7h sáng 15/9, vị trí tâm bão số 10 cách Đèo Ngang (Quảng Bình) khoảng 120 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15.
-
16h, tâm bão dù đã vượt qua biên giới Việt – Lào chừng 50 km nhưng vẫn duy trì sức gió cấp 8-9. Chuyên gia của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, do cấp độ lớn, bão tan chậm. Khoảng 22h hôm nay, bão mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hiện, vùng mưa tập trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
-
Bão tàn phá miền Trung
Đau xót trước hậu quả của cơn bão số 10 mà người dân quê nhà đang phải gánh chịu, bạn Nguyễn Hồng Liên không kìm được dòng cảm xúc: “Mẹ bão Doksuri ơi! Bây giờ, ở quê em đó, làng trên xóm dưới, ai ai cũng đang thấp thỏm lo lắng, đứng ngồi không yên vì mẹ bão về. Thương quê mình, mảnh đất miền trung bao mùa nắng gió, khi nắng thì rất bỏng da, khi mưa thì xối xả ngập trắng, khi bão vào mạnh cuồng phong như trận địa thịnh nộ”.
Tài khoản Facebook Minh Chiến lại thương cho ngôi nhà 3 gian của em trai đổ sập hoàn toàn khi bị cây cổ thụ đè trúng. “Bão qua, chỉ còn lại đống đổ nát”, anh chia sẻ.
Còn bạn Phạm Cường cho hay gia đình bà Hoàng Thị Vinh, ở xóm 2, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không may bị cơn bão số 10 cuốn bay nóc nhà. Người phụ nữ luống tuổi đau xót khi cơ ngơi, gom góp cùng cậu con trai, chưa xây bao lâu đã tan tành theo cơn bão. -
Hà Tĩnh, Quảng Bình thiệt hại nặng
UBND Hà Tĩnh thông tin mưa bão đã làm tốc mái 169 ngôi nhà và làm ngập gần 3.000 nhà dân. Có nơi nước ngập 60-70 cm và tiếp tục dâng cao do ảnh hưởng của bão. Tại thị xã Kỳ Anh, rất nhiều nhà dân, trường học và các công trình công cộng đã bị tốc mái và rất nhiều cột điện, cây cối bị đổ gãy hiện nay chưa thống kê được. Đường giao thông ở các xã Kỳ Trinh, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Hưng bị ngập khoảng 30 cm. UBND thị xã Kỳ Anh các phòng làm việc, mái hiên, nhà tập thể bị tốc mái. Cột truyền hình, cột sóng Viettel thị xã Kỳ Anh đổ gãy.
Tại Quảng Bình, tính đến 14h ngày 15/9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của bão số 10, toàn tỉnh có hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái; 1 người chết, 6 người bị thương… Ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.800 tỷ đồng.
Cột điện gãy đổ khắp Hà Tĩnh, Quảng Bình gây mất điện trên diện rộng. Ảnh: Phạm Trường.
-
Cột truyền sóng đài truyền thanh, truyền thanh ở Hà Tĩnh đổ
Tại tâm bão thị xã Kỳ Anh, cột truyền sóng của Đài TT-TH thị xã cao 100 m bị gãy đổ; nhiều công trình, nhà dân bị hư hỏng nặng, tốc mái hoàn toàn.
-
Theo bản tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương lúc 14h30, tâm bão nằm trên khu vực biên giới Việt – Lào, sức gió mạnh nhất giảm còn cấp 9. Cơn bão còn duy trì cường độ cấp 8 đến cuối chiều nay.
Ảnh mây vệ tinh lúc 14h30 cho thấy tâm bão đang nằm ở khu vực biên giới.
-
Nhiều tuyến đê xung yếu ở Nghệ An bị đe dọa
14h ngày 15/9, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mưa to, gió giật mạnh. Thủy triều và nước tại các con sông Hàu, Mai Giang ở các xã Quỳnh Tiến, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thanh… tiếp tục dâng cao. Sóng vỗ mạnh khiến nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn các xã này có nguy cơ vỡ. Người dân cùng chính quyền địa phương đang tích đóng cọc gỗ, đắp đất, đổ đá… gia cố.
