Trong tháng 6 và tháng 7-2017, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thí điểm kiểm tra, sát hạch đối với công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh này. 
Bà Rịa Vũng Tàu sát hạch, loại công chức 'làm việc lừng chừng'
Trong tháng 6 và tháng 7-2017 sẽ thí điểm kiểm tra sát hạch đối với công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong ảnh: người dân đến làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa 

Đây là kỳ sát hạch đánh giá năng lực cán bộ, công chức trên diện rộng đầu tiên của cả nước. Đợt kiểm tra này ngoài hội đồng do chủ tịch UBND tỉnh thành lập, còn mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý hành chính, dịch vụ công xây dựng câu hỏi trắc nghiệm và trực tiếp đi sát hạch. Việc này nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng năng lực thật sự của cán bộ, công chức.

Sát hạch để phục vụ 
tốt hơn
Những ghế “nóng”, lĩnh vực nhạy cảm, tiếp xúc nhiều với người dân và doanh nghiệp sẽ được sát hạch, kiểm tra. Đó là các sở: Xây dựng, Tài nguyên – môi trường, Kế hoạch – đầu tư với những chức danh được sát hạch cụ thể là các trưởng phòng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết mục đích của việc kiểm tra, sát hạch là để nâng cao chất lượng chuyên môn, điều chỉnh thái độ ứng xử đúng mực của cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp. Cũng theo ông Trình, lâu nay việc đánh giá năng lực, chất lượng làm việc của cán bộ, công chức có tình trạng “bình bầu đều đều”, độ chênh lệch giữa người làm việc tốt và chưa tốt không thể hiện rõ. Do đó, quan điểm sát hạch, khảo sát thí điểm của tỉnh là thẩm tra, sát hạch ở những bộ phận, những chức vụ được đánh giá tốt nhưng thực tế hiện tại công việc đang trì trệ, ách tắc.Về việc có lấy kết quả sát hạch để có đánh giá, nhận xét chính thức hay không, ông Trình cho biết: “Tất nhiên phải xem xét cả quá trình công tác, làm việc của cán bộ, công chức đó”. Tuy nhiên, theo ông Trình, nếu một người “làm việc lừng chừng”, sau đợt kiểm tra, sát hạch sẽ được hội đồng, chuyên gia chỉ ra những điểm yếu để cán bộ, công chức đó khắc phục và sửa chữa. “Còn những cán bộ, công chức mà xác định cả quá trình cũng như sát hạch không đạt thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo điều chuyển ngay” – ông khẳng định. Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sẽ dùng kết quả kiểm tra, sát hạch để tham khảo cho việc đánh giá chính thức công chức, cán bộ. “Mục tiêu lớn nhất của UBND tỉnh là để đánh giá một cách khách quan, đúng đắn thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Từ đó chúng tôi có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp. Tất cả đều nhằm phục vụ người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đồng thời cũng xem xét để tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước” – ông Nguyễn Văn Trình nói.
Tiến tới sát hạch 
giám đốc sở
Ông Lê Ngọc Linh, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết ngay sau khi kế hoạch sát hạch cán bộ, công chức của tỉnh được phê duyệt, sở đã lập kế hoạch để gửi đến những bộ phận phải thực hiện việc thi sát hạch. Ông Linh cho biết Sở Tài nguyên – môi trường cũng sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp khác, như luân chuyển cán bộ giữa các bộ phận để mỗi cán bộ có thể làm thêm những công việc ngoài lĩnh vực mình phụ trách và đây cũng là thử thách đối với năng lực cán bộ, giúp họ có đầy đủ kiến thức chuyên môn. “Việc sát hạch những vị trí chủ chốt là hết sức cần thiết để làm tốt hơn công tác nhân sự. Biết được cán bộ của mình thiếu, yếu ở những điểm gì để bổ sung, sửa chữa sớm” – ông Linh nói. Theo một vị cán bộ của Sở Nội vụ, việc triển khai sát hạch, đánh giá cán bộ thực chất là cụ thể hóa những điều đã quy định trong Luật cán bộ, công chức, viên chức.Theo ông Nguyễn Văn Trình, sau đợt kiểm tra sát hạch này, UBND tỉnh trình Tỉnh ủy xin ý kiến phương án và kế hoạch sát hạch, kiểm tra cả chức danh giám đốc sở. Và hướng tới, tỉnh cũng sẽ tổ chức thi tuyển chức danh cấp trưởng, phó phòng.
Lo lắng nhưng sẵn sàng
Là một trong những chức danh nằm trong danh sách phải thi sát hạch kỳ này, ông Trần Xuân Hà, trưởng phòng tài nguyên và khoáng sản Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết ông cũng như cán bộ chuyên viên trong phòng khá hồi hộp và lo lắng cho kỳ sát hạch tới. “Ngay sau khi nhận kế hoạch sát hạch, tôi họp anh em trong phòng, yêu cầu xem lại các văn bản pháp luật, các tình huống xử lý liên quan đến công việc mình đang làm. Mỗi người phải rà soát, tự kiểm tra lại mình. Tôi cho rằng cuộc sát hạch là cần thiết và đáng để nhân rộng” – ông Hà nói.Về tâm lý chung của những cá nhân nằm trong đợt sát hạch này, theo ông Hà cảm nhận là ai nấy đều có sự lo lắng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là mỗi kỳ sát hạch, kiểm tra là điều kiện để mỗi công chức tự hoàn thiện mình. “Cá nhân tôi cũng sẵn sàng tham gia cuộc sát hạch, kiểm tra” – ông Hà tự tin nói. Ông Phan Xuân Tuấn, phó trưởng phòng kiến trúc – quy hoạch Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng cho rằng việc sát hạch là cơ hội để các công chức thường xuyên tiếp xúc với dân trau dồi nghiệp vụ, năng lực cũng như ứng xử của mình đối với công việc. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng ủng hộ chủ trương trên của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vì theo họ, trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng có những lúc quan điểm về vận dụng quy định pháp luật giữa họ và cán bộ, công chức có chênh nhau, mà nguyên nhân có khi cán bộ đó chưa cập nhật, nắm bắt kịp những quy định mới.

