Các bệnh viện có thể xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tối đa 500.000 đồng/lượt khám và tối đa 4 triệu đồng/giường/ngày.
Với quy định mới về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong khi người bệnh cũng có thêm lựa chọn khi đến các cơ sở y tế
Đó là một nội dung trong thông tư số 13 của Bộ Y tế mới ban hành quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Phù hợp với xu thế khám chữa bệnh hiện đại
Khung giá trên là cơ sở để các bệnh viện tăng chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của một số đối tượng người bệnh có thu nhập cao, mong muốn dịch vụ cao cấp và không gian riêng tư nhưng vẫn có những quy định đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc sức khỏe khi cần.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành khung giá kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu với 1.937 hạng mục, có giá chênh lệch tối thiểu và tối đa dao động từ 20 – 50%.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (50 tuổi, Hà Nội) cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ tăng không làm ảnh hưởng nhiều đến người tham gia bảo hiểm y tế trong khi hiện nay nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, thay vì phải chờ đợi, nằm ghép giường, người bệnh có thể lựa chọn dịch vụ để được hưởng chất lượng chăm sóc cao hơn.
“Bản thân tôi cũng rất mong muốn sẽ được các giáo sư, bác sĩ có chuyên môn cao khám dù có thể phải mất thêm chi phí. Với mức tối đa 500.000 đồng/lượt thì không quá cao.
Về giường dịch vụ, người bệnh cũng có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu. Nếu nằm viện dài ngày có thể sẽ nằm giường thường bảo hiểm y tế chi trả.
Còn nếu nằm viện ngắn ngày hay bệnh nặng thì tôi cũng muốn nằm giường đơn, phòng riêng để không bị làm phiền. Miễn sao bệnh viện vẫn đảm bảo được cả khám bệnh bảo hiểm y tế thì không có gì đáng lo ngại”, bà Tâm cho hay.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện cũng vui mừng khi có quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu khá rộng để các bệnh viện có thể lựa chọn, xây dựng định giá phù hợp với từng cơ sở. Thông tư quy định khung giá này cũng giúp các bệnh viện có thể phát triển khám chữa bệnh dịch vụ, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.
TS Trần Thanh Tùng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nhận định giá dịch vụ y tế qua nhiều năm đã lạc hậu, một số bệnh viện cũng đã điều chỉnh phù hợp với thị trường. Thông tư quy định khung giá này giúp các bệnh viện có cơ sở để thống nhất giá dịch vụ.
“Quy định mới này sát với thực tế và là cơ hội để các bệnh viện công lập nâng cao chất lượng cạnh tranh với bệnh viện ngoài công lập. Thực tế các bệnh viện công lập hiện nay đã tự chủ tài chính, vì vậy cần có cơ sở để cạnh tranh, đảm bảo nguồn thu cho cán bộ nhân viên cũng như đầu tư nâng cấp”, TS Tùng nêu.
Với thông tư số 13 của Bộ Y tế mới ban hành, người bệnh thêm lựa chọn khi khám chữa bệnh theo yêu cầu
Giá phải đi đôi với chất lượng
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện nay giá giường dịch vụ xã hội hóa cao nhất là 1,2 triệu đồng/giường/phòng đơn. Phòng dịch vụ được thiết kế khép kín, có tủ lạnh, tivi, giường phụ cho người nhà chăm sóc…
Theo một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này, với khung giá mới của Bộ Y tế, bệnh viện có thể thu tối đa 4 triệu đồng/giường bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện sẽ phải tính toán kỹ nhu cầu sử dụng của người bệnh.
Trong trường hợp tăng giá cần nâng cấp dịch vụ lên để tương xứng với giá tiền. “Không phải bệnh viện nào cũng có thể nâng lên mức tối đa. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các bệnh viện hiện nay, nếu chất lượng không tương xứng với giá tiền thì bệnh nhân sẽ không lựa chọn”, vị này nhận định.
Vị này cũng cho rằng khó có thể áp dụng giá dịch vụ theo khung mà Bộ Y tế vừa ban hành.
Đơn cử, các kỹ thuật thường sử dụng như chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm theo giá bảo hiểm y tế là 43.900 đồng, giá dịch vụ tối đa là 196.000 đồng; giá chụp X-quang bảo hiểm y tế là 50.200 đồng, giá dịch vụ 99.000 đồng.
