Mặc dù doanh thu tăng mạnh, song Bamboo Airways và Vietnam Airlines vẫn lỗ lớn do giá nhiên liệu cao, thị trường vận chuyển quốc tế hồi phục chậm… Nhưng Vietjet Air có hơn 4.100 tỉ đồng doanh thu phụ trợ như bán đồ ăn, quảng cáo…

Bamboo Airways và Vietnam Airlines lỗ lớn, Vietjet thu 4.100 tỉ đồng từ mảng phụ trợ - Ảnh 1.

Bamboo Airways: Lỗ hơn 3.500 tỉ đồng trong 9 tháng

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022, trong đó đề cập đến khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, BAV) có giá gốc hơn 4.000 tỉ đồng, song tính đến cuối kỳ báo cáo lại đang bị lỗ gần 1.270 tỉ đồng.

Tập đoàn FLC hiện đang sở hữu 21,7% vốn cổ phần tại Bamboo Airways. Dựa vào số liệu trong báo cáo tài chính quý 1, 2 và 3-2022 của FLC, có thể thấy hãng bay trên đã lỗ lũy kế hơn 3.500 tỉ đồng trong ba quý đầu năm nay, cao hơn khoảng lỗ gần 2.300 tỉ đồng của cả năm 2021 khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Bamboo Airways cũng khiến FLC lỗ khá lớn. Tổng kết ba quý vừa qua, FLC mang về doanh thu gần 2.100 tỉ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp bị lỗ ròng hơn 1.890 tỉ đồng.

Vietnam Airlines: Lỗ giảm, âm vốn chủ sở hữu

Trong bối cảnh thị trường hồi phục mạnh sau đại dich, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) cũng mang về cho mình hơn 21.100 tỉ đồng doanh thu thuần trong quý 3 vừa qua, tăng gấp 4,5 lần so với nền giá thấp cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tăng mạnh, song do chi phí tài chính – lỗ, chênh lệch tỉ giá, chi phí bán hàng, chi phí quản lý… đều tăng, đã khiến hãng bay này bị lỗ ròng sau thuế gần 2.600 tỉ đồng trong quý 3 mới đây, trở thành quý thứ 11 thua lỗ liên tiếp. Dù vậy, khoản lỗ này thấp hơn con số âm 3.500 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước.

Lũy kế ba quý đầu năm 2022, hãng hàng không quốc gia ghi nhận hơn 51.300 tỉ đồng doanh thu, tăng 173% so với cùng kỳ 2021. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp bị lỗ ròng sau thuế hơn 7.700 tỉ đồng, song vẫn thấp hơn khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái 4.300 tỉ đồng (36%).

Thừa ủy quyền người đại diện pháp luật – người phụ trách quản trị Vietnam Airlines, ông Nguyễn Xuân Thủy – thư ký – đã giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết kết quả kinh doanh trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 đều thua lỗ vì thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga – Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính như tỉ giá, lãi suất gia tăng.

Tuy nhiên mức lỗ năm nay đã giảm so với cùng kỳ năm trước, do doanh nghiệp chủ động triển khai hàng loạt giải pháp ngắn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn vốn và dòng tiền.

Tính đến cuối quý 3 năm nay, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm hơn 7.500 tỉ đồng, lỗ lũy kế tới 31.500 tỉ đồng, đồng nghĩa với việc đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết cao.

Bamboo Airways và Vietnam Airlines lỗ lớn, Vietjet thu 4.100 tỉ đồng từ mảng phụ trợ - Ảnh 2.

Cơ cấu doanh thu thuần hợp nhất bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hãng hàng không giá rẻ Vietjet trong quý 3-2022

Vietjet: Doanh thu từ mảng phụ trợ “cứu” hãng bay

Cũng hoạt động trong lĩnh vực hàng không song kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, mã chứng khoán VJC) lại có nhiều điểm khác biệt.

Báo cáo tài chính quý 3-2022 cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu thuần bán hơn 11.600 tỉ đồng, nhiều hơn gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động phụ trợ (phí hành lý, bán đồ ăn, quảng cáo trên máy bay…) lại chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng cơ cấu, với hơn 4.100 tỉ đồng (đóng góp 35%), tăng 13% so với quý trước, lấn át các mảng còn lại.

Trong khi đó doanh thu từ mảng chính là vận chuyển khách nội địa đạt hơn 3.400 tỉ đồng (29%), mảng vận chuyển khách quốc tế với gần 1.200 tỉ đồng (10%)…

Với doanh thu hồi phục mạnh, hãng hàng không giá rẻ lãi sau thuế hơn 42,5 tỉ đồng trong quý 3 vừa qua. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Vietjet mang về doanh thu thuần hơn 27.500 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế hơn 187 tỉ đồng.

Doanh nghiệp bán cà phê, suất ăn, phòng chờ… có lãi

Khách hàng đi lại đông đúc, công ty cung cấp dịch vụ “ăn theo” trong dây chuyền hàng không cũng bắt đầu có lãi. Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – mã chứng khoán SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3-2022 với doanh thu thuần hơn 414 tỉ đồng, tăng trưởng 622% và lợi nhuận gộp cao gấp hơn 9 lần cùng kỳ năm trước với 216 tỉ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3-2022 của SASCO đạt 35 tỉ đồng, gấp gần 17 lần so với mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. 

Sasco là một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất nước, chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn vận hành hệ thống phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Cam Ranh, cung cấp suất ăn hàng không và đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.

Tương tự, Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài lãi 9 tỉ trong quý 3-2022, chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài 9 quý.

Các doanh nghiệp hàng không kỳ vọng thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Doanh nghiệp niêm yếthãng hàng khônghàng khôngkinh doanh

Các tin liên quan đến bài viết