Ngày 22/8, Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hình ảnh tại Hội nghị. (Ảnh: HH)
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn.
Dự Hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát.
Kiểm tra tại 12 cơ quan, đơn vị
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác đã thông báo Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập các đoàn công tác; thông qua Chương trình kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Yên Bái.
Theo đó, từ ngày 22/8 đến 01/9/2017, Đoàn công tác sẽ trực tiếp làm việc tại 12 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái gồm: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Thường vụ Thành uỷ Yên Bái, Ban Thường vụ Huyện uỷ Lục Yên.
Đoàn công tác số 3 sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; nhất là thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của Ban Nội chính Tỉnh ủy; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; việc thi hành án, tập trung vào phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, sau khi nhận được Kế hoạch số 64-KH/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc, chu đáo việc chuẩn bị báo cáo, các tài liệu liên quan để phục vụ Đoàn Công tác số 3. Đồng chí bày tỏ mong muốn, qua kiểm tra, giám sát, Đoàn công tác chỉ rõ được những việc đã làm và chưa làm được của địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; những cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá kết quả công tác, qua đó, nâng cao hơn nữa nhận thức, quyết tâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 64-KH/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của tỉnh Yên Bái; báo cáo được chuẩn bị chu đáo, phản ánh được những ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua đó, đã thể hiện tính tự phê bình và phê bình nghiêm túc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý, các đơn vị, địa phương cần báo cáo rõ những nội dung yêu cầu trong kế hoạch, đồng thời có báo cáo về những vụ việc mà báo chí đã phản ánh, đây cũng là nội dung yêu cầu của Ban Chỉ đạo đối với các đơn vị kiểm tra, giám sát trong năm nay. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Lưu ý với các đồng chí thành viên Đoàn công tác, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát, bám sát mục đích, yêu cầu của Kế hoạch, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, giám sát. Tập trung làm rõ kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, kinh tế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, từ đó kiến nghị các giải pháp để khắc phục hạn chế, vướng mắc, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh, thống nhất các số liệu và những vấn đề báo cáo chưa nêu. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, Đoàn công tác sẽ có ý kiến đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết, để hạn chế tối đa việc đưa vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.
Tăng cường tự kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng
Báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, từ năm 2011 đến nay, qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, phát hiện 261 tổ chức đảng, 1.566 đảng viên có vi phạm; đã xử lý kỷ luật 27 tổ chức đảng, 1.125 đảng viên (trong đó có 03 tổ chức đảng, 99 đảng viên bị kỷ luật có nội dung sai phạm về kinh tế). Nội dung vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực: quản lý tài chính, đất đai; tổ chức, cán bộ; tuyển dụng lao động; thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi…
Hoạt động giám sát của hệ thống cơ quan dân cử, của nhân dân và các cơ quan báo chí tiếp tục được đẩy mạnh. Hội đồng nhân dân các cấp đã thành lập 250 đoàn, tiến hành giám sát, khảo sát làm việc với gần 1.000 lượt cơ quan, đơn vị; qua đó đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, tồn đọng bức xúc của cử tri. Thông qua hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân phát hiện 01 vụ việc công chức cấp xã tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc đã phát hiện 01 viên chức cấp huyện vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai thông qua hoạt động giám sát.
Qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, có 287 cuộc thanh tra phát hiện có sai phạm về kinh tế và các sai phạm khác. Các cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi tài sản nhà nước là 51 tỷ 300 triệu đồng. Đã thu hồi số tiền: gần 46 tỷ 690 triệu đồng, đạt tỷ lệ 95,56% số tiền phải thu hồi.
Cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố: 27 vụ/67 bị can, trong đó: án tham nhũng: 14 vụ/40 bị can; án kinh tế: 13 vụ/27 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra: 27 vụ/67 bị can. Đã truy tố 26 vụ/62 bị can, trong đó: án tham nhũng 13 vụ/35 bị can, án kinh tế 13 vụ/27 bị can.
Toà án nhân dân hai cấp đã xét xử sơ thẩm 26 vụ/62 bị cáo. Trong đó, án tham nhũng 13 vụ/35 bị cáo (về các tội danh: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…), án kinh tế 13 vụ/27 bị cáo.
Toà án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm: 07 vụ/23 bị cáo, trong đó: án tham nhũng 05 vụ/18 bị cáo; án kinh tế 02 vụ/05 bị cáo./.
Nguồn dangcongsan.vn