Bác sĩ Hoàng Công Lương đã có đơn khiếu nại bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cáo buộc mình phạm tội “Vô ý làm chết người” với lỗi vô ý cẩu thả trong vụ án chạy thận làm 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, xảy ra hồi tháng 5/2017.
Ngày 11/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 của vụ án trên. Theo bản kết luận này, bác sĩ Hoàng Công Lương bị cáo buộc phạm tội “Vô ý làm chết người” với lỗi vô ý cẩu thả trong vụ án chạy thận làm 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, xảy ra hồi tháng 5/2017.
Ngày 15/9/2018, bác sĩ Hoàng Công Lương đã có đơn khiếu nại bản kết luận bổ sung trên. Nội dung đơn khiếu nại của bác sĩ Lương cho rằng: Nguyên nhân gây tử vong người bệnh trong vụ án đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giám định và kết luận là do tồn dư hóa chất (HF) trong hệ thống nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo (cao gấp 240-260 lần mức cho phép) sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO; hoàn toàn không có mối quan hệ nhân quả liên quan đến công tác khám và ra y lệnh lọc máu của bác sĩ điều trị.
Bác sĩ Lương cho rằng, mình không phải là kỹ sư hay kỹ thuật viên phòng Vật tư trang thiết bị y tế bệnh viện, càng không phải là người làm công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng 315 để gây tồn dư hóa chất (HF) dẫn đến chết người.
Ngoài ra, bác sĩ Lương cho biết, quy trình, sửa chữa, bàn giao hệ thống lọc nước RO tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hoàn toàn không có từ trước đến nay, nên bác sĩ Lương không thể có hành vi cẩu thả nào trong quy trình đó được. Ở vị trí bác sĩ điều trị, sau khi thăm khám lâm sàng cho người bệnh và được bộ phận có trách nhiệm chuẩn bị trang thiết bị thông báo việc rửa máy thận, test (kiểm tra) máy thận bình thường, đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống nước RO (điều kiện bắt buộc và duy nhất) trong giới hạn an toàn, xem xét chỉ số đồng hồ đã báo an toàn thì bác sĩ mới ra y lệnh lọc máu cho người bệnh.
“Thực tế hoạt động lọc máu thận nhân tạo hiện nay, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khỏe để lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn, thì bác sĩ điều trị không có bất kỳ cách gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng không an toàn, càng không thể nhận biết được đồng hồ có khả năng sai số. Những vấn đề này thực sự nằm ngoài khả năng kiểm soát, chuyên môn và kiến thức của bác sĩ điều trị”- nội dung đơn khiếu nại của bác sĩ Lương nêu.
Cũng theo nội dung đơn khiếu nại, bác sĩ Lương cho rằng, việc sử dụng nguồn nước RO có đảm bảo hay không là dựa vào đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn. Bác sĩ không có khả năng biết trước cũng như không thể thấy trước khả năng hậu quả chết người vẫn có thể xảy ra ngay cả trong trường hợp đồng hồ đo độ dẫn điện đã báo chỉ số an toàn.
Một nội dung nữa được bác sĩ Lương nêu trong đơn, đó là, tại thời điểm xảy ra vụ án, do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng như BVĐK tỉnh Hòa Bình đều không ban hành bất kỳ văn bản nào quy định về quy trình vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO dùng cho chạy thận nhân tạo; không có quy định bằng văn bản sau sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO, bác sĩ điều trị phải báo cáo trưởng khoa và phải xin ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa mới cho phép bác sĩ ra y lệnh lọc máu nên không thể buộc trách nhiệm bác sĩ Lương về lỗi cẩu thả làm chết người.
Bác sĩ Lương cho rằng, kết luận mình có lỗi cẩu thả do không thấy trước được hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước RO không an toàn khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa là không có căn cứ,…
“Tôi làm đơn này đề nghị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và các lãnh đạo có thẩm quyền, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm sớm quan tâm, xem xét một cách thấu đáo, toàn diện sự thật khách quan của vụ án để có quyết định đúng đắn trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan cho người không phạm tội” – nội dung đơn của bác sĩ Lương.
Theo Dân Trí