Nhiều vùng mép nước như xóm Tân Thịnh, Tân An của xã An Hòa, xã Tiến Thủy… ngập sâu trong nước. Các vùng có đầm nuôi tôm cá đều bị dòng nước cuốn trôi. Tài sản của người dân bị hư hại. “Nước dâng cao và đang tiếp tục cao hơn nữa. Hơn 15 năm trở lại đây, chưa có năm nào bão khiến nước dâng cao như vậy”, ngư dân Tiến (47 tuổi, xã An Hòa) lo lắng nói.
Người dân xã Quỳnh Thanh gia cố đê trước nguy cơ nước sông Mai Giang tràn qua gây ngập lụt. Ảnh: Pháp Trần.
Khu vực xóm Tân Thịnh, xã An Hòa ngập sâu trong nước. Ảnh: Quốc Việt.
-
Tàu cá cùng 10 ngư dân Thanh Hóa mất liên lạc trên biển
Ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), cho biết tàu cá do Nguyễn Văn Tuy (45 tuổi, trú tại thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc) đã bị mất liên lạc khi hoạt động trên biển.
Trước đó, từ ngày 6/9, tàu cá số hiệu TH-9366-TS có công suất 829 CV do anh Tuy làm thuyền trưởng xuất bến từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) vào vùng biển Nha Trang (Bà Rịa Vũng Tàu) để đánh bắt thủy hải sản. Trên tàu có 10 thuyền viên. Khi nhận được thông tin về cơn bão số 10, anh Tuy có liên lạc được với gia đình và địa phương. Tuy nhiên, từ ngày 13/9 đến nay, gia đình của các thuyền viên trên tàu không liên lạc được nữa.UBND xã Ngư Lộc đã thông báo đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ tìm kiếm.
-
Tại thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhiều biển báo bị thổi bay, vặn xoắn. Ảnh pano, cây cối gãy đổ trước Liên đoàn lao động huyện: Phạm Trường.
Trong khi đó lốc xoáy tại Cửa Hội (Nghệ An) làm nhiều nhà bị giật sập. Ảnh: Phạm Hòa.
-
Mái tôn bay khắp Đồng Hới
Hai cổng chào ở Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đổ sập. Ảnh hưởng của bão Doksuri, thành phố đang mất điện cục bộ và tình trạng ách tắc, ngập úng diễn ra ở một số tuyến đường. Cảnh sát giao thông hiện túc trực để điều tiết, phân luồng giao thông.
Theo Ban Phòng chống Bão lũ và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, các huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa chịu thiệt hại khá lớn, nhiều nhà dân bị tốc mái và chưa xác nhận số người thương vong.
-
Bão tan chậm, người dân không nên ra đường
Ảnh mây vệ tinh chụp lúc 12h30 cho thấy tâm bão đã đi vào đất liền Hà Tĩnh – Quảng Bình. Theo đại diện Trung tâm khí tượng, với cường độ bão cũng như vùng mây bao phủ lớn, bão số 10 tan chậm. Người dân vùng tâm bão không nên ra đường trong chiều nay. Ảnh: NCHMF.
-
Đường sắt tạm dừng nhiều đoàn tàu do ảnh hưởng của bão
Do ảnh hưởng của bão số 10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã dừng 2 tàu khách: SE3 tại ga Mỹ Đức, tàu SE6 tại Ga Đông Hà; Dừng 5 tàu hàng: ASY1 (dừng ở ga Vinh); AH1 (dừng ở ga Thanh Hóa); SH3 (dừng ở ga Phúc Trạch); HH8 (ga Sa Lung); SH4 (dừng ở ga Hiền Sĩ).
Dự kiến, vào trưa và chiều nay (15/9), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục dừng một số đoàn tàu có lịch trình chạy tàu qua khu vực bão số 10.
– Dừng tàu SE7 dự kiến 12h tại ga Vinh.
– Dừng tàu SE5 dự kiến 15h tại ga Vinh.
– Dừng tàu SE10 dự kiến 12h30 tại ga Huế.
– Dừng tàu SE2 dự kiến 12h30 tại ga Đà Nẵng.
– Dừng tàu SE4 dự kiến 14h tại ga Đà Nẵng.
