Những người đứng về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump khấp khởi niềm hy vọng mới khi 17 bang chính thức ủng hộ đơn kiện của Texas, đòi hủy kết quả bầu cử ở 4 bang mà ông Joe Biden giành chiến thắng.
Hôm 8/12, Tổng chưởng lý Ken Paxton đã đại diện bang Texas gửi đơn kiện lên Tòa án tối cao Mỹ để yêu cầu vô hiệu hóa tổng cộng 62 phiếu đại cử tri của Pennsylvania, Georgia, Wisconsin và Michigan.
Tổng thống Trump ca ngợi vụ kiện của Texas là “sự kiện lớn của nước Mỹ”. |
Theo báo RT, căn cứ vào lượng lớn phiếu bầu qua thư được kiểm đếm sau ngày tổng tuyển cử quốc gia 3/11, cả 4 bang chiến địa trên đã công bố ông Biden là người thắng cử, đồng nghĩa chính khách Dân chủ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của những bang này.
Song, ông Paxton cáo buộc động thái là “bất hợp pháp”, viện dẫn lí do 4 bang chiến địa đã để xảy ra “các bất thường về bỏ phiếu”, “sửa đổi các luật bầu cử” một cách không phù hợp và có khả năng đã bỏ qua các lá phiếu của cử tri Cộng hòa bất kể chúng hợp lệ hay không.
Đơn kiện của Tổng chưởng lý Texas cũng yêu cầu Tòa án tối cao hoãn buổi họp và bỏ phiếu của Cử tri đoàn toàn quốc vào ngày 14/12, sự kiện dự kiến chính thức xác nhận ông Trump thắng hay thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Nỗ lực lội ngược dòng
Các tổng chưởng lý của 17 bang gồm Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Bắc Dakota, Oklahoma, Nam Carolina, Nam Dakota, Tennessee, Utah và Tây Virginia hôm 9/12 đã cùng ký tên vào một đơn kiến nghị gửi Tòa án tối cao thể hiện sự ủng hộ đối với đơn kiện của ông Paxton.
Đương kim Tổng thống Trump đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở tất cả các bang “ngả đỏ” (ủng hộ phe Cộng hòa) này.
Một số nhà quan sát bày tỏ trên báo The Hill rằng, diễn biến phản ánh nỗ lực mới nhất và cũng có thể là cuối cùng của các đồng minh và những người trung thành muốn trợ giúp ông Trump trong cuộc chiến pháp lý dai dẳng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
Theo tính toán không chính thức của truyền thông Mỹ, đối thủ Biden hơn ông Trump khoảng 7 triệu phiếu phổ thông cũng như đang có trong tay tổng cộng 306 phiếu đại cử tri, bỏ xa 232 phiếu của ông Trump và vượt ngưỡng tối thiểu 270 phiếu để trở thành lãnh đạo tiếp theo của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, cho tới hiện tại, ông Trump vẫn nhất quyết không nhận thua và tiếp tục cáo buộc tổng tuyển cử có gian lận diện rộng, dù không đưa ra bằng chứng.
Chiến dịch tranh cử và các đồng minh của ông Trump đã tiến hành khởi kiện kết quả bầu cử trên khắp toàn quốc. Song, AP thống kê, phe ủng hộ vị Tổng thống Cộng hòa này đã thua hơn 35 vụ trong tổng số gần 50 vụ kiện như vậy. Các vụ còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét nhưng được dự đoán khó có thể mang về kết quả có lợi cho ông Trump.
Triển vọng chiến thắng
Đối với vụ kiện mới nhất của bang Texas, đa số các chuyên gia pháp lý đều tỏ ra hoài nghi khả năng chiến thắng.
Trang Marketwatch dẫn lời Rick Hasen, chuyên gia luật bầu cử thuộc Đại học California nhấn mạnh, Texas không có tư cách khởi kiện một vụ việc liên quan đến cách một bang khác quyết định các phiếu đại cử tri như thế nào. Và ngay cả khi Texas có quyền làm việc đó, đáng lẽ bang phải lên tiếng phản đối các thay đổi bầu cử của 4 bang chiến địa trước ngày bỏ phiếu quốc gia, chứ không phải sau thời điểm này.
