Tám năm qua, hình ảnh bác sĩ quân y Vũ Công Hoàn với chiếc túi chéo in dấu thập đỏ rong ruổi đến tận nhà khám bệnh đã quen thuộc với người dân ở xã nghèo biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước).
Trạm xá quân dân y của đồn biên phòng Bù Gia Mập nằm ở vị trí trung tâm giữa bốn thôn Bù Rên, Bù La, Bù Nga, Đắc Á của xã biên giới Bù Gia Mập. Sáng sớm, bác sĩ Vũ Công Hoàn vượt hơn 20km từ đồn ra tới trạm xá quân dân y, chưa kịp nghỉ ngơi thì một chiếc xe máy đậu xịch trước cửa.
Đại úy Vũ Công Hoàn là một bác sĩ rất tận tâm với người bệnh. Khi có người bệnh, đại úy Hoàn đều nhiệt tình đến tận nơi, bất kể ngày hay đêm. Anh được người dân rất quý mến
Trung tá Lê Văn Bình (chính trị đồn biên phòng Bù Gia Mập)
Dân cần là có mặt
“Sáng nay bà cụ mệt nên mình chở ra đây” – ông Điểu Long vừa nói vừa đỡ người mẹ 96 tuổi xuống xe. Dìu người bệnh vào giường, anh Hoàn cẩn thận đo huyết áp, nhịp tim cũng như hỏi han tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Tình hình không nguy hiểm, đại úy Hoàn cho thuốc bổ về nhà uống và dặn ông Điểu Long cách chăm sóc, chú ý ăn uống cho mẹ mình.
Ân cần ngồi xuống bên cạnh, đo huyết áp, nhịp tim và tiêm thuốc cho bệnh nhân, anh Hoàn dặn dò con gái ông: “Người già xương khớp yếu đau lắm. Chị không được cho ông nằm nệm, chỉ được nằm chiếu mới mau khỏi. Bệnh này không được di chuyển, cử động thì mới nhanh khỏi”.
Hiểu được tập tục, cách sinh hoạt của đồng bào S’Tiêng, anh Hoàn dặn thêm: “Chị phải cho ông ăn nhiều rau, chứ không là không hết bệnh được đâu!”.
Đưa thuốc và dặn dò bệnh nhân cẩn thận, bác sĩ thân thiện: “Con về nhé, mai con lại tới”. Vừa lúc ấy có tiếng gọi: “Bác sĩ ơi, qua coi giúp sao con em ăn mãi chẳng thấy lên ký” – anh Hoàn lại ghé vào thăm.
Đa số bà con ở đây là người S’Tiêng nên rất thật thà, thương quý bác sĩ như người nhà nên thấy bác sĩ, họ í ới gọi: “Vô đây, vô đây uống nước đi!”.
Gắn bó thân tình
Nhớ lại những ngày đầu tiên về địa bàn, ký ức vẫn còn nguyên với người bác sĩ này. Anh Hoàn kể hồi đó “đường hoàn toàn là đường đất, mùa mưa đi lại cực kỳ vất vả”. Tháng 8-2011 anh vào trạm xá công tác thì mùa mưa năm sau gặp ngay tình huống mà anh nhớ mãi.
8h tối một ngày tháng 5-2012, trời mưa tầm tã, một người đàn ông bị cao huyết áp có nguy cơ tai biến đưa vào trạm xá cấp cứu. Trước tình trạng nguy cấp, bác sĩ Hoàn gọi xe bảy chỗ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Khi xe ra tới dốc Thanh Niên thì không thể đi được nữa phải quay về. “Đường lúc ấy là cái vực chứ không phải là đường. Bệnh nhân cao huyết áp không thể ngồi xe máy” – đại úy Hoàn nhớ lại. Về trạm, anh vận dụng hết khả năng chuyên môn, thuốc men hiện có để cứu chữa bệnh nhân.
Anh thức trắng đêm, cứ ít phút lại đo huyết áp cho bệnh nhân một lần. “Người càng lo âu thì huyết áp càng lên. Mình ngồi đó trò chuyện, động viên để người bệnh yên tâm. Suốt một đêm thức trắng như vậy, đến sáng hôm sau huyết áp bệnh nhân dần ổn định. Bệnh nhân ấy giờ vẫn ghé lên đây suốt” – người lính kể lại mà niềm vui vẫn còn y nguyên.
23 năm gắn bó với quân ngũ và nhiều năm khám chữa bệnh người dân vùng biên, đại úy Hoàn chia sẻ: “Do trạm chỉ có một mình mình nên ban đầu cũng lúng túng. Nhưng đến giờ phút này mình đã vượt qua được mọi khó khăn, chưa có trường hợp nào xảy ra tai biến”.
Xa vợ con, đôi ba tháng mới về thăm nhà nên người lính này rất trân quý tình cảm, nhất là tình cảm của người dân nơi đây.
“Tình cảm giữa người dân với quân rất gắn bó, thân tình. Ngoài chuyện bệnh tình, họ cũng thường hỏi về nương rẫy, việc học của con cái. Chữa bệnh cho họ hết đau, mùa lúa mới họ lại mang đến cho 1-2kg gạo mới, cho cái quả, con gà trong vườn nhà. Mình quý tình cảm chân thành đó lắm” – anh Hoàn tâm sự.
Nguồn: tuoitre.vn