Sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza, dư luận bức xúc vì thái độ của công ty đại diện chủ đầu tư là Hùng Thanh, còn Năm Bảy Bảy thì “chối phăng” trách nhiệm. Cũng trong tuần này, 2 nhân viên Eximbank bị bắt; Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á; AVG trả hơn 2.500 tỷ đồng cho MobiFone… được dư luận đặc biệt quan tâm.
Vụ cháy chung cư Carina: Mập mờ vai trò, trách nhiệm chủ đầu tư
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (phường 16, Quận 8, TPHCM) làm 13 người chết, hàng chục người bị thương, thiệt hại tài sản vô cùng lớn, nhiều người đã “săn” chủ đầu tư của dự án này để truy trách nhiệm.
Mãi đến ngày 25/3, tức sau 3 ngày xảy ra vụ hoả hoạn, Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Hùng Thanh – công ty đại diện chủ đầu tư Năm Bảy Bảy quản lý, điều hành dự án mới chính thức lên tiếng bằng… văn bản.
Trong đó, công ty chỉ thông báo vỏn vẹn nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà với số tiền 300.000 đồng/hộ/ngày. Thời gian hỗ trợ không ấn định cụ thể mà tính từ ngày 23/3 cho đến thời điểm có thông báo chính thức về việc căn hộ tại Carina được khắc phục và đủ điều kiện sinh hoạt, vận hành. Điều khiến cư dân bức xúc chính là chủ đầu tư không hỗ trợ ngay mà chỉ trả tiền khi cư dân trở lại sinh hoạt bình thường.
Thái độ của chủ đầu tư Carina Plaza sau vụ cháy thảm khốc khiến dư luận bất bình
Sau văn bản số 26/TB-NSHC bị chê là… lạnh lùng, vô cảm, ngay trong đêm 25/3, chủ đầu tư tiếp tục có văn bản số 27/TB-NSHC với nội dung đầy đủ hơn. Theo đó, công ty Hùng Thanh gửi lời xin lỗi cư dân về việc chậm trễ thông báo vì đang dồn lực để khắc phục sự cố. Hùng Thanh cho biết đã hỗ trợ nạn nhân tử vong 100 triệu đồng/người. Hỗ trợ thuê nhà 300.000 đồng/hộ/ngày…
Trong khi đó, Công ty Năm Bảy Bảy lại khẳng định chỉ sở hữu vốn góp vào Công ty Hùng Thanh. Còn Công ty Hùng Thanh có pháp nhân độc lập và là chủ đầu tư duy nhất của dự án chung cư Carina theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư số 59/QĐ-SXD-PTN ngày 25/5/2009.
Mặc dù vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NBB của Năm Bảy Bảy vẫn bị bán rất mạnh. Với chuỗi bán sàn 4 phiên liên tục, NBB “bốc hơi” 24,7% thị giá và vốn hoá thị trường của Năm Bảy Bảy đã sụt giảm tới 614 tỷ đồng, trong khi quy mô doanh nghiệp này trên thị trường chỉ ở mức 1.871 tỷ đồng.
Chi nhánh Eximbank tại TPHCM bị khám xét, 2 nhân viên bị bắt tại chỗ
Sáng 26/3, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã bất ngờ tổ chức khám xét Ngân hàng Thương mại CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – chi nhánh TPHCM (trụ sở tại đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM).
Tại đây, cơ quan công an đã đọc lệnh khám xét, yêu cầu tất cả những người có mặt trong phòng không ra ngoài.
Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục kiểm tra các tầng tại chi nhánh Ngân hàng Eximbank, thu giữ nhiều tài liệu, ổ cứng, hồ sơ liên quan… Theo nguồn tin mà PV Dân trí có được, cơ quan công an đã bắt 2 nhân viên của chi nhánh này.
Hai người bị bắt là L.T.T, kiểm soát viên và H. T. T, nhân viên thuộc phòng khách hàng cá nhân. Được biết, 2 nhân viên này làm việc ở Eximbank khá lâu, là nhân viên cấp dưới của Lê Nguyễn Hưng.
Việc khám xét này được cho là có liên quan đến vụ “bốc hơi” hơn 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của nữ đại gia thuỷ sản Chu Thị Bình tại Eximbank chi nhánh TPHCM.
Vụ mất 28 tỷ đồng: EximBank khuyên khách không xâm phạm lợi ích ngân hàng
Liên quan tới vụ nhân viên ngân quỹ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương có hành vi giả mạo chữ ký khách hàng để chiếm đoạt gần 28 tỷ đồng, mới đây, ông Nguyễn Tiến Nam (Đô Lương, Nghệ An) tiếp tục có đơn đề nghị Eximbank trả tiền khẩn cấp cho mình.