-
Hà Tĩnh: 1 người chết, tháp viễn thông gãy đổ tê liệt, nhiều địa phương mất điện.
Thông tin từ UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết một nam thanh niên 30 tuổi ở xã Xuân Thành trượt chân, ngã tử vong khi đi kiểm tra nhà hàng ven biển của gia đình trước khi cơn bão số 10 đổ bộ.
Tại thị xã Kỳ Anh mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, nước bờ biển dâng cao, khu vực sông suối tràn qua bờ, lan chạy vào tận khu dân cư. Gần trưa ngày 15/9, cột tháp viễn thông thị xã Kỳ Anh bị gãy đổ, tê liệt. Hầu hết các địa phương đã mất điện trước khi cơn bão đổ bộ. Ở kã Kỳ Nam, 1 xe tải bị lật, 2 xe máy bị ngã làm 2 người bị thương.
-
Tài khoản Facebook Quy Hoang Vân chia sẻ khung cảnh tan hoang sau cơn bão ở Đồng Hới (Quảng Bình).
Bạn Hoàng Thủy chia sẻ trên Facebook: “Bão ở trong nhà cũng không yên, nghe tiếng đập mạnh như muốn đi luôn mái nhà. Mái tôn nhà hàng xóm bay qua bay lại như muốn khiêu chiến con người. Ngó ra xem sân nhà mình, mái tôn cũng bay hết rồi”.
-
Nhiều tàu chìm trong bão
Tại âu tàu Thanh Khê (Quảng Bình), ít nhất 2 tàu cá đã bị sóng gió đánh đắm. Cũng tại khu vực này, gió bão đã giảm nhưng nước biển dâng đã làm ngập một số hộ dân sống ven bờ. Ảnh: Tiến Tuấn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Phương Linh, khoảng 9h sáng, tàu xi măng lưới thép của ông Hà Văn Quân (SN 1979, trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) bị chìm khi đang neo đậu. Trên tàu có 7 người sau đó đều được lực lượng cứu nạn kịp thời ứng cứu đưa vào bờ an toàn. Trên tàu cũng có nhiều máy tàu đang sửa chữa, máy phát điện… chìm cùng tàu, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Trong sáng nay, một tàu du lịch trên đường âu tàu tránh trú qua khu vực cảng Cái Lân (Hạ Long, Quảng Ninh) bị chìm, trên tàu có ba thuyền viên. Ba người này cũng được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa vào bờ an toàn.
-
Lúc 12h02′
“Gió to như muốn thổi bay nóc nhà”“Gió to ghê lắm” – phóng viên Văn Được (thường trú tại Quảng Bình) chia sẻ về những phút ở trong tâm bão. Anh cho biết bão cuốn theo từng cơn “cuồn cuộn”, mưa xối xả trắng trời trắng đất, gió to như muốn thổi bay cả nóc nhà. Vợ anh không giấu được nỗi hoang mang trước mức độ nguy hiểm của tâm bão khi nó tiến thẳng vào Quảng Bình. Hai vợ chồng cũng tìm cách liên lạc với người thân ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). “Nhà cửa ở đó đều cấp 4 lụp xụp”, anh Được chia sẻ. -
Lúc 11h56′
Bệnh viện phải dùng máy phát điện dự phòng
Do ảnh hưởng của bão số 10 Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mất điện. Ngoài những khu vực cần thiết được dùng máy phát điện, các bác sĩ phải dùng đèn pin của điện thoại để chiếu sáng, làm hồ sơ bệnh án. Ảnh: Bác sĩ Phạm Ngọc Hân.
-
Lúc 1150′
Thanh Hóa, Nghệ An mưa lớn
Tại Nghệ An, phóng viên Lê Hiếu thông tin mưa lớn tại trung tâm Thị xã Cửa Lò khiến nhiều tuyến đường bắt đầu ngập.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng dự báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như: TP.Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị), TP.Huế (Thừa Thiên-Huế).
Tại Thanh Hóa, theo phóng viên Nguyễn Dương, tuyến đường biển Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn, mưa to, gió lớn. Thủy triều dâng cao khiến đường ngập, nhiều phương tiện lưu thông khó khăn. Những cột sóng đánh cao khoảng 5-6 m uy hiếp, gây nguy cơ vỡ bờ kè che chắn. Các đơn vị chống bão đã huy động xe tải chở từng khối đá tảng lớn và xe cẩu đến bảo vệ bờ kè và tuyến đường Hồ Xuân Hương.
