Hệ thống phòng không Kub khét tiếng của Cộng hòa Czech bao gồm Kub-M2, có biệt danh là ‘Ba ngón tay Thần chết’, đã bắt đầu xuất hiện ở Ukraine.
Khẩu đội 2K12 Kub của quân đội Serbia tại Batajnica, Serbia trong cuộc tập trận Granit 2023
Theo trang Popular Mechanics, vào ngày 10-5, Tổng thống Czech Petr Pavel cho biết ông sẽ chuyển hai khẩu đội Kub-M2 (biệt danh “Ba ngón tay Thần chết”) sang Ukraine, mỗi khẩu đội bao gồm 6-8 xe phóng và 2 xe radar SURN 1S91 dò sóng kỹ thuật số liên tục, cũng như hàng trăm tên lửa phòng không động cơ phản lực 3M9.
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài 18 tháng không ngừng nghỉ, Ukraine cần nhiều tên lửa phòng không hơn khi nước này cạn kiệt kho tên lửa cũ thời Liên Xô.
Những chiếc Kub-M2 được tặng là sản phẩm hiện đại hóa của Czech ra đời giữa năm 2000, từ nguyên mẫu 2K12 Kub do Liên Xô chế tạo. Chúng bao gồm thân – khung được đại tu, sau đó là lắp đặt hệ thống cáp, nguồn điện hiện đại, hệ thống radar thông tin liên lạc có thể tương tác của NATO.
Kub “nức tiếng giang hồ”
Kub đã ra mắt rất ngoạn mục cách đây nửa thế kỷ trong cuộc chiến Yom Kippur (Liên minh các quốc gia Ả Rập do Ai Cập và Syria dẫn đầu chống lại Israel) vào tháng 10-1973.
Trong vài tuần chiến tranh, những chiếc 2K12 được xuất khẩu sang thủ đô Cairo của Ai Cập đã phá hủy khoảng 40 máy bay phản lực Phantom và Skyhawk của Israel.
Thật ra, Liên Xô đã bắt đầu phát triển 2K12 vào năm 1958 và chính thức được trang bị cho quân đội Liên Xô năm 1967. Đây là tên lửa phòng không linh hoạt tầm thấp đến tầm trung có hiệu quả trong phạm vi 19km.
Một khẩu đội Kub kết hợp bốn xe phóng 2P25 với ba tên lửa 3M9 mỗi xe, một xe chỉ huy/radar 1S91 ‘Straight Flush’ và hai xe tải chuyển tải 2T7M chuyên chở tên lửa dự phòng.
Cũng cần nói thêm về tên lửa 3M9: Khi phóng, nhiên liệu rắn hai tầng của nó được đốt cháy trong 20 giây, tăng tốc tên lửa lên gần gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Ban đầu, tên lửa bay vòng cung trên đường đánh chặn và điều chỉnh hướng đi được truyền qua sóng vô tuyến bằng pin. Sau đó, nó chuyển sang thiết bị tìm kiếm radar doppler 1SB4 bán chủ động. Cầu chì gần radar sẽ kích nổ đầu đạn nặng 57kg của tên lửa khi tiếp cận mục tiêu trong phạm vi 30m.
Khoảng thời gian 1967-1977, Liên Xô đã phát triển các biến thể Kub-M1, M3 và M4 cải tiến.
Tuy nhiên, Kub-M2 là quá trình hiện đại hóa độc đáo của Czech.
Kub của NATO và Ukraine
Vào đầu những năm 2000, Kiev đã cho “nghỉ hưu” cả 4 trung đoàn phòng không được trang bị Kub (tổng cộng 20 khẩu đội Kub), chọn tập trung vào các hệ thống Buk hậu duệ hiện đại hơn.
Nhưng sau cuộc chiến năm 2014-2015 với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine do Nga hậu thuẫn, Công ty Aerotekhnika của Ukraine đã bắt đầu khôi phục một số trong số 89 xe Kub-M3 đang được cất giữ.
Trong quá trình thực hiện, công ty đã phát triển mẫu Kub M3/2D hiện đại hóa bằng cách sử dụng các thuật toán xử lý tín hiệu số nhằm nâng cao khả năng phân biệt của radar chống lại hiện tượng gây nhiễu và nhiễu trên mặt đất.
Buổi ra mắt thử nghiệm của những chiếc Kub được khôi phục đã diễn ra vào tháng 2-2019 tại Kherson.
Kiev đã có kế hoạch trang bị cho hai trung đoàn 10 khẩu đội Kub. Nhưng tiến độ diễn ra chậm và vụ nổ kho đạn năm 2017 ở Balakliya cũng đã phá hủy một số tên lửa 3M9. Không rõ liệu Kiev có phục hồi nhiều hơn kể từ đó hay không. Cho đến nay, rất ít phương tiện truyền thông đề cập đến việc sử dụng Kub 2K12.
Nhiều bệ phóng Kub vẫn được sử dụng tại các quốc gia NATO như Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Một số nước được trang bị Kub đáng chú ý khác bao gồm Armenia, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Triều Tiên, Serbia và Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn