Một tuần thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối. Bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại…

Nhiều ngày nay các phóng viên báo chí đã phản ảnh một thực tế về thị trường, hàng hóa, giá cả ở TP.HCM khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Công bằng mà nói, do dịch phát sinh rộng, nhanh chóng, sức mua hàng hóa của các gia đình tăng mạnh. Với tâm lý dự trữ khi bị giãn cách xã hội, cùng quy mô dân số lớn lên tới hàng chục triệu người, dẫn tới khối lượng phục vụ bán lẻ hàng hóa lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu của hệ thống phân phối thành phố là rất lớn.

Mặt khác, khi có phát sinh dịch ở một số chợ, siêu thị buộc các doanh nghiệp, các chợ phải đóng cửa phần lớn, gây ra sức ép phục vụ dồn về các siêu thị còn lại ở thành phố.

Như chúng ta đều biết, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại mới đảm nhiệm 20% doanh số bán lẻ, chỉ phục vụ được 10% hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu. 90% nhóm hàng này là do các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini đảm nhiệm. Trước sức ép trên, TP.HCM đã có nhiều cố gắng chỉ đạo hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ phục vụ nhân dân.

Bấn loạn mớ rau, con cá... ba bài học lớn từ Sài  Gòn
i học về tổ chức hệ thống phân phối cần được rút ra.

Tuy nhiên. vì lực có hạn, sự chuẩn bị để đón đợt dịch bùng phát lớn chưa được đầy đủ nên dẫn tới những lúng túng trong điều hành tổ chức nguồn hàng, gắn kết chuỗi sản xuất phân phối, tổ chức bán ra cho người tiêu dùng,… Từ đó, khiến hàng hóa đôi lúc đôi nơi bị thiếu một cách giả tạo, mua bán bị đứt đoạn phiền hà, có những mặt hàng giá cả có thời điểm tăng đột biến.

Qua 1 tuần thực hiên Chỉ thị 16, TP.HCM cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối của mình, bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối hệ thống siêu thị trung tâm thương mại siêu thị mini.

Bài học đầu đầu tiên, đó là tổ chức nguồn hàng cho hệ thống phân phối thành phố, phải đảm bảo lên tục đều đặn không đứt gãy bởi những trở ngại của việc phòng chống dịch trên các cung đường vận chuyển đến thành phố; tạo những luồng xanh vận chuyển liên tục hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu tiêu dùng của nhân dân.

Việc này cần có sự phối hợp của các ngành: giao thông vận tải, các địa phương cung ứng hàng cho thành phố, công an, y tế quản lý thị trường,… Chắc chắn phải có một tổ chức chỉ huy thống nhất để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh hàng ngày, hàng giờ. Có như vậy, hàng hóa đến thành phố sẽ không bị đứt đoạn, tạo ra tâm lý ổn định khi mua hàng của người tiêu dùng và giá cả sẽ không có những đột biến lớn.

Bài học tiếp theo, bài học về dự trữ ở khâu lưu thông. Với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hàng ngày, hệ thống bán lẻ nói chung không thể không có cơ số dự trữ hàng hóa nhất định, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Dù dự trữ ở chợ đầu mối hay kho hàng ở các đơn vị bán lẻ, với một lượng hàng nhất định, để có thể tổ chức bán ra đều đặn là một điều rất cần thiết.

Bài toán dự trữ 2-3 tháng, tuy sẽ phải bỏ ra một lượng vốn nhất định, song chúng ta không chỉ đơn thuần tính bằng chi phí dự trữ mà ý nghĩa cao hơn, được nhiều hơn đó là sự ổn định tâm lý mua bán của người dân thành phố, giá cả được duy trì tương đối ổn định, xã hội được ổn định, người xấu khó có thể lợi dụng mua vét hàng hóa đẩy giá lên cao một cách phi lý.

Bài học thứ 3 là bài học về công tác quản lý thị trường trong khi có dịch. Các lực lượng công an kinh tế, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường tài chính giá cả,… cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm trọng điểm, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đầu cơ tăng giá lợi dụng khi có dịch để kiếm chác lợi nhuận một cách phi pháp.

Tóm lại, TP.HCM, Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, khi có dịch phát sinh, cần nắm vững những nguyên tắc định hướng quan trọng để tổ chức tốt hệ thống phân phối của địa phương nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách chắc chắn, hiệu quả, nhân văn nhất trong bất kể tình huống nào xảy ra trên các địa bàn. Đó là: “Khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường”

Làm được những vấn đề trên, chắc chắn các địa phương có dịch sẽ làm tốt nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế, vừa phục vụ đời sống nhân dân và chống dịch, đúng như sự chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Dự Trữ Thực PhẩmPhân Phối Hàng Hóathực phẩmTP.HCM Giãn Cách Xã Hội

Các tin liên quan đến bài viết