-
Nhiều đô thị có nguy ngập úng
11h ngày 15/9, tâm bão số 10 ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 14-15.
Bão vẫn giữ hướng di chuyển tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu dần. 16h ngày 15/9, tâm bão ở trên khu vực biên giới Việt – Lào, suy yếu còn cấp 8-9 (60-90 km/h).
Ảnh hưởng của bão số 10, đảo Cồn Cỏ ghi nhận gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cửa Việt (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 8, giật cấp 13, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; TP Đồng Hới (Quảng Bình) gió giật cấp 12. Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng có gió giật cấp 6-9.
Ngày và đêm nay, Quảng Ngãi đến Nghệ An mưa lớn (100-200 mm); riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 300 mm). Đến hết ngày 16/9, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa đến mưa lớn (50-150 mm, có nơi trên 200 mm). Các đô thị như Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị), TP Huế (Thừa Thiên – Huế) có nguy cơ cao xảy ra ngập úng.
-
Người dân Hà Tĩnh lo ngập sau bão
Phóng viên Phạm Trường tại Hà Tĩnh cho hay hiện tại khu vực huyện Cẩm Xuyên có mưa to, gió giật mạnh, sóng biển cao. Theo dự báo nếu trời tiếp tục đổ mưa lớn, nhiều khu vực nhà dân ven biển huyện Cẩm Xuyên sẽ ngập nặng, cây cối gãy đổ.
-
Trao đổi với Zing.vn lúc 11h10, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) cho biết ông đang ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bão đã đổ bộ và nơi đây ghi nhận gió mạnh cấp 12, mưa lớn. Giao thông trên quốc lộ 1 vẫn bị cấm. “Khoảng 2 giờ nữa bão mới tan”, ông Cường nói.
-
Người Hương Khê (Hà Tĩnh) lo ngập lụt
Phóng viên Phạm Trường ghi nhận mưa lớn ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Người dân cho biết họ đã chuẩn bị kỹ đến chống bão, chỉ lo ngập lụt.
-
Vetnam Airlines tiếp tục hủy 12 chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 10
Trưa 15/9, Vietnam Airlines (VNA) thông báo do ảnh hưởng của cơn bão số 10 (có tên quốc tế là Doksuri) hãng đã hủy 12 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội/TP.HCM – Vinh/Đồng Hới/Thanh Hóa (VN 1264/65, 1266/67, 1268/69, 1714/15, 7400/01, 1270/71)
Các sân bay Đà Nẵng, Huế sẽ được VNA khai thác lại sau 14h ngày 15/9. Tại các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa), VNA sẽ tiếp tục không khai thác đến hết ngày 15/9. -
-
Hàng trăm ha cao su gãy đổ ở Quảng Trị
Anh Nguyễn Nhật Tân (Cam Lộ, Quảng Trị) phán ánh với Zing.vn, một khu rừng cao su của gần 700 hộ dân (mỗi hộ trồng khoảng 3 hecta trong 5-6 năm) ở huyện này bị bão đánh đổ hơn 30% diện tích.
Theo tài khoản Facebook Trần Ngọc Huy, quốc lộ 1A đoạn đi qua Quảng Trị hiện ngập nhẹ. “Xe đường dài chạy về nhà quá nhanh, quá nguy hiểm. Các nhà dân an toàn, nhà mình vỡ kính cửa sổ”, người này chia sẻ.
-
Vùng tâm bão đổ bộ vào Quảng Bình – Hà Tĩnh
Ảnh mây vệ tinh lúc 10h30 cho thấy tâm bão số 10 đã đổ bộ vào khu vực Quảng Bình – Hà Tĩnh. Nguồn: NCHMF.
Trong khi đó, người dân TP Đồng Hới phản ánh mưa trắng xóa, gió mạnh làm nhiều nhà tốc mái. Nhiều phường ghi nhận tình trạng mất điện.
