Ngày 23/6, bà Huỳnh Thị Hằng – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước chủ trì họp hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình xử lý nước thải nhà máy sản xuất tinh bột khoai mỳ bằng công nghệ sinh thái trên cơ sở ứng dụng thực vật thủy sinh”.

Đề tài do thạc sỹ Nguyễn Văn Thành Nam – Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, Chi nhánh phía Nam làm chủ nhiệm.

Bà Huỳnh Thị Hằng – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi xét chọn

Tại buổi xét chọn, thạc sỹ Thành Nam trình bày: trong thực tế, để xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tinh bột khoai mỳ nhiều nhà máy đều áp dụng các phương pháp cơ học, hóa học, hóa lý, sinh học… Tuy nhiên, khi áp dụng các phương pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị cũng như yêu cầu về kỹ thuật, chi phí vận hành cao. Do đó, phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước bằng công nghệ sinh thái gần đây được biết đến trên thế giới như một giải pháp công nghệ xử lý nước thải cấp độ 2 trong điều kiện tự nhiên, đạt hiệu suất cao, chi phí đầu tư thấp đồng thời góp phần cải tạo cảnh quan môi trường. Đề tài xử lý nước thải nhà máy sản xuất tinh bột khoai mỳ bằng công nghệ sinh thái trên cơ sở ứng dụng thực vật thủy sinh sẽ góp phần thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư và vận hành thấp.

Sau phần trình bày của thạc Dỹ Thành Nam, các thành viên phản biện và thành viên hội đồng cho rằng, đề tài chưa làm rõ tại sao có sử dụng bể sục khí; chưa có mô hình cụ thể; chưa quy hoạch thực nghiệm và phương pháp xử lý số liệu. Ngoài ra, việc nghiên cứu cần gắn liền với quá trình theo dõi thích nghi, tăng trưởng của các loại thực vật có thể ứng dụng.

Phát biểu tại buổi xét chọn, bà Huỳnh Thị Hằng cho rằng, chủ nhiệm đề tài chưa nắm được sơ bộ các nhà máy chế biến tinh bột khoai mỳ trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động, quy mô và cơ chế xử lý nước thải cũng như xu hướng xử lý nước thải trong tương lai. Bà Hằng yêu cầu, Ban chủ nhiệm nên khảo sát, có thêm thông tin bổ sung để khẳng định mô hình này phù hợp với tỉnh Bình Phước.

Sau khi thảo luận, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đi đến thống nhất không thông qua đề tài.

Nguồn khoahocthoidai.vn

Từ khóa : đề tài khoa họcxử lý nước thải tinh bột khoai mỳ

Các tin liên quan đến bài viết