Như vậy, để áp dụng giá dịch vụ theo khung, các bệnh viện cũng phải đầu tư hơn để tương xứng với giá cả. Bệnh nhân sẽ không chi trả thêm khi dịch vụ vẫn như cũ, không có gì thay đổi.
Ông Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) – cho hay các bệnh viện để xây dựng được khung giá dịch vụ, không chỉ riêng tiền giường bệnh mà còn phải xem xét đến chất lượng phục vụ bệnh nhân, các tiện ích đang có, đội ngũ y bác sĩ, quan tâm chăm sóc ra sao…
Phòng dịch vụ không đơn thuần chỉ là phòng khách sạn mà còn xét đến cả yếu tố chăm sóc từ con người. Muốn triển khai dịch vụ cho người bệnh phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là con người.
Ông Khanh nhận định việc ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được xây dựng sẽ là hướng dẫn, pháp lý để các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ y tế không vượt quá khung cho phép. Bên cạnh đó, cũng góp phần nào giải quyết khó khăn về tài chính cho bệnh viện để từ tích lũy nguồn thu có chế độ đãi ngộ nhân viên y tế phù hợp để giữ chân họ.
Không ảnh hưởng quyền lợi cho người có bảo hiểm y tế
Theo Bộ Y tế, thông tư 13 quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỉ lệ từ 5 – 10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có).
Người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại thông tư số 14/2018/TT-BYT.
Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỉ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỉ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.
Bác sĩ Trần Văn Khanh cũng cho biết thêm các cơ sở y tế phải phân biệt rõ ràng giữa dịch vụ y tế và đối tượng có bảo hiểm y tế, giá tiền phải công khai, minh bạch.
Bệnh nhân đến khám phải giải thích cho người bệnh hiểu, nếu lựa chọn dịch vụ bệnh nhân sẽ được thụ hưởng những gì, giá tiền ra sao phải công khai để tránh hiểu nhầm, không được bắt ép người dân.
Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho hay hiện nay hiếm có bệnh viện nào ở Việt Nam đạt được khung giá dịch vụ 4 triệu đồng/ngày.
Bên cạnh đó, số lượng giường bệnh dịch vụ hiện nay ở bệnh viện công cũng chưa nhiều vì còn phải để giường bệnh cho những đối tượng bệnh nhân khác nhau và còn tùy thuộc nhu cầu của người dân.
“Tuy nhiên, các cơ sở y tế cũng phải tránh lạm dụng dịch vụ mà bỏ quên bệnh nhân bảo hiểm y tế, phải làm sao để người dân không có điều kiện, đối tượng yếu thế cũng phải đảm bảo được lợi ích, người có điều kiện không phải ra nước ngoài điều trị”, vị chuyên gia này nhận định.
Nhiều quy định khó thực hiện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội, hiện đang là bệnh viện hạng I) cho hay khi có thông tư 13 bệnh viện rất mừng vì đã có hành lang để các bệnh viện thực hiện mở rộng khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu. Tuy nhiên, các quy định hướng dẫn của thông tư còn nhiều điểm gây khó.”Quy định tỉ lệ thời gian bác sĩ, chuyên gia khám yêu cầu tối đa 30%. Quy định này rất khó để thực hiện bởi không thể chia nhỏ hay kiểm soát giờ khám chữa bệnh đủ theo phần trăm.Với quy định mới về khung giá dịch vụ theo yêu cầu, thông tư nêu rõ đơn vị khám chữa bệnh phải theo dõi riêng chi phí, khấu hao tài sản cố định của dịch vụ theo yêu cầu. Trong khi đó cơ sở vật chất của bệnh viện đang vận hành chung, để tách bạch các nội dung, cấu phần là rất khó”, vị này cho hay.
Khung giá “mở” cho các bệnh viện
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế công lập đều có mức giá giường bệnh và chi phí khám dịch vụ khác nhau. Hiếm có cơ sở y tế công lập có mức giá dịch vụ giường bệnh vượt quá 4 triệu đồng/giường/ngày.Một số bệnh viện tại Hà Nội áp dụng giá phòng dịch vụ từ 500.000 đến 2,5 triệu đồng/giường. Về chi phí khám dịch vụ dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng.Đơn cử, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội một số dịch vụ khám chuyên khoa nhi, mắt, răng hàm mặt có giá 350.000 đồng. Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, giá dịch vụ khám tự nguyện là 310.000 đồng, giường bệnh dành cho bệnh nhân ngoại khoa sau phẫu thuật đặc biệt có giá 2,2 triệu đồng/giường.Tại TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện hạng I, giường bệnh loại 1 giường/phòng có giá cao nhất là 3,7 triệu đồng/ngày. Phòng sẽ có thêm ghế massage và vách ngăn giữa phòng sản phụ và người nhà.Trong phí giường bệnh này, sản phụ sẽ được ăn cơm ba bữa tại bệnh viện. Giá khám dịch vụ tại bệnh viện này là 135.000 đồng, trường hợp nếu yêu cầu bác sĩ sẽ đăng ký tại phòng khám chuyên gia với giá 350.000 đồng.