-
Gió giật trên cấp 15 quét qua đảo Cồn Cỏ
10h15, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), thông tin bão số 10 đã quét qua đảo, ghi nhận sức gió mạnh nhất trên cấp 15. Gió bão mạnh khiến nhiều nhà cửa bị tốc mái, cây cối đổ và nhiều thiệt hại khác về tài sản. Ông Tuấn cho hay toàn bộ người dân trên đảo đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn, ở cùng cán bộ huyện ở trụ sở huyện và đồn biên phòng nên không có thiệt hại về người. Hiện, trên đảo, gió đã giảm nhiều nhưng vẫn còn mạnh, khoảng cấp 7. Khi nào thời tiết ổn định sẽ đưa dân về nhà và khắc phục hậu quả sau bão.
-
Lúc 10h17′
Cổng chào ở TP Đồng Hới đổ sập
Tại Quảng Bình, hệ thống cây xanh, biển quảng cáo, các công trình công cộng… bị hư hỏng nặng; rất nhiều tuyến phố bị ngập nước gây ách tắc giao thông cục bộ, điện sinh hoạt đã bị cắt.
Phóng viên Văn Được thông tin tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) ghi nhận bão gió đang rất mạnh, với vận tốc trên 100 km/h. Toàn thành phố bị cắt điện và Internert, sóng điện thoại chập chờn. Nhiều tuyến đường tại đây bị ngập nghiêm trọng, nơi sâu nhất gần nửa mét.
Hiện Quảng Bình chưa ghi nhận được trường hợp thiệt hại về người và tài sản. Nhà chức trách nhấn mạnh hiện tỉnh đang lên phương án di dời khoảng 20.000 người sống ven bờ sông Rinh, nơi có nguy cơ xung yếu và sạt lở cao. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình cho biết mực nước ở sông Rinh đang lên khá nhanh, mức báo động 1.
Cổng chào bằng sắt trên đường Lý Thường Kiệt (Quảng Bình) đổ sập. Ảnh: Báo Quảng Bình – Hoàng Tử Hùng.
-
Gió bão giật cấp 12 ở thành phố Đồng Hới
Đại diện Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Bình cho biết hiện gió bão tại tỉnh này rất mạnh. Lúc 9h30, thành phố Đồng Hới ghi nhận gió bão giật cấp 12. Mưa lớn 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên Nguyễn Văn Hiếu đã chia sẻ khung cảnh tan hoang ngay trước cửa nhà, với dòng chú thích: “Lệ Thủy thất thủ. Tâm bão trưa chiều mới vào mà đã vậy rồi”. Một người dùng khác có tên Giang Ninh Pham đăng tải hình ảnh xe taxi xếp hàng dài 2 bên đường tại Đồng Hới (Quảng Bình) trú bão.
-
-
Mất điện, nhiều người dân không cập nhật được diễn biến bão
Một người dân ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), gọi điện thoại vào đường dây nóng của Zing.vn hỏi về đường đi và cường độ hiện tại của bão số 10. Người này cho biết khu vực mình ở mất điện từ đêm 14/9 nên không thể cập nhật tình hình mưa bão.
Anh Nguyễn Duy Thỏa gọi điện từ Lệ Thủy, Quảng Bình chia sẻ hiện tại mưa rất lớn, nước dâng lên làm ngập đường, gió bão mạnh liên hồi, không theo quỹ đạo nào khiến cây cối nghiêng ngả, đổ rạp nhiều, rau và hoa màu thiệt hại nặng.
Anh Huân tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho hay bão lớn đã khiến nhà anh bị tốc mái, cây cối gẫy đổ. Rất may không có thiệt hại về người.
- Tâm bão áp sát Hà Tĩnh – Quảng Bình
Ảnh mây vệ tinh lúc 9h sáng 15/9 cho thấy vùng tâm bão đã nằm ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh – Quảng Trị. Tâm bão sẽ đổ bộ đất liền trong khoảng một giờ tới. Nguồn: NCHMF.
- Lúc 9h21′
- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin hồi 8h ngày 15/09, vị trí tâm bão số 10 ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/h), giật cấp 15.
