Ngày 15-12, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, TP.HCM tổ chức tọa đàm ‘Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh’ với sự tham gia của hơn 500 nhà tâm lý, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên làm công tác phụ trách Đội…
Tại buổi tọa đàm, TS tâm lý Nguyễn Hữu Long – giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM – cho rằng có ba nhóm học sinh cần được quan tâm đặc biệt về sức khỏe tinh thần.
“Đó là nhóm học sinh gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống; nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt cần được giải đáp, giải tỏa về giới tính, tình bạn – tình yêu…; nhóm học sinh cần được định hướng về học tập, nghề nghiệp. Trong đó, nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt là khá nhiều nhưng nếu không được giải tỏa kịp thời thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường” – ông Long nhấn mạnh.
Câu chuyện của TS tâm lý Nguyễn Hữu Long gây chú ý với nhiều người dự khán. “Tôi lấy ví dụ như một trường hợp tôi vừa tham vấn mới đây. Các em nam sinh lớp 9 ở một trường nội thành TP.HCM thấy tò mò khi trong giờ thể dục “cái ấy” nó nhô lên.
Sau đó, khoảng mười nam sinh đã rủ nhau vào toilet “so hàng”. Em nam sinh này băn khoăn, lo lắng vì “hàng của bạn to như súng đại bác, còn hàng của con nhỏ như súng lục”. Đến khi phụ huynh phát hiện ra và đưa em đến gặp tôi mới biết em đã trầm cảm gần một tháng”.
Từ áp lực học tập
Trong khi đó, ông Đoàn Hữu Khánh – hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3 – nêu ý kiến: “Mỗi khi có học sinh trầm cảm, tự tử, nhiều người thường cho rằng do học sinh phải chịu áp lực học tập quá căng thẳng từ trường. Song trên thực tế, trường học chỉ là nơi truyền dạy kỹ năng và kiến thức, trong khi nhận thức, tính cách của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn từ gia đình.
Từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, phòng tư vấn tâm lý của trường tôi đã đón tiếp và tham vấn cho 30 học sinh. Trong đó, có hai học sinh tiết lộ là em không muốn sống nữa, em muốn tự tử. Khi tìm hiểu thì được biết, học sinh muốn tự tử do bị phụ huynh ép học quá nhiều, em thường bị đánh, mắng vì học không tốt…”.
Qua thực tế triển khai công tác tư vấn tâm lý, thầy Khánh cho rằng ban đầu học sinh sẽ có tâm trạng rụt rè, ngại tìm đến phòng tư vấn tâm lý. Nhưng chỉ cần thầy cô tạo được sự tin tưởng cho các em sẽ giúp các em cảm thấy yên tâm, sẵn sàng tìm đến khi có trở ngại về tâm lý.
Tư vấn tâm lý theo cụm trường
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Phạm Đăng Khoa – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 – cho biết ngành giáo dục của quận đang nỗ lực, hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc với ba tiêu chí rất rõ ràng là yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Để đạt được mục tiêu này, ngành cần tạo ra môi trường làm việc thoải mái. Giáo viên và học sinh sẽ có đời sống tinh thần tích cực, giải tỏa được áp lực căng thẳng trong học tập và sinh hoạt.
Quận 3 đặt ra mục tiêu là mỗi trường học xây dựng một phòng tư vấn tâm lý học đường, để hỗ trợ cho học sinh khi gặp các vấn đề về tâm lý, cũng như các khó khăn trong học tập.
Thế nhưng, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, bước đầu quận đã xây dựng và triển khai phòng tư vấn tâm lý theo từng cụm trường là phòng tư vấn tâm lý Trường THCS Hai Bà Trưng, phòng tư vấn tâm lý Trường THCS Bạch Đằng và phòng tư vấn tâm lý Trường THCS Collette.
Tư vấn tâm lý trực tuyến
Ngoài ra, hơn 45.000 học sinh của quận còn sẽ được tư vấn tâm lý trực tuyến tại địa chỉ quan3.tamlyhocduong.org. Các chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ hỗ trợ bất cứ khi nào, với cam kết bảo mật thông tin của học sinh.
Nguồn: tuoitre.vn