Đại biểu Quốc hội, TS Nguyễn Sỹ Cương:

Kết quả kém có buộc thôi việc được không?

Tôi nghĩ rằng việc sát hạch lại đối với công chức có thể xuất phát từ ý tưởng tốt, với mục đích nhằm đánh giá, phân loại công chức để sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả sát hạch có được như ý tưởng, mục đích đặt ra hay không mới là vấn đề đáng nói. Chúng ta biết rằng theo các báo cáo của ngành nội vụ thì tỉ lệ công chức hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm luôn đạt trên 99%. Luật quy định một công chức 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ mới bị xem xét cho thôi việc. Chính vì vậy nên lâu nay nhiều người mới nói là ở VN công chức chỉ có vào mà không có ra, chỉ có lên mà không có xuống. Như vậy, nếu những công chức có kết quả thi kém thì có bị thải loại không, đặc biệt là khi người ta vẫn được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ? Cơ quan tổ chức sát hạch có dám thải loại những công chức thuộc diện “con ông cháu cha” có kết quả kém không? Về việc này là rất khó nói, phải chặt chẽ. Tôi cũng cho rằng biện pháp sát hạch không thể thay thế công tác đánh giá cán bộ, công chức hằng năm theo quy định. Có thể việc đánh giá hằng năm đang bị tiến hành một cách hình thức, nhưng cần phải chấn chỉnh để thực hiện nghiêm túc, thực chất hơn.

Cấp xã cũng có sát hạch

Bên cạnh kiểm tra công chức cấp tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thí điểm sát hạch công chức cấp xã từ tháng 4 đến tháng 6-2017. Đối tượng thí điểm sát hạch là các chức danh: địa chính, xây dựng, đô thị, nông nghiệp và môi trường. Kết quả kiểm tra sẽ được dùng để đánh giá công chức.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cán bộchức danhchuyên môncơ quan chuyên môncông chứcđánh giákiểm trasát hạchUBND Bà Rịa-Vũng Tàuxử lý

Các tin liên quan đến bài viết