Trung Quốc khẳng định Mỹ không có quyền can thiệp vào quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Đức, sau khi Washington cảnh báo Berlin về việc lệ thuộc vào nguồn vốn Trung Quốc tại cảng Hamburg.

Bắc Kinh nói Mỹ can thiệp vào hợp tác Trung Quốc - Đức là ngoại giao cưỡng bức - Ảnh 1.

Tàu chở hàng của Cosco tại bến Tollerort, thuộc cảng Hamburg (Đức) 

Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 3-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc sự can thiệp của Mỹ là biểu hiện của hành động ngoại giao cưỡng bức.

“Hợp tác chú trọng thực tế giữa Trung Quốc và Đức là vấn đề giữa hai quốc gia có chủ quyền, vì vậy Mỹ không nên vô cớ nhằm vào điều này và không có quyền can thiệp”, ông Triệu nhấn mạnh.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, nội các của chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cho phép Công ty Vận tải biển Trung Quốc (China Ocean Shipping Company – COSCO) mua 24,9% cổ phần tại một trong ba bến cảng của Công ty hậu cần HHLA (Đức) ở cảng Hamburg, cảng lớn nhất nước Đức và nhộn nhịp thứ ba châu Âu.

Ban đầu, COSCO muốn mua 35% cổ phần của bến cảng trên từ HHLA. Thỏa thuận này gây tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức, cũng như trở thành vấn đề gây ngượng ngùng giữa Đức và Mỹ.

Chính giới Đức hiện nay được cho là đang cẩn trọng hơn với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau những gì xảy ra với Nga. Theo Hãng tin Reuters, “trải nghiệm đau thương” từ việc quá lệ thuộc vào khí đốt của Nga đã làm thay đổi thái độ của chính trị gia Đức đối với các khoản đầu tư chiến lược từ các nước khác.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Scholz được nhận xét là người ủng hộ nguồn vốn của Trung Quốc lần này. Ông Scholz đã điều đình để giảm cổ phần đầu tư của Cosco xuống còn 24,9% thay vì 35% như trước.

Bản tin của Reuters ngày 3-11 cho rằng việc giảm xuống dưới mốc 25% sẽ giúp thỏa thuận này được thông qua mà không cần yêu cầu phê chuẩn bắt buộc từ nội các. Tuy nhiên, theo lý thuyết, HHLA sẽ không cho phép Cosco có tiếng nói trong việc quản lý hoặc khi đưa ra các quyết định chiến lược.

Đối với quan hệ ngoại giao, việc gật hay lắc đầu của chính quyền ông Scholz đối với thỏa thuận này cũng được phía Mỹ xem như thước đo cho độ sẵn sàng của Đức đối với các nguồn đầu tư của Trung Quốc.

Tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ về chuyện ở cảng Hamburg cũng nổi lên một ngày trước khi Thủ tướng Scholz có chuyến thăm tới Trung Quốc, nơi ông dự kiến sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đứcOlaf Scholztrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết