Tài xế bỏ rơi sản phụ ở Bù Đăng, Bình Phước khiến trẻ sơ sinh tử vong, khi bị hỏi đến, lúc thì trả lời là không hiểu sao mình hành động như vậy, lúc thì: thấy máu khiến tôi lái xe không nổi! Cách hiểu đơn giản nhất có lẽ là: Ông ta không đủ nhân tính mà thôi.
Người chửa, cửa mả. Một sản phụ vốn không cần đẻ rơi dọc đường trong tiết mờ sáng, thời tiết không thuận…, đã nguy cơ lắm rồi nếu không được chăm sóc y tế tận tình. Huống hồ là ca sinh non, tính mạng mẹ và con đều mong manh. Hình dung mà quá hãi: Một con người đang ở cửa mả bị đuổi xuống nằm bệt bên vệ đường gió bụi, không có người giỏi chuyên môn vây quanh đỡ đẻ cũng như động viên đúng cách…Kết cục mẹ giữ được tính mạng nhưng đứa trẻ không có cơ hội chào đời.
Bác sĩ Mai Trọng Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ trên báo về sự nguy hiểm sinh con ngoại viện: “Khi sản phụ chuyển dạ thì rất nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Sản phụ nếu không được chăm sóc y tế có thể băng huyết còn thai nhi có thể bị ngạt. Sản phụ sinh con ngoại viện việc đầu tiên phải để thông thoáng đường thở, phải lau dịch, nếu bị tắc đường thở thì phải dùng miệng để tạo đường thở cho bé. Phải tránh cho bé bị lạnh…”. Tóm lại đầy việc cần làm. Mà không hề được trợ giúp thì cháu bé gì mà chả tử vong.
Khi nhận lời chở sản phụ đến bệnh viện với giá 750.000 đồng, có lẽ ông tài nghĩ mọi việc chỉ có thuận lợi trở lên, là cuốc xe bình thường mà thôi. Ông không chấp nhận chuyện người mẹ có thể đẻ rơi trên xe ông. Ông kiêng, sợ xui hay sợ dơ, bẩn gì đó. Không màng, quan tâm sinh mạng người khác quí giá nhường nào, thấy máu là “ghê” thì có khi ông nên viết sẵn trên thành xe rằng tôi chỉ chở người khỏe mạnh, an toàn còn thì đừng làm khó tôi. Thực ra “sợ máu” chỉ là lý do lý trấu mà thôi.
Chúng ta gặp nhiều người như thế. Thấy người bị nạn dọc đường là tránh xa. Thấy chết không cứu. Mới đây có chuyện tài xế taxi ngắm nghía cô gái bị tai nạn giao thông trong đêm rồi bỏ đi khiến cô chết trên hè phố do không được cấp cứu kịp thời.
Xã hội này đang thế nào mà ngày ngày diễn ra những câu chuyện nhói buốt đến thế. Buốt nhói vì tính mạng con người bị coi rẻ. Vì sự mất lương tri, mất nhân tính, ngu muội, gây đau khổ thậm chí chết chóc cho người khác một cách hồn nhiên đến thế?
Ông tài xế ở Bù Đăng, sau vụ việc tỏ ra ân hận, mang 5 chục triệu đến nhà người mẹ bất hạnh xin lỗi, nhưng ta tự hỏi ông có áy náy, cắn rứt lương tâm thật không hay sợ đi tù mà phải tìm cách “khắc phục hậu quả”, “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”? Tự bao giờ ta chẳng dám tin ai dễ dàng. Hoài nghi tất cả.
2. “Tài xế bị bắt, đối diện án phạt 5 năm tù và 10.000 đô la vì cố tình cán phải đàn vịt sang đường” là câu chuyện lạ lùng ở bang Florida hôm 11/8 được một báo đưa lại. James, khi lái xe trên đường gặp một đàn vịt ở vũng nước nông đã cố tình nhấn ga mặc cho nhiều người la hét cảnh báo, khiến hai con vịt chết, một con bị thương. Bị cảnh sát thẩm vấn về tội ngược đãi động vật, James trong trạng thái say, nói chẳng có đàn vịt nào cả nhưng không giải thích được vì sao lại có lông vịt và máu dính bánh xe mình.
