Trong mâm cỗ ngày tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng xanh để dâng cúng lên ban thờ tổ tiên. Tuy nhiên, trong nhịp sống công nghiệp hối hả, ngày càng ít bánh chưng ‘nhà làm’.
Thay vào đó, nhiều người tìm mua bánh chưng về cúng và với nhiều người dân Hà Nội, bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là một sản phẩm quen thuộc trong mâm cỗ tết. Bánh chưng Tranh Khúc có từ lâu đời, với màu sắc, hương vị đặc trưng riêng được nhiều nơi biết tiếng.
Thôn Tranh Khúc gốc hiện có trên 80 hộ chuyên làm bánh chưng và thôn Tân Hà (được tách ra từ thôn Tranh Khúc) có trên 100 hộ theo nghề làm bánh chưng, chưa kể nhiều người con sinh ra từ Tranh Khúc mang theo nghề đến vùng đất mới.
Ông Minh – một người chuyên làm bánh chưng tại thôn Tranh Khúc – cho biết để làm ra chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo trong từng công đoạn và đặc biệt là nguyên liệu phải ngon, sạch, có nguồn gốc rõ ràng…
“Chẳng hạn, gạo nếp làm bánh chưng phải là gạo nếp cái hoa vàng ở vùng châu thổ sông Hồng, những loại gạo nếp ngon có tiếng của Hải Hậu (Nam Định). Đậu xanh làm nhân phải chọn loại hạt nhỏ, ruột vàng, đậm vị bùi ngậy…” – ông Minh cho biết.
Để phục vụ Tết cổ truyền, ngay từ đầu tháng chạp, tập trung nhất từ sau ngày ông Công, ông Táo 23 tháng chạp đến 30 tết, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc luôn nhộn nhịp với nhân công rửa lá, xếp lá, cắt lá, hỗ trợ việc gói bánh, xếp bánh, luộc bánh, vớt bánh, ép bánh, rồi ôtô, người đi xe máy đến đặt, mua, vận chuyển bánh…
Vào những ngày này, nhà làm ít nhất cũng khoảng 1.500 chiếc bánh chưng, gia đình làm nhiều khoảng 2.000 chiếc/ngày. Ngoài loại bánh chưng có các mức giá từ 30.000 – 50.000 đồng/chiếc được làm phổ biến, một số hộ còn làm bánh chưng theo đơn đặt hàng với giá cao hơn, từ 100.000 – 150.000 đồng/chiếc.
Nguồn: tuoitre.vn