Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, cho rằng chúng ta cần những “bà ngoại” trong cuộc sống hơn là trong sách vở.

Mới đây, câu chuyện được đăng trên báo chí về học sinh lớp 4 thắc mắc: “Bà ngoại đi được xe máy, sao cô giáo bảo sai?”, đặt nhiều câu hỏi cho người lớn. Theo học sinh này, cô giáo yêu cầu em phải miêu tả bà “tóc bạc, mắt kém, xâu kim khó khăn, đi lại vất vả, ăn uống vụng về…”.

Tôi còn nhớ, có một bài văn khác, giáo viên yêu cầu học sinh tả lại bố của mình. Học sinh đã viết: “Nhà em gồm có ông, bà, em và mẹ tên là bố… Em quý bà nhất nhà nhưng hôm nay em muốn tả về mẹ. Vì mẹ em rất lạ. Mẹ em tên là bố, em thấy rất lạ bởi mẹ không giống với những mẹ của các bạn khác.

Tủ đồ quần áo của mẹ không có một cái váy nào cả mà toàn là áo sơ mi. Mẹ cũng không bao giờ đi giày cao gót. Mỗi lần đưa em đi học, mẹ chỉ mặc quần ngố, áo ba lỗ và đi dép tông…

Đôi khi em thấy khó chịu, em bảo sao mẹ không diện được như mẹ của các bạn. Mỗi lần thế là mẹ xoa đầu rồi chỉ nói một câu “mẹ của con là đặc biệt mà” sau đó đưa cho em một cái kẹo thế là em quên câu hỏi luôn.

Bai van ba ngoai di xe may va chuyen giao duc khuon mau hinh anh 1

Thầy Trịnh Văn Quỳnh – Giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Nam Định. Ảnh: NVCC. 

Còn một việc em thấy mẹ rất lạ nữa là bà chẳng bao giờ cạo râu, thế mà sáng nào đưa em đi học hầu như 2 ngày một lần, em đánh răng thì mẹ đứng cạo râu. Em thật sự không hiểu mẹ của em mặc dù em rất yêu mẹ”.

Còn rất nhiều bài văn khác nữa, nó không đi theo một khuôn khổ hay chuẩn mực nào. Các bài văn này không sai vì nó đã phản ánh một sự thật trong cuộc sống qua con mắt của trẻ thơ. Cái sai của nó chỉ là không giống với suy nghĩ của cô.

Nhiều học sinh thắc mắc rằng đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ của em vẫn chấm bài theo suy nghĩ của thầy cô. Phải chăng học văn không cần tư duy chỉ cần theo khuôn ra kết quả có sẵn để đủ điểm 10.

Thực tế, xã hội công nghệ với sự thay đổi chóng mặt, suy nghĩ quan điểm của mỗi thế hệ đã có sự khác nhau rõ rệt. Tả bà ngoại của em không còn tóc bà bạc phơ móm mém nhai trầu mà có khi tóc uốn xoăn, bà đi xe máy.

Tả làng quê mà phải hình dung ra có lũy tre, cậu bé cưỡi trâu thổi sáo đã là một sự khó khăn với trẻ ở nông thôn chứ chưa nói đến trẻ ở phố. Tả con đường đến trường có thể là hình dung của những làn xe chật cứng, tả quê ngoại của em có khi là một căn hộ chung cư cao tầng.

Tả một chú chó cũng không còn đơn thuần như xưa có những chú chó to lớn hung dữ, cũng có những chú chó bé vừa lòng tay bế…

Có phải giáo viên sợ sự khác biệt, sợ sự tranh cãi, an toàn để có những điểm số cao thì sẽ tốt hơn? Ở góc độ giáo dục, trẻ mất dần khả năng tư duy, vốn từ bị hạn chế lại, phụ thuộc vào người khác, khả năng sáng tạo bị kìm hãm.

Cuộc sống và văn học vốn dĩ phải có khoảng cách nhưng vấn đề là văn học không thể tách rời cuộc sống. Quan trọng là chúng ta lựa chọn cách nhìn góc nhìn nào để phản ánh thế giới.

Giáo viên phải định hướng được cách nhìn của học sinh để thấy được những điều tốt đẹp, tích cực từ những người thân yêu từ thế giới xung quanh. Từng ngôn từ, từng hình ảnh phải chọn lọc để toát lên được dụng ý, thông điệp nhất là cảm xúc chân thành của người viết.

Văn học cũng rất cần sự trải nghiệm và khám phá mới có bài văn sâu sắc giàu cảm xúc. Nếu như trải nghiệm có thể là tình huống giáo viên tạo ra, giáo viên sắp xếp và biết trước như tham quan sân trường, vườn trường, một nông trại, một khu di tích, khám phá thế giới tranh, ảnh, video để miêu tả lại loài cây và loài động vật… em yêu thích.

Còn khám phá giáo viên không thể kiểm soát được sản phẩm đầu ra, không thể biết trước kết quả thu được của học sinh ví dụ tả người bà thì mỗi em học sinh lại có một người bà khác nhau.

Đó là những yêu cầu đặc biệt của việc dạy học trong thời đại mới. Thế giới đã thay đổi và thế giới trong những bài văn mẫu trong suy nghĩ của thầy cô còn chờ đợi gì mà không thay đổi.

Đã đến lúc mọi người thấy cái cây ATM, bà ngoại đi xe máy… là điều bình thường, đó cũng là sự khác biệt sáng tạo. Chúng ta, cần những bà ngoại trong cuộc sống hơn là những bà ngoại trong sách vở.

(Trịnh Quỳnh – Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định)
Theo Zing

Từ khóa : giáo viênhọc sinhvăn mẫu

Các tin liên quan đến bài viết