Được ngồi chung bàn ăn với Bác Hồ, nghe Bác nói chuyện thân tình, đó là ký ức không thể nào quên đối với ông Đinh Như Gia (SN 1936, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Ông Gia là người may mắn được Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vì đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân năm 1967.
Bị địch bắt, tra tấn khi mới 13 tuổi
Ông Gia tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ông kể: “Năm lên 13 tuổi, tôi vừa đi học vừa làm cộng tác viên cho công an, với nhiệm vụ vẽ lại các vị trí của địch đóng quân ở phụ lỵ Hồ Xá, các đồn bốt để giúp lực lượng ta kháng chiến. Trong lúc vẽ sơ đồ thì bị phát hiện giúp việc cho Việt Minh và bị địch cầm tù. Họ giam cầm tôi trong 9 tháng, thường xuyên tra tấn bằng đòn roi, bằng điện hết sức dã man”.
Còn là thiếu niên và chịu sự đàn áp, tra tấn của kẻ thù nhưng ông Gia vẫn kiên quyết không khai điều gì ảnh hưởng đến cách mạng. “Gia đình tôi đều tham gia Việt Minh, cha, mẹ từng bị địch bắt tù. Anh trai làm cán bộ Uỷ ban hành chính kháng chiến, chị gái cũng phục vụ cách mạng. Kế thừa truyền thống gia đình nên tôi quyết định đi theo cách mạng, chấp nhận mọi gian khổ”, ông Gia nói.
Không khai thác được gì từ ông Gia, địch thả ông trở về nhà. Sau đó, để tránh bị bắt lính, ông thoát ly về sống với người anh. Đến năm 1952, ông tham gia du kích xã Vĩnh Hồ (tức xã Vĩnh Long hiện nay), vừa chiến đấu, vừa sản xuất.
Những năm sau, ông Gia làm Trung đội trưởng Dân quân du kích xã Vĩnh Hồ, Vĩnh Nam. Năm 1956, ông làm Đại đội trưởng kiêm Trung đội sản xuất, với nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Ông cũng giữ nhiều chức vụ ở Uỷ ban hành chính khu vực Vĩnh Linh.
Quá trình công tác, ông Gia đã chỉ đạo bà con tăng gia sản xuất để đảm bảo lương thực phục vụ kháng chiến, vừa tham gia chỉ huy hàng chục trận đánh.
Với những thành tích phục vụ kháng chiến, ông Gia được tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Đặc biệt, năm 1967, ông được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, vì đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
5 lần được gặp Bác Hồ
Trong ký ức của ông Đinh Như Gia, những lần được tiếp xúc và trò chuyện với Bác Hồ là điều may mắn, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông và không phải ai cũng có được niềm vinh dự ấy.
Lần đầu tiên ông Gia được gặp Bác là vào ngày 4/9/1957 nhân dịp ra Hà Nội tham dự duyệt binh chào mừng Quốc khánh. Sau lễ duyệt binh, Bác Hồ đã đến thăm bộ đội và dân quân du kích các địa phương, trong đó có lực lượng du kích giới tuyến Vĩnh Linh về tham gia duyệt binh. Tại đây, Bác Hồ đã hỏi chuyện thân mật về quá trình chiến đấu, sản xuất. Ông Gia nói, dù là lãnh đạo tối cao nhưng Bác ăn mặc rất giản dị, còn hát với lực lượng dân quân.
Đến đầu năm 1967, khi tham dự Đại hội Liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 4, ông được ngồi ăn cơm, nói chuyện với Bác.
Ông kể: “Hôm ấy chỉ có khoảng 10 người, có ông Phạm Văn Đồng và thư ký của Bác. Khi dùng bữa, tôi là người nhỏ nhất trong bàn nên được Bác đích thân lấy cơm và thức ăn. Bác cũng nói chuyện rất thân mật, hỏi đến Hà Nội đã tham quan được những đâu? Bác bảo tôi nên đến thăm phố Tràng Tiền và phố Gia Ngư cho biết. Nghe Bác dặn dò, tôi cảm thấy rất xúc động”.
Sau khi dẫn mọi người đi thăm vườn cây trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ tặng 5kg bồ kết cho chị em ở Vĩnh Linh. Món quà nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng của người Cha già kính yêu của dân tộc luôn quan tâm đến mọi người từ những việc nhỏ nhất.
Ông Gia nhớ lại: Lúc trao danh hiệu Anh hùng, Bác căn dặn mọi người rằng: “Sở dĩ có Anh hùng là vì có dân tộc Anh hùng, có nhân dân Anh hùng, có Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Kết thúc Đại hội, ông Gia vinh dự cùng với những Anh hùng khác trên khắp mọi miền đất nước quây quần chụp ảnh với Bác Hồ.
Đối với ông, được phong Anh hùng, công lao ấy không chỉ của một mình ông mà là sự đóng góp của tập thể. Vì vậy, suốt cuộc đời mình, dù ở cương vị công tác nào, ông đều cố gắng hết sức để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó…
Kỷ niệm xúc động nhất đối với ông Đinh Như Gia là lần tiếp xúc với Bác Hồ, cũng là lúc Bác đang ốm. Ông Gia chia sẻ: “Tôi vinh dự được gặp Bác nhiều lần, lần nào cũng cảm thấy xúc động, tự hào. Tuy nhiên, sâu sắc nhất là kỷ niệm năm 1968 khi tôi và các thành viên Đội lao động sản xuất xã hội chủ nghĩa vinh dự ra gặp Bác. Lúc này sức khỏe Bác đã yếu đi so với trước nhưng Người vẫn ngồi ngoài sảnh chờ đón đoàn Vĩnh Linh. Bác Hồ nhận ra tôi và nói: Cháu Gia ra đó ư?
“Sau khi Bác Hồ hỏi chuyện địa phương, tôi kể vụ thảm nạn ở đồi 61, xã Vĩnh Quang khiến hàng chục người chết, Bác chợt buồn và rưng rưng nước mắt”, ông Gia kể.
Với ông Đinh Như Gia, Bác Hồ là vị lãnh đạo tối cao nhưng phong cách của Người rất dân dã, gần gũi với mọi người dân. Bác như người cha luôn dành những cử chỉ, thái độ ân cần với con. Chúng tôi nguyện làm việc thật tốt để cống hiến sức mình xây dựng quê hương theo lời Bác dạy.
Ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” ông Gia vẫn hăng hái hoạt động xã hội, làm Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi huyện Vĩnh Linh.
Theo Dân Trí