Bà Nguyễn Phương Hằng bị truy tố theo điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo cáo trạng, bà Hằng có 2 tình tiết giảm nhẹ và 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bà Phương Hằng có đối mặt với mức án nào? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng 

Bà Phương Hằng bị truy tố ở khung hình phạt đến 7 năm tù

Viện KSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm theo điều 331 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng xác định, các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân được áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm s, khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, bà Nguyễn Phương Hằng được một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen về hoạt động thiện nguyện, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định tại khoản 2 điều 51 Bộ luật Hình sự năm sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, bà Hằng và 4 đồng phạm có 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên, quy định tại các điểm a, g khoản 1 điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Từ đó, Viện KSND TP.HCM đã truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm ra trước Tòa án nhân dân TP.HCM để xét xử về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, khoản 2 điều 331 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 2 năm tù đến 7 năm tù.

TS Đặng Anh Quân tham gia 11 buổi livestream với bà Hằng

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà ông Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà (tổng cộng 10 người), trái quy định của pháp luật.

Ông Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra trong buổi livestream ngày 24-12-2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.

Đối với bà Nguyễn Thị Mai Nhi, bà Lê Thị Thu Hà và ông Huỳnh Công Tân đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bà Phương Hằng livestream và đăng tải các bài viết của bà Hằng lên các trang mạng xã hội, theo chỉ đạo của bà Hằng. Do đó, hành vi của các bị can này là đồng phạm, với vai trò giúp sức cho bà Phương Hằng.

Đối với các ông Nguyễn Đình Kim, Phạm Hoàng Khang là chủ kênh YouTube tên “Lang Thang Đường Phố”, Huỳnh Tấn Lợi là chủ kênh YouTube tên “Vlogs Trúc Ngân”, Võ Minh Điền là chủ kênh YouTube tên “Điền Võ”, Ngũ Lùn là chủ kênh YouTube “Bánh Mỳ Đây”, Nguyễn Việt Anh là chủ kênh YouTube tên “Chuyện đời thường”, Nguyễn Văn Việt là chủ kênh YouTube tên “Trai Đồng Bằng” do hành vi chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có văn bản chuyển kèm tài liệu liên quan đến Phòng an ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền, là có căn cứ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giảm nhẹtình tiếttình tiết tăng nặng

Các tin liên quan đến bài viết