Ngày 20/3/2018, đại diện ngân hàng là bà Văn Thái Bảo Nhi – Phó Tổng giám đốc đã đề nghị ông Nam tạm ứng số tiền 1,55 tỷ đồng, kèm theo một số điều khoản do Eximbank soạn thảo sẵn, số tiền còn lại phải chờ phán quyết của tòa án, nhưng ông Nam không đồng ý.
Ngày 23/3/2018, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank Lê Văn Quyết cho biết, mặc dù cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Nghệ An đã ban hành bản cáo trạng nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành. Vì thế, việc ông Nam yêu cầu ngân hàng thanh toán ngay lập tức 28 tỷ đồng, Eximbank chưa thể thực hiện được.
Đại diện Eximbank lưu ý thêm với ông Nam: Cân nhắc việc ủy quyền cho nhiều người rút tiền theo các sổ tiết kiệm, vì đây không phải là giải pháp phù hợp, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ngân hàng hợp pháp của Eximbank và có thể gây thêm sự phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Eximbank.
AVG vừa chuyển trả hơn 2.540 tỷ đồng cho MobiFone
Theo nguồn tin của Dân trí, ông Phạm Nhật Vũ, đại diện cho nhóm cổ đông của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG ) vừa thực hiện việc chuyển trả hơn 2.540 tỷ đồng cho Mobifone vào ngày 28/3.
Đây là một trong các bước tiếp theo trong việc thực hiện thỏa thuận nguyên tắc đã đạt được với MobiFone về việc hủy bỏ hợp đồng mua 95% cổ phần AVG của MobiFone diễn ra hồi năm 2015.
Trước đó, ngày 12/3, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo và chứng kiến việc Mobifone và cổ đông chuyển nhượng AVG ký biên bản cam kết huỷ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa 2 bên; các cổ đông chuyển nhượng sẽ trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần đã được Mobifone thanh toán.Theo đó, hai bên đã thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Tổng giá trị thương vụ chuyển nhượng là 8.889,8 tỷ đồng.
Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn MobiFone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng.
Grab chính thức “thâu tóm” Uber tại Việt Nam và Đông Nam Á
Sáng 26/3, Grab chính thức thông báo vừa thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, đồng thời CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Uber đã chính thức nói lời chia tay với người dùng Việt Nam và Đông Nam Á
Ngay sau đó, chiều 27/3, Cục Quản lý Cạnh tranh đã lập tức có công văn gửi Grab yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin cũng như toàn bộ tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber. Đồng thời, phía Grab cần cung cấp đầy đủ hợp đồng mà hãng mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á. Thời hạn trước ngày 3/4/2018.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, những trường hợp mua bán – sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab – Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Trong trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng, mức tiền phạt tối đa lên tới 10%tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.
Trong một số trường hợp, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác, như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp, hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua…
Thủ tướng quyết định mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định mở rộng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về phía Nam theo phương án của Công ty Tư vấn Độc lập của Pháp – ADPi Engineering (ADPI) đưa ra trước đó. Quyết định này được đưa ra tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 28/3.
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam sẽ giảm thiểu được số đất bị thu hồi
Cụ thể, phương án được ADPI đề xuất sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía Nam, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, toàn bộ diện tích đất phía Bắc (trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý) sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.
Theo Thủ tướng, giải pháp này sẽ giảm diện tích đất phải thu hồi, khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn cùng với giảm chi phí và thời gian thi công. Còn nếu xây dựng nhà ga có thể phục vụ được 20 triệu hành khách ở phía Bắc thì sẽ tốn gấp đôi, với 36.000 tỷ đồng và khu vực nhà ga sẽ bị chia cắt, làm giảm công suất hạ cất cánh.
Xử ông Đinh La Thăng: Ngân hàng Nhà nước gửi công văn hỏa tốc tới tòa
Trong thời gian xét xử liên quan vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ góp vốn, làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn hỏa tốc gửi TAND TP.Hà Nội.
NHNN khẳng định: “Việc mua bắt buộc toàn bộ cổ phần OceanBank được thực hiện theo đúng thủ tục, quy định của pháp luật”.
Tại công văn này, NHNN đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét trong quá trình giải quyết vụ án Đinh La Thăng và các bị các khác tránh ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, cũng như những tác động tiêu cực đến hoạt động các ngân hàng được mua bắt buộc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2018 tốt nhất trong 10 năm qua
Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô nhằm đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Ông Lê Quang Mạnh – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết, dự kiến tăng trưởng GDP quý I/2018 tốt nhất trong 10 năm qua, ở mức trên 7%. Trong đó, công nghiệp- xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, đóng góp mạnh mẽ nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cả nước có 26.800 doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2018, đây là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Tới hết năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 126.000 doanh nghiệp của năm 2017.
“Nếu không có biến động lớn xảy ra, các yếu tố khu vực tư nhân đi vào hoạt động tốt thì mức tăng GDP 6,8% cũng có thể phấn đấu hướng tới được.” – Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhận định về mục tiêu tăng trưởng 2018.
Bích Diệp (tổng hợp)