thành công của YouTube, TikTok và cũng là bài toán mà nền tảng Việt Lotus đang phải giải).

Rõ ràng, việc đầu tư xây nền tảng là điều ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu báo chí không có một nền tảng riêng do chính mình tạo ra, sân chơi nội dung sẽ ngày một bị áp đảo bởi các nền tảng xuyên biên giới nước ngoài.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : báo chícuộc cách mạngfaceboojquảng cáothu phíyoutube

Các tin liên quan đến bài viết