Lisa Marshall Manheim, giáo sư thuộc trường Luật, Đại học Washington viết trên tờ Washington Post rằng, vụ kiện do Tổng chưởng lý Texas khởi xướng “không mạch lạc về mặt pháp lý, không căn cứ vào thực tế và dựa trên các lý thuyết về biện pháp khắc phục cơ bản hiểu sai quy trình bầu cử”. Bà Manheim dự đoán vụ kiện chắc chắn sẽ thất bại.
Trong khi đó, giới chức tại 4 bang chiến địa chỉ trích vụ kiện của ông Paxton là sự tấn công liều lĩnh nhằm phá hoại tính toàn vẹn của bầu cử và làm xói mòn niềm tin vào hệ thống dân chủ Mỹ. Dana Nessel, Tổng chưởng lý bang Michigan cáo buộc đây là “chiêu trò thu hút sự chú ý của công chúng, thay vì một khẩn cầu pháp lý nghiêm túc”.
Thượng nghị sĩ John Cornyn, chính khách Cộng hòa từng giữ chức Tổng chưởng lý Texas mô tả vụ kiện là “khác thường” và “chưa từng có tiền lệ”. Vì vậy, ông không biết Tòa tối cao sẽ hành xử ra sao trong trường hợp này.
Nếu Tòa tối cao đồng ý can thiệp và xử Texas thắng kiện, ông Biden sẽ bị trừ 62 phiếu đại cử tri và còn lại 244 phiếu, vẫn hơn số phiếu giành được của ông Trump nhưng chưa đủ mức tối thiểu 270 phiếu để được tuyên bố thắng cử.
Trong trường hợp này, Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức bầu chọn tổng thống. Mỗi bang có một phiếu bầu và ứng viên nào nhận được 26 phiếu sẽ thắng cử. Nhóm nghị sĩ Hạ viện từ mỗi bang sẽ gặp nhau để quyết định cách bỏ lá phiếu duy nhất của họ. Đây là kịch bản phe ủng hộ ông Trump khao khát nhất, nhưng cũng được đánh giá là ít khả năng xảy ra nhất.
Cho đến hiện tại, Tòa tối cao vẫn chưa thông báo có tổ chức xét xử vụ kiện hay không. Song, tòa ra hạn chót đến 15h chiều 10/12 theo giờ địa phương (3h sáng 11/12 giờ Việt Nam) cho chính quyền 4 bang chiến địa đệ trình phản hồi đơn kiện của Texas.
Quyết chiến
Tổng thống Trump hôm 9/12 đăng đàn Twitter cho biết đã nộp đơn lên Tòa án tối cao, yêu cầu 9 thẩm phán cho phép ông tham gia vào vụ kiện của Texas với tư cách bên thứ ba liên quan. Ông mô tả đây là “sự kiện lớn của đất nước”.
Một nguồn thạo tin tiết lộ trên báo New York Times rằng, cuối ngày 9/12, đương kim tổng thống đã yêu cầu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz ở Texas tham gia vụ kiện và nhận được câu trả lời đồng ý.
Theo giới phân tích, việc nhiều chính khách Cộng hòa như Tổng chưởng lý Paxton, người đang cân nhắc chạy đua giành ghế Thống đốc bang Texas hay ông Cruz, một gương mặt triển vọng đại diện đảng tranh cử tổng thống năm 2024 và Thượng nghị sĩ Josh Hawley thuộc bang Missouri, người cũng ôm mộng chạy đua vào Nhà Trắng sau 4 năm nữa, công khai ủng hộ cuộc chiến pháp lý của đương kim tổng thống cho thấy, ông Trump dường như vẫn duy trì được vai trò thống trị trong đảng.
Ông Trump được tin đang lôi kéo và gây sức ép buộc các đồng minh phải đứng về phía mình, từ chối công nhận ông Biden thắng cử. Nếu thông tin là chính xác, ông Trump có thể sẽ dồn sức thổi bùng vụ kiện của bang Texas, khiến nó trở nên kịch tính trước khi mọi chuyện ngã ngũ.
Nguồn: vietnamnet