Tránh lạm dụng
Một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội bày tỏ lo lắng về việc lạm dụng khám chữa bệnh theo yêu cầu, ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm y tế. “Trước đây đã có tình trạng cơ sở y tế lạm dụng chỉ định các kỹ thuật cao, xét nghiệm dịch vụ gây gánh nặng cho người bệnh.Khi có khung giá dịch vụ khám chữa bệnh, không loại trừ những trường hợp bác sĩ chỉ định những kỹ thuật không cần thiết. Vì vậy, bệnh nhân có quyền được yêu cầu giải thích rõ những ưu nhược điểm cũng như chi phí của phương pháp chẩn đoán và điều trị.Các bác sĩ cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bệnh nhân. Đồng thời, các đơn vị có liên quan phải kiểm soát chặt chẽ thông qua số liệu mô hình bệnh và việc chỉ định phương pháp chẩn đoán để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”.Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị cần có quy định rõ giao cho từng bệnh viện số giường đảm bảo điều trị bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tránh tình trạng chạy theo dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Chị Ngọc Quỳnh – điều dưỡng trưởng khoa quốc tế (Bệnh viện Quân y 175) – trực tiếp tư vấn và hỗ trợ dịch vụ cho bệnh nhân (ảnh chụp sáng 3-7)
Đẩy mạnh du lịch y tế, thu hút khách du lịch
Mặc dù được đánh giá cao về tay nghề, trình độ chuyên môn, thế nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng người dân có điều kiện kinh tế ra nước ngoài điều trị vì chưa hài lòng với cơ sở vật chất, dịch vụ tiện ích tại các bệnh viện.
Việc cho các bệnh viện tự chủ trong khám chữa dịch vụ là tiền đề để nâng cấp hệ thống y tế khám chữa bệnh cao cấp để người dân thay vì ra nước ngoài có thể khám chữa bệnh trong nước và cũng là cơ sở để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chữa bệnh.
Người Việt chi 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh
Sở Y tế TP.HCM cho biết thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người dân có điều kiện kinh tế đi nước ngoài để khám chữa bệnh hoặc khám sức khỏe, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao để phát hiện ung thư, tim mạch…
Ước tính của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD cho mục đích này. Lý do là đa phần người dân chưa hài lòng với cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích của bệnh viện hoặc chưa có thông tin về kỹ thuật mà các bệnh viện đã triển khai.
Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định rõ khung giá khám chữa bệnh dịch vụ sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Đặc biệt hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các gói bảo hiểm y tế bổ sung.
Đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) – nhận định để thu hút được khách nước ngoài, giữ chân người dân có điều kiện khám chữa bệnh trong nước phải cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển ngang tầm với thế giới, phải có cơ chế chính sách đầu tư cho các bệnh viện.
Bên cạnh đó, nếu muốn phát triển phải có cơ chế giữ chân được nguồn nhân lực có trình độ chuyên khoa sâu và tạo điều kiện để họ tiếp cận với những kỹ thuật mới.
Để TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, lãnh đạo thành phố và ngành y tế sẽ tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm để hướng đến mục tiêu ngành y tế thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Trong đó, thành phố chú trọng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và kỹ thuật y tế chuyên sâu, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sáng tạo, thu hút nhà đầu tư y tế thế giới…
Bộ Y tế đánh giá việc phát triển y tế chuyên sâu của TP.HCM sẽ giúp hạn chế việc người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh, giữ lại một khoản chi phí đáng kể cho phát triển kinh tế – xã hội.
Để làm được điều này, thành phố cần đầu tư xây dựng các bệnh viện hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với định hướng tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm và lâu hơn nữa. Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn cần có mục tiêu đầu tư cụ thể để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Nguồn: tuoitre.vn