Nghinh Ông là lễ hội nước, cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh ven biển Việt Nam. Ở mỗi địa phương, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau nhưng đều với mục đích là cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Lễ hội có nhiều tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng, cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển.

Đối với ngư dân miền biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Nghinh Ông là một tập tục lâu đời, là lễ hội dân gian truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc. Hằng năm, vào các ngày 9, 10, 11 tháng 3 (âm lịch), huyện Đông Hải lại tổ chức lễ hội Nghinh Ông ở Lăng Ông Nam Hải tại thị trấn Gành Hào. Có hàng ngàn người khắp nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự; hàng trăm tàu thuyền cũng tạm ngưng ra khơi đánh bắt thủy sản để ra biển Nghinh Ông. Trong lễ hội này, buổi lễ chính quan trọng nhất là lễ rước và chiêm bái Ông một cách thành kính với mong ước mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, khoang thuyền chở đầy tôm, cá… Phần lễ diễn ra trang nghiêm với nghi thức đậm chất truyền thống của ngư dân miền biển. Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là đội kèn tây, theo sau là các học trò lễ, đoàn binh sĩ,… thỉnh Ông về ngự trong lăng để phù hộ cho làng nước bình yên, ngư dân trúng mùa. Lễ được khởi hành tại Lăng Ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Gành Hào và ra biển cúng, dân chúng đứng hai bên đường cổ vũ tạo nên không khí lễ hội thật náo nhiệt. Ngày lễ chính, các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu như một thuyền hoa và mọi người lên tàu ra biển Nghinh Ông. Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân Gành Hào là một di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận là lễ hội dân gian cấp huyện. Lễ hội này là một hoạt động xã hội có hình thức độc đáo, có tính quần chúng rộng rãi, hấp dẫn, là nhu cầu về tinh thần có sự hưởng ứng và tham dự mang tính chất cộng đồng. Đặc biệt là Lăng Ông Nam Hải đã vinh dự được tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam trao bằng xác lập về “Bộ da cá nhám voi lớn nhất Việt Nam”.

Tuy nhiên, lễ hội Nghinh Ông ở Gành Hào năm 2017 diễn ra với sự việc buồn đau bất ngờ. Ngay trong ngày chính của lễ hội (6-4) đã gặp một sự cố hết sức đau lòng. Chiếc tàu cá mang biển số BL 93322 chở 39 người, trong đó có nhiều học sinh trường THPT ở thị trấn Đông Hải xuống tàu đi ra cửa biển Gành Hào vui chơi lễ Nghinh Ông. Khi cách cảng cá Gành Hào khoảng 300m, tàu bị sóng lớn (sóng do nhiều tàu cùng chạy ra biển tạo thành) đánh úp, khiến mọi người trên tàu bị hất văng xuống biển. Khi tàu chìm, các tàu ngư dân xung quanh đến cứu vớt tất cả nạn nhân, nhưng đã có 2 người tử vong, hàng chục người phải nhập viện. Trong những ngày vừa qua, nhân dân cả nước cùng hướng về và chia buồn với bà con ngư dân miền biển Gành Hào, huyện Đông Hải. Sự cố không may xảy ra đã làm cho lễ hội Nghinh Ông trở thành một thảm kịch. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 476/CĐ-TTg về việc tổ chức cứu nạn vụ chìm tàu trên sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu. Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có nạn nhân bị chết; đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, nắm thông tin xác định các nạn nhân còn mất tích (nếu có) triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn kịp thời. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên kịp thời các gia đình có người thân bị chết và cứu chữa, chăm sóc sức khỏe đối với những người được cứu sống; chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu và cơ quan chức năng chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia khi cần thiết. Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ các phương tiện tham gia hoạt động đường thủy nội địa và trên biển đúng quy định, đảm bảo an toàn, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Nguyên nhân tàu bị chìm bước đầu được xác định là do tàu gặp phải sóng to, gió lớn, lại chở quá tải, tài công có dấu hiệu không chấp hành nghiêm các quy định an toàn giao thông đường thủy. Dù là nguyên nhân gì thì sự việc chìm tàu tại lễ hội Nghinh Ông này cũng là bài học sâu sắc không chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu mà là của ngư dân miền biển nói chung. Những người có trách nhiệm tại lễ hội phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm một cách sâu sắc, vì đây là bài học thương vong, đau buồn trong một lễ hội dân gian.

Nguồn: BPO

Từ khóa : lễ hộilễ hội Nghinh Ôngtai nạntai nạn lễ hội

Các tin liên quan đến bài viết