Tay James này, mặt mũi trông ác. Và đáng kinh ngạc là cái án tù và số tiền phạt lớn thế kia. Câu chuyện lạ mà không lạ, nó chứng tỏ luật pháp bang Florida, Mỹ bảo vệ động vật, quan tâm thiết cốt đến cuộc sống của những con vịt bé nhỏ đến thế nào. Chỉ là 2 con vịt chết và một bị thương thôi đấy. Hẳn là luật pháp nghiêm khắc thế để vừa khơi gợi nhân tính vừa cảnh báo sự mất nhân tính, cho bất cứ ai. Rằng đâu cần làm hại một con người thì mới phải trả giá đắt. Nhân tính có ý nghĩa rộng hơn nhiều.
3. Câu chuyện này cũng tuyệt vời về sự trân trọng tính mạng con người, do nhà báo Phan Việt Hùng tổng hợp từ báo Nga:
Năm 1969, cô bé 4 tuổi Kathrin Lehmann đang chơi ở cửa sổ căn hộ tầng 6 ngôi nhà trên phố Wilhelm Pieck, thành phố Magdeburg (CHDC Đức) thì đại úy không quân Xô Viết Igor Belikov tình cờ đi qua. Nghe tiếng hét, nhìn lên anh thấy cô bé đứng bên cửa sổ. Trong tích tắc anh hiểu điều gì sẽ xảy ra, bèn lột chiếc áo ca-pốt đang mặc lao như bay đến chỗ bé có thể rơi. Đúng lúc đó cô bé ngã xuống từ độ cao 22 mét. Đại úy kịp hai tay giơ áo đỡ trọn thân thể bé. Kỳ diệu là bé không hề bị thương. Sau này người ta tính toán rằng với trọng lượng rơi tự do của cô bé từ độ cao tòa nhà 6 tầng, đôi tay Belikov đã chịu một khối lượng khoảng 250 kg, tương đương chiếc xe máy.
Chuyện nghe thế đã hay lắm rồi, nhưng tuyệt hơn nữa là cái kết: Mặc dù viên sĩ quan không muốn trở thành tâm điểm chú ý nhưng chính quyền và nhân dân thành phố Magdeburg đã mời anh làm công dân danh dự của thành phố, gọi anh là “con người của khoảnh khắc” và 15 năm sau đã dựng một đài kỷ niệm sự kiện này, bằng đồng, một mặt là bức phù điêu chân dung đại úy Belikov, mặt kia là chiếc áo ca pốt- vật đã cứu cô bé Kathrin. Cạnh phù điêu có bức tượng một cô bé, có lẽ chính là Kathrin. Tác giả tượng là điêu khắc gia Heinrich Apel. Phi công Belikov trở về nước năm 1970, mất năm 2015. Hiện giờ tượng đài người lính Xô Viết vẫn ở thành phố Magdeburg nay thuộc về nước Đức thống nhất. Vào dịp lễ, người dân thường đem hoa tươi đặt bên tượng đài để tưởng nhớ người lính và câu chuyện tuyệt vời.
Cô bé Kathrin Lehmann và vị ân nhân của mình. Ảnh tư liệu của Phan Việt Hùng
Phi công Belikov không coi mình là anh hùng, là ân nhân của thành phố, mà đơn giản anh cho rằng mình đã xuất hiện “đúng lúc, đúng thời điểm”. Còn sự trân trọng của thành phố dành cho vị ân nhân cho thấy họ quí trọng tính mạng công dân của mình đến thế nào. Và nhân văn ra sao, với sự tri ân sâu sắc vị ân nhân tưởng chỉ của gia đình bé Kathrin mà thôi. Đọc câu chuyện, thấy thành phố này cũng xứng đáng được vinh danh không kém- một thành phố đáng sống.
Ngẫm câu chuyện này để rồi thêm đau lòng, bức xúc trước những thảm cảnh ngày càng nhiều quanh ta: Trẻ con liên tục rơi từ các tòa nhà cao tầng, mà rồi mọi người dường như lãng quên đi rất nhanh. Không sợ, không rút kinh nghiệm một cách đích đáng.Vừa có đứa trẻ bị bỏ quên trên xe khiến tử vong, thì lại xảy ra vụ ba cháu nhỏ bị cô giáo bất cẩn gây bỏng nặng trong giờ học chữa cháy, hiện vẫn trong cơn nguy kịch. Lẽ nào những bi kịch khủng khiếp như vậy đều dần nhạt đi, không gì có thể lay động thức tỉnh được chúng ta nữa, chỉ còn lại sự vô cảm hoàn toàn, bình thường hóa những việc không bình thường.
Theo Tiền phong