Trưa đến chiều nay (15/09), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. - Đến 19h ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
- Lúc 9h15′
- Cấm lưu thông xe cộ trên quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh, Quảng Bình
- Trao đổi với Zing.vn lúc 9h05, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải cho biết ông đang cùng Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) và đoàn công tác có mặt tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Theo ông Hải, tại đây đã ghi nhận gió mạnh cấp 8-9 trên đất liền, vùng ven biển cấp 10-11, giật cấp 12-13, mưa mịt mù. Gió có thể quật ngã xe cộ lưu thông trên đường. Tâm bão sẽ đổ bộ trong 1-2 giờ tới.
- “Đây là giai đoạn gió bão mạnh nhất trước khi tâm bão đổ bộ. Bộ trưởng Nông nghiệp có lệnh cấm lưu thông xe cộ trên quốc lộ 1 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình”, ông Hải nói.
-
-
Người dân chằng chéo, buộc neo tàu lại trong gió bão
Theo ghi nhận của phóng viên Phạm Trường, lúc 8h15 tại vùng biển xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dù mưa to, gió mạnh một số người dân vẫn bất chấp nguy hiểm ra neo đậu lại tàu thuyền. Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết mưa lớn ở đây từ 0h ngày 15/9. “Bão lớn so với các năm. Lo mất tài sản nên chúng tôi phải ra neo lại tàu”, ông nói.
Đang thị sát tại vùng neo đậu tàu thuyền ở đây, ông Đặng Quốc Cương, Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên, cho hay đến hiện tại toàn bộ công tác ứng phó với cơn bão đều hoàn tất, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Sáng nay một số hộ dân cùng lực lượng ứng cứu tiếp tục chằng chéo, buộc neo lại một số tàu. -
Mất điện, sóng điện thoại chập chờn
Bà Đồng Thị Quảng, người dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết từ 4h sáng 15/9, gió bắt đầu mạnh dần, đến 5h điện khu vực này bị mất. Tất cả tàu thuyền của ngư dân đều được neo đậu nơi an toàn. Bà Quảng cho biết hiện, mưa còn ít nhưng gió đã rất lớn, đồ đạc để ngoài sân bay tứ tung. Bà lo ngại căn nhà của gia đình mình không thể chống chọi khi cơn bão chính thức đổ bộ.
-
-
Ngư dân ngồi đánh cờ trong bão
Theo ghi nhận của phóng viên Tiến Tuấn: Tại âu tàu Thanh Khê (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng (Nghệ An) có 18 thuỷ thủ trú lại trên tàu. Tàu của ông Dũng đã vào âu tránh bão 3 ngày khi đang đánh bắt tại vùng biển Quảng Bình.
Tại tàu Thanh Hoá 90808 của thuyền trưởng Dương Văn Công, anh em thuỷ thủ tàu vẫn khá bình tĩnh, thảnh thơi đánh cờ trước cơn bão lớn. Họ cho biết với ngư dân đi biển thường xuyên thì gặp bão như cơm bữa, vào được âu tàu là khá yên tâm và an toàn. Một số người được cử đi mua lương thực, rau củ, thịt về tàu để dùng cơm trong 2-3 ngày tới.
- Lúc 8h09′Bão mạnh cấp 12-13, cách đèo ngang 120 kmTrung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin trong 6 giờ vừa qua (tính đến 1h ngày 15/9), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.Một số nơi có lượng mưa trên 70 mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 80 mm, Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) 100 mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 115 mm. Ở đảo Bạch Long Vỹ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.Bản tin phát lúc 7h05 ngày 15/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay vào hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm bão cách Đèo Ngang khoảng 120 km.Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25km/h.
Khoảng trưa đến chiều nay (15/9), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Đến 13h cùng ngày, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.
- Lúc 8h01′
- Cả nước mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 10
-
Một số nơi có lượng mưa trên 70 mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 80 mm, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) 100 mm, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 115 mm. Ở đảo Bạch Long Vỹ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Sáng 15/9, vị trí tâm bão số 10 cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 190 km về phía đông đông nam. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. Bản tin phát lúc 7h5 ngày 15/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay vào hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm bão cách Đèo Ngang khoảng 120 km.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25km/h.Khoảng trưa đến chiều nay (15/9), vùng tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Đến 13h cùng ngày, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.
Theo News.zing.vn