Bắc Kinh sẽ đưa lực lượng Vũ cảnh về dưới quyền kiểm soát của Quân ủy Trung ương có vai trò lãnh đạo toàn bộ lực lượng vũ trang của nước này từ ngày 1-1-2018.
Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (ở Trung Quốc hay gọi tắt thành Vũ cảnh) là một lực lượng cảnh sát quân sự được thành lập vào tháng 4-1983.
Với nhiệm vụ chủ yếu chịu trách nhiệm bảo vệ dân sự và cứu hỏa, cũng như hỗ trợ cho quân đội trong thời chiến, trong thời gian qua lực lượng Vũ cảnh chịu sự lãnh đạo song đôi của cả Bộ Công an và Quân ủy Trung ương.
Từ khi lên nắm quyền 5 năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc hiện đại hóa sâu rộng đối với quân đội Trung Quốc (Quân Giải phóng Nhân dân) – lực lượng quân đội được cho là lớn nhất thế giới, bằng cách giảm quân số, tinh giản cơ cấu tổ chức và đầu tư vào vũ khí hiện đại.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã hôm nay chính thức cho biết, từ 0h ngày 1-1-2018, lực lượng Vũ cảnh sẽ không còn thuộc quản lý của Hội đồng Nhà nước, tức chính phủ, mà hoàn toàn nằm dưới quyền Quân ủy Trung ương.
Chỉ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là người đứng đầu Quân ủy Trung ương trong vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Theo hãng tin Reuters, ông Tập đã dần dần củng cố quyền lực của mình trong quân đội, và đã bổ nhiệm những nhân vật thân cận vào các vị trí chủ chốt trong lực lượng vũ trang.
Hãng tin Tân Hoa Xã tuy nhiên đã không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cơ cấu hoạt động của lực lượng vũ trang nước nay hay tại sao chính phủ đã đưa ra quyết định điều chỉnh quyền quản lý đối với lực lượng Vũ cảnh.
Tuy nhiên, tờ Nhân dân nhật báo của chính quyền Bắc Kinh, trong một bài bình luận sẽ đăng tải vào ngày mai, nhưng được Tân Hoa Xã dẫn ra hôm nay, cho biết việc điều chỉnh quản lý này là cần thiết để đảm bảo an ninh và thúc đẩy việc cải cách để có một “quân đội mạnh mẽ”.
Tờ Nhân dân nhật báo cho biết lực lượng Vũ cảnh sẽ vẫn tồn tại riêng biệt, thực hiện các nhiệm vụ như được phân công thời gian qua và không bị sáp nhập vào lực lượng quân đội.
Theo hãng tin Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm cải tổ triệt để cơ chế chỉ huy quân đội hình thành theo mô hình của Liên xô để xây dựng lại lực lượng vũ trang linh động hơn và có thể thích ứng tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong và ngoài nước, cùng những thách thức mới như chiến tranh không gian ảo, điện tử và chiến tranh thông tin.
Để cải tổ quân đội, ban lãnh đạo Trung Quốc vạch ra hướng xây dựng hệ thống chỉ huy theo chiều dọc, gồm 3 lớp “Quân ủy Trung ương – Bộ Tư lệnh tác chiến vùng (chiến khu/quân chủng) – người lính” và một hệ thống quản lý thông suốt từ Quân ủy Trung ương tới các quân chủng/chiến khu và tới binh sĩ (theo mô hình của các nước phát triển).
So với những lần cải cách trước đây, đợt cải cách lần này có quy mô lớn nhất và triệt để nhất, được thể hiện các điểm nổi bật là:
1. Hệ thống chỉ huy tác chiến rút gọn từ 4 cấp xuống còn 2 cấp, lấy tiểu đoàn làm trung tâm (chuyển từ mô hình của Liên Xô trước đây sang mô hình tương tự như Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ);
2. Điều chỉnh tỉ lệ quân số giữa các lực lượng, chuyển từ coi trọng lục quân sang hải quân, không quân, tên lửa tiến công chiến lược và tác chiến điện tử, không gian mạng, nhằm xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nâng cao khả năng tác chiến trên biển và tác chiến trong môi trường điện từ, không gian mạng;
3. Cắt giảm khoảng 300.000 quân, chủ yếu thuộc lực lượng phi tác chiến, nhưng tăng quân số cho các lực lượng tham chiến trực tiếp, nhất là hải quân và không quân;
4. Với cải cách lần này, có thể thấy, vai trò của Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị giảm mạnh, nhiều khả năng chỉ còn đảm nhiệm một số nhiệm vụ như đối ngoại và quản lý nhà nước đối với các cơ quan phi tác chiến như nhà trường, bệnh viện và điều phối giữa quân đội và chính quyền dân sự.
Nguồn: tuoitre.vn