Trước tòa, bị cáo Hoàng Công Lương nói mình không vô ý làm chết người, nguyên nhân sự cố là do tồn dư hóa chất.

Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 9 bệnh nhân tử vong chiều nay thẩm vấn bị cáo Hoàng Công Lương.

Bị cáo Lương không đồng ý với cáo trạng của VKSND TP Hòa Bình buộc bị cáo tội “Vô ý làm chết người”.

Bị cáo lập luận: “Nguyên nhân gây chết người là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người.

Những hành vi của bị cáo mà VKS mô tả trong cáo trạng không theo một quy định pháp luật nào. Với hành vi của bị cáo và quy kết của bị cáo là không đúng”.

Bác sĩ Hoàng Công Lương không chấp nhận buộc tội của Viện Kiểm sát
Bị cáo Hoàng Công Lương và các luật sư bào chữa sau khi phiên tòa kết thúc

Bị cáo Lương cho biết, bản thân được đào tạo 2 tháng về kỹ thuật lọc máu nhân tạo tại BV Bạch Mai vào cuối năm 2010 và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Khi đi học, bị cáo được giới thiệu tổng quan về nước trong lọc máu, còn bị cáo được đào tạo về điều trị theo lĩnh vực chuyên sâu. Cả bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên được học chung, còn liên quan đến công việc cụ thể của từng vị trí thì được đào tạo chuyên sâu về từng mảng.

Bị cáo không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong chạy thận, theo quy chế thì trách nhiệm này thuộc về trưởng khoa.

Nhưng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình thì trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm vì đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này thì kỹ sư của phòng Vật tư – thiết bị y tế là người phải chịu trách nhiệm.

Bị cáo được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề vào tháng 10/2013 về lĩnh vực nội khoa và hồi sức cấp cứu.

Tại khoa Hồi sức tích cực, bị cáo được phân công công tác với chức danh bác sỹ điều trị. Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực có các bác sỹ được phân công luân phiên nhau.

Ngày 28/5 bị cáo và tất cả nhân viên đều biết có việc sửa chữa hệ thống RO.

HĐXX hỏi khi sửa chữa cần phải có quy định gì trước khi đưa vào vận hành, bị cáo Lương cho rằng việc này không phải trách nhiệm của bị cáo.

Chủ tọa thẩm vấn: “Sáng 29/5 điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống đã sửa xong. Điều dưỡng có trách nhiệm bảo đảm hệ thống đã an toàn hay không?”

Bị cáo Lương trả lời: bị cáo không biết điều dưỡng Điệp có được giao quản lý chất lượng nước hay không, nhưng bị cáo có niềm tin là có thể sử dụng được. Sau đó điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu thông báo các chỉ số trong giới hạn an toàn. Phòng Vật tư giao cho đơn nguyên sử dụng thì đương nhiên nước đã được an toàn.

Việc bàn giao này được thực hiện bằng miệng thông qua thông báo của các điều dưỡng sau khi Phòng Vật tư thông báo cho người của đơn nguyên thận nhân tạo là hệ thống đã sửa xong và an toàn.

Trưởng phòng Vật tư không thông báo cho bị cáo nhưng nhân viên phòng vật tư là bị cáo Sơn đã thông báo cho điều dưỡng Điệp. Bị cáo Sơn và Khiếu không thông báo cho bị cáo, ông Hoàng Công Tình cũng không thông báo vì không có quy định nào về việc trưởng, phó khoa đồng ý mới được sử dụng nước RO.

Từ trước đến nay khi Phòng Vật tư bàn giao cho đơn nguyên thận thì đơn nguyên sẽ tiếp tục sử dụng”, bị cáo Lương nói.

Theo cáo trạng bổ sung, VKSND tỉnh Hòa Bình đã thay đổi tội danh của bị cáo Hoàng Công Lương từ “Thiếu trách nhiệm” sang “Vô ý làm chết người”.

Cụ thể, tháng 4/2017, BS Lương ký xác nhận nguyên nhân hỏng và kết luận cần sửa chữa hệ thống lọc nước RO.

Ngày 26/5/2017, ông Hoàng Đình Khiếu đã thông báo cho BS Lương biết ngày 28/5 sẽ sửa chữa hệ thống.

Khi sửa chữa xong, bị cáo Bùi Mạnh Quốc thông báo cho Trần Văn Sơn; Sơn không có mặt nên gọi điện cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp, nói hệ thống có thể hoạt động bình thường và nhờ bà Điệp khóa cửa.

Sáng 29/5/2017, bà Điệp nói trước tất cả mọi người tại đơn nguyên thận trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương việc thiết bị y tế đã sửa chữa xong, có thể hoạt động.

Một điều dưỡng khác cũng khởi động hệ thống lọc nước, thấy đồng hồ báo chỉ số an toàn nên để hệ thống tiếp tục làm việc. Lúc này, BS Hoàng Công Lương sau khi thăm khám bệnh nhân đã ký xác nhận y lệnh tiến hành lọc máu, dẫn tới hậu quả 9 người tử vong.

Từ đó, VKSND tỉnh Hòa Bình kết luận BS Hoàng Công Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu và là người ký đề xuất sửa chữa, biết rõ thời gian sửa chữa.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bác sỹ hoàng công lươnggây chết ngườihòa bìnhhóa chất

Các tin liên quan đến bài viết