“Em gái tôi hiện rất hoảng loạn, có dấu hiệu trầm cảm khi liên tục nhận tin nhắn đòi nợ, doạ dẫm” anh D, anh trai T – nữ sinh đã vay ‘tín dụng đen’ trực tuyến gần 300 triệu đồng chỉ vì mất 10 triệu tiền học phí.
T. là sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Theo lời T, vì đánh mất khoản tiền đóng học phí khoảng hơn 10 triệu đồng, T. đã đi vay “tín dụng đen” qua ứng dụng di động (app) trực tuyến.
Những ngày qua, T. liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi doạ dẫm khiến nữ sinh này hoảng loạn. Khi gia đình biết chuyện thì số tiền T. vay bao gồm lãi mẹ đẻ lãi con đã lên tới gần 300 triệu đồng.
Các app mà nữ sinh T. đã vay với số tiền gần 300 triệu đồng |
Chia sẻ với VietNamNet, anh D. – anh trai của T. – kể Chủ nhật vừa rồi nhận được tin T. nhắn đang rất hoảng loạn vì bị đòi nợ. Quá bất ngờ, anh D. hỏi T. rằng đã vay bao nhiêu thì em gái trả lời rằng “không biết”. Anh D. tiếp tục hỏi T. đã vay ở đâu, thì được báo rằng “nhiều lắm”. Linh tính mách bảo anh D. rằng em gái mình đã rơi vào bẫy.
“Sau khi tôi trấn an, T. đã kể trình tự cụ thể. Từ lời kể của T., tôi ngồi lọc được có rất nhiều app cho em vay nhưng không có app nào giống app nào. Trong đó, mỗi app cho mượn một ít nhưng khi gom lại thì số tiền cả gốc và lãi rất lớn. Không biết số tiền em thực nhận là bao nhiêu, nhưng cộng cả gốc lẫn lãi thì gần 300 triệu đồng” – anh D. nói.
Theo anh D., em gái anh kể rằng ban đầu chỉ vay mấy triệu với mức trả hàng tháng chỉ mấy trăm nghìn. T. nghĩ mỗi tháng chỉ mấy trăm nghìn là một số tiền nhỏ, nhưng sau đó không trả được và cũng không dám nói ra. Khi không trả được thì các app mới lại mở ra và cho vay đủ tiền để đáo hạn. Bị đe doạ nên em tiếp tục vay rồi vay nữa, dẫn tới khoản nợ lớn.
Trong khi đó, việc vay qua app có điều kiện rất dễ dàng. “Việc cho vay như một cái bẫy dành cho những người nhẹ dạ. Người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và cho truy cập vào danh bạ điện thoại. Vì vậy, sau khi vay và chưa trả hết thì bản thân người vay và gia đình, bạn bè liên tục bị đòi nợ, hù doạ” – anh D. nói.
Khi nắm được vấn đề của em gái, anh D. đã gọi lại cho các bên cho vay. Dù liên tục gọi điện hù doạ nhưng khi anh D. gọi lại thì chủ nợ không bắt máy. “Rốt cục, bản thân tôi cũng không biết trả cho ai và trả thì có hết không” – anh D. than. Mặt khác, gia đình cũng không biết cơ sở pháp lý thế nào để trả vì không có giấy tờ vay nợ nên rất lo lắng.
“Hiện tâm lý em tôi rất tệ, gần như không nghĩ được gì và rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chúng tôi quyết định thu điện thoại để em ổn định.
Rõ ràng đây là một cái bẫy mà kịch bản rất đơn giản. Đó là khi bạn cần thì cho vay và đòi nợ bằng cách hù dọa liên tục, bêu xấu hình ảnh. Các em còn trẻ, sợ mất mặt với ba mẹ, người thân, gia đình. Bản thân các em cũng không lường trước được hậu quả, cho tới khi bùng ra thì đã rơi vào trầm cảm thậm chí có thể tự tử. Chúng tôi chỉ biết động viên em vượt qua cơn hoảng loạn nhưng cũng không biết tương lai sẽ như thế nào” – anh D nói.
Anh D. cho rằng, câu chuyện của em gái anh là bài học cho các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn ở quê ra thành phố học đại học.
“Những thành phố lớn như TP.HCM có rất nhiều cạm bẫy, không ai tưởng tượng được những chuyện như thế này. Trong khi đó gia đình ở quê sẽ không biết việc con đi học ở thành phố như thế nào. Các chiêu trò lừa đảo thì đang đầy rẫy trên mạng.
Bản thân các em cũng không ý thức được khi bị xâm phạm quyền riêng tư thì nguy hiểm như thế nào? Tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xử lý tận gốc vì đây là cạm bẫy thể hiện sự lừa đảo. Không chỉ người trẻ, chúng ta cũng bị xâm phạm đời tư rất nhiều, thậm chí số điện thoại của tôi đang bị các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bất động sản, bảo hiểm gọi điện làm phiền” – anh D. bày tỏ.
Chia sẻ với VietNamNet, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết sinh viên T bị bên cho vay hăm doạ nên rất khủng hoảng. Hiện người nhà liên hệ với bên cho vay để gặp trực tiếp nhưng phía cho vay không chịu gặp mà chỉ giao tiếp qua Zalo. Phía nhà trường khi nắm được sự việc đã liên hệ trung tâm tư vấn pháp luật của trường để trợ giúp gia đình giải quyết. Theo bà Thoa, nhà trường đã nhiều lần yêu cầu sinh viên toàn trường tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố; Không cung cấp thông tin sinh viên, thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc thông tin sao kê trên các ứng dụng hoặc diễn đàn không rõ ràng. Không lợi dụng, lôi kéo người khác tham gia hoặc cung cấp thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép. Nếu các em có gặp vấn đề này thì liên hệ phòng công tác sinh viên và thanh tra giáo dục để được hỗ trợ kịp thời. Hiện trường có gói 30,6 tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ sinh viên trong năm học này, trong đó có chi hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn cần hỗ trợ đột xuất. |
Nguồn: vietnamnet