Xuất khẩu tôm cá chính thức vượt qua cột mốc 10 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong lịch sử của ngành thuỷ sản, vượt xa mục tiêu đề ra hồi đầu năm nay.

Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, trong tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 750 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng năm nay, xuất khẩu thuỷ sản thu về 10,14 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu cá tra đạt 2,2 tỷ USD, tăng 61,9%; tôm đạt 4,1 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là những khách hàng lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam cho đến nay. Xuất khẩu sang các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu chững lại do ngấm đòn lạm phát, tồn kho tại ở các nước nhập khẩu đang lớn, trong khi doanh số bán hàng chùng xuống.

Tuy nhiên, theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch toàn ngành lần đầu tiên sẽ đạt 11 tỷ USD trong năm 2022.

Trong đó, nhiều mặt hàng phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu trước đó. Đơn cử, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,5 tỷ USD. Cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD – mục tiêu cách đây 3 năm và năm nay mới có thể đạt được.

Tương tự, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD. Nhóm hải sản ước đạt 3,2 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu trong ngành thuỷ sản đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 18-77%.

Tất cả thị trường đều tăng trưởng mạnh, bình quân từ 15–75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, Nga tăng 0,2%. Đáng chú ý, 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Riêng xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, còn Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

Chuyên gia trong ngành thuỷ sản nhận định, năm 2023 sẽ gặp những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu. Bởi, kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022.

Xuất khẩu thuỷ sản dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm 2023 

Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng.

Đề cập đến những thách thức trong năm 2023 của thuỷ sản Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng, ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan song tình hình thực tế khá khó khăn.

Theo ông, đây là khó khăn từ cuối năm 2022 chuyển qua 2023. Tuy nhiên, thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.

Nhiều người hy vọng cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện, nhu cầu sớm quay trở lại thì Việt Nam có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023.

Kinh tế vĩ mô hiện nay của nước ta được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi các yếu tố bên ngoài giống năm 2008. Ngoài ra, sức khoẻ của doanh nghiệp không thể nói là mạnh, nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Doanh nghiệp cần cố gắng tiếp tục sản xuất, duy trì lực lượng lao động, nhất là công nhân có tay nghề, khi thời cơ đến thì tăng trưởng và xuất khẩu, ông Hoè nhấn mạnh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Xuất Khẩu Cá Traxuất khẩu thủy sản

Các tin liên quan đến bài viết