Trong dự thảo lấy ý kiến về thông tư quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Công an đề xuất khi bán, cho tặng xe đến tỉnh khác, chủ xe phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số.

Bán xe qua tỉnh, thành khác: Phải nộp lại giấy đăng ký, biển số? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục lấy biển số cho ôtô tại TP.HCM 

Theo đó, trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân (mua hoặc được cho, tặng, điều chuyển) tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, chủ xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Nếu cùng tỉnh, chủ xe chỉ phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký. Xe mang biển số loại cũ (biển chỉ có 3 số) phải nộp cả đăng ký và biển số.

Gắn trách nhiệm cho chủ phương tiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Phạm Việt Công – trưởng Phòng đăng ký xe Cục Cảnh sát giao thông – cho biết đối với các xe mua bán, di chuyển trong cùng tỉnh thì chỉ cần nộp đăng ký, không cần nộp biển số vì sau khi chuyển đăng ký thì người chủ mới vẫn sử dụng biển số xe đó theo quy định. Trường hợp biển 4 số mà chủ xe không muốn đổi sang 5 số thì chủ xe đề xuất và công an sẽ bấm cấp lại biển số như quy định của bộ.

“Trên thực tế hiện nay, rất nhiều người khi mua bán xe không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu dẫn đến tình trạng xe của chủ cũ bán cho chủ mới đi nhưng trên hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn chưa cập nhật” – trung tá Công nói.

Theo trung tá Công, việc quy định chủ xe khi bán phải nộp lại đăng ký, biển số xe nhằm gắn trách nhiệm cho chủ phương tiện để nắm thông tin phục vụ việc quản lý xe, gửi thông báo vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến phương tiện khi lưu thông.

Sẽ lập hồ sơ xe điện tử

Ông Công cho biết thêm để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, phía Cục Cảnh sát giao thông đang đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ xe điện tử.

“Sau này, chúng tôi sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật để nâng cấp hệ thống đăng ký xe và điện tử hóa hồ sơ xe. Lúc đó, khi người chủ cũ đã làm thủ tục thu nộp đăng ký, biển số xe, chủ mới chỉ cần mang hợp đồng mua bán chứng minh quyền sở hữu mới của mình đến nơi đăng ký hộ khẩu và đề nghị qua công an.

Khi đó, công an sẽ căn cứ trên quyền sở hữu đó để lấy hồ sơ điện tử trên hệ thống xuống và làm thủ tục cấp đăng ký và biển số. Với cách làm này, người dân không cần rút hồ sơ giấy như hiện nay và sẽ giảm bớt tối đa thủ tục cho người dân” – trung tá Phạm Việt Công thông tin.

Làm thủ tục đăng ký sang tên trong 30 ngày

Theo dự thảo của Bộ Công an, trong 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân (mua, được điều chuyển cho, tặng xe) phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định.

* Đối với trường hợp sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, tổ chức, cá nhân (mua, được điều chuyển cho, tặng xe) đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục.

* Không phải đưa xe đến kiểm tra, ghi số định danh cá nhân, số hóa đơn điện tử, tên doanh nghiệp bán xe vào giấy khai sang tên di chuyển để cán bộ đăng ký xe kiểm tra thông tin của người đến đăng ký xe trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

* Trường hợp chưa kết nối cơ sở dữ liệu với cơ quan đăng ký xe, phải xuất trình giấy tờ theo quy định.

Nhiều câu hỏi cần phải làm rõ

Anh Trần Ngọc Quân (Q.Bình Tân, TP.HCM), làm nghề mua bán xe máy cũ, cho hay quy định thu hồi đăng ký xe và biển số nói trên là cần thiết. Nhưng cũng cần xem xét quy định phù hợp thực tiễn bởi đối với các xe chính chủ, người bán thực hiện quy định này thuận tiện.

Tuy nhiên, trong trường hợp xe cũ đã bán qua nhiều đời chủ thì người đi giao đăng ký và biển số thu hồi sẽ gặp khó với các câu hỏi từ cơ quan công an: nguồn gốc xe thế nào, mua xe đó từ đâu, quá trình sở hữu có hợp pháp không?…

Anh Quân cho hay trong quá trình mua xe cũ, anh làm hợp đồng mua bán xe viết tay và chụp lại CMND của người bán. Trong hợp đồng cũng yêu cầu người bán xe có phần ghi rõ nguồn gốc xe là mua lại từ ai, địa chỉ ở đâu… và cam đoan nguồn gốc xe hợp pháp. “Như vậy, khi tôi thu hồi đăng ký và biển số xe nộp cho cơ quan công an thì cơ sở nào để họ tiếp nhận, có làm khó tôi không?”.

Đồng tình, luật sư Hứa Thị Thảo – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng quy định này của dự thảo là hợp lý. Tuy nhiên từ thực tiễn cuộc sống, quy định phải phù hợp và thống nhất với các quy định liên quan để áp dụng hiệu quả.

Chẳng hạn đối với xe máy cũ đã mua bán qua nhiều đời chủ mà người sở hữu không phải là chính chủ. Nếu người này bán lại xe cho người khác ở ngoài tỉnh thì khi giao nộp lại đăng ký xe, biển số xe, cơ quan tiếp nhận phải tạo điều kiện đơn giản trong thủ tục.

Ngoài ra, có nhiều biển số xe rất đẹp, gắn liền với xe, thậm chí có biển số được chủ xe mua với giá khá cao thông qua đấu giá từ thiện… Trong trường hợp này, biển số xe trở thành một loại tài sản sở hữu gắn với chủ xe (nhất là đối với ôtô) và phù hợp sở thích của người sử dụng. Từ đó có không ít trường hợp mua bán xe ngoại tỉnh nhưng không làm hợp đồng mua bán, tặng cho mà làm ủy quyền quản lý, sử dụng… để được giữ lại biển số đẹp. Việc ủy quyền là phù hợp quy định pháp luật về dân sự và công chứng. Trường hợp này sẽ giải quyết thế nào?

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bán xebiển xenộp lại biển số

Các tin liên quan đến bài viết