Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang điều chỉnh cán cân giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty đa quốc gia, nhưng đây là vấn đề rất cần sự khéo léo và tỉnh táo.
ASEAN trước bài toán cải cách: Tận dụng lợi thế, vượt lên mạnh mẽ
TS Kikuchi, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, phát biểu tại hội thảo 
Kinh tế mạnh mẽ, chính quyền sẽ ổn định
TS TRẦN ĐÌNH LÂM

Các vấn đề về hội nhập, tái cấu trúc của ASEAN đã được thảo luận tại Hội thảo thương mại, công nghiệp hóa và tái cơ cấu trong cộng đồng ASEAN do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu châu Á và toàn cầu hóa, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore tổ chức ngày 9 và 10-1 tại TP.HCM.

Chấp nhận cải cách 
cho cuộc chơi lớn
Tại hội thảo, các chuyên gia, học giả đã lấy Việt Nam làm ví dụ thực tiễn cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đa quốc gia nước ngoài. Câu chuyện này mang điểm nhấn quan trọng giữa lúc ASEAN ngày càng chứng tỏ vị thế ngày càng tăng đối với các vấn đề chính trị và kinh tế toàn cầu. Năm 2016 là thời điểm ASEAN bước vào tư thế một cộng đồng, và các quốc gia Đông Nam Á trở thành tâm điểm của những hiệp định thương mại quy mô như Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). “ASEAN chắc chắn sẽ nhìn thấy tác động và tác động vào cục diện mới khi nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền kinh tế phát triển bùng nổ hiện nay” – TS Vũ Minh Khương tại ĐH Quốc gia Singapore nhận định. GS Eric D. Ramsletter tại Viện Nghiên cứu phát triển châu Á (Nhật Bản) trình bày về tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đa quốc gia nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam. Lấy Việt Nam làm trường hợp nghiên cứu, GS Ramsletter khẳng định từ khi tiến hành cải cách kinh tế, mở cửa năm 1986 đến nay, các doanh nghiệp đa quốc gia ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam, mang lại lợi ích xuất khẩu lớn hơn trước đây. Dữ liệu doanh nghiệp chỉ ra rằng cổ phần của doanh nghiệp nhà nước 
đã rút lại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận 
nhiều hơn. Đây sẽ là một hướng đi cần được chú trọng, và đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN phải có sự chuẩn bị để tương thích với xu hướng hội nhập hiện nay. “Bất kể số phận của TPP thế nào hoặc tiềm năng của RCEP ra sao, ASEAN, Nhật Bản cũng như các nước trong khu vực đều tồn tại các hiệp ước thương mại tự do từ trước. Vì lẽ này, những công ty đa quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa và đòi hỏi các nước cần thực hiện chính sách mở cửa, tạo điều kiện một cách hợp lý cho xu hướng này” – TS Tomoo Kikuchi, giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, nói với Tuổi Trẻ.
Còn nhiều khó khăn

TS Vũ Minh Khương cho biết thách thức của ASEAN trong quá trình cải cách, tái cơ cấu nằm ở chỗ mỗi nước tồn tại khúc mắc riêng, trong khi thế mạnh của các thành viên cũng khác biệt. “Ví dụ Việt Nam có mức độ mở cửa và hội nhập rất lớn, nhưng còn gặp khó khăn trên những nước tính đường dài. Indonesia chủ trương thu hút nhân tài mạnh mẽ và rất đáng khen ngợi, song nước này lại có xu hướng khép kín hơn phần còn lại. Philippines trong khi đó lại có hệ thống chính trị đặc thù. Ngay cả Singapore dù phát triển mạnh nhưng diện tích nhỏ và lại gặp vấn đề về động lực sau khi gần như chạm tới mức độ phát triển cao” – TS Vũ Minh Khương nói. Các học giả nhìn nhận khả quan về hiệu quả từ sự mở cửa của Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng đưa Việt Nam bắt kịp và trở thành 1 trong 6 nền kinh tế phát triển nhất ASEAN đến năm 2016. Theo TS Trần Đình Lâm – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, để duy trì điều đó cần có sự cố gắng chung, vận động mọi nguồn lực để phát triển nội lực. “Trước thời TPP chẳng hạn, Việt Nam đã mang tư tưởng mở cửa và hội nhập. Vì vậy trong thời kỳ mới, nội lực vẫn tiếp tục là yếu tố hàng đầu. Điều này bao gồm phát triển con người, nâng cao chất lượng tự thân, phát triển khoa học công nghệ, duy trì môi trường kinh doanh tốt để tạo sức hút và vị thế. Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam cũng như ASEAN cần có môi trường hòa bình để tập trung phát triển kinh tế” – TS Trần Đình Lâm nói.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương: Mở cửa để phồn vinh, chứ không chỉ khấm khá

Không nên nghĩ rằng mở cửa bằng mọi cách để tìm nguồn thu từ kinh tế, công ăn việc làm là xong. Mở cửa như vậy chỉ mới khấm khá hơn, chứ chưa thể phồn vinh. Ở mức độ cao hơn, Việt Nam cũng như ASEAN cần tận dụng lợi thế được tiếp thu trình độ, khoa học kỹ thuật, cách làm của các công ty đa quốc gia để tạo bàn đạp phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nếu Việt Nam hay ASEAN tạo mọi lợi thế về thuế, chào đón công ty đa quốc gia chỉ để tìm thị trường, việc làm thì dễ lệ thuộc vào họ. Thay vào đó, cần phải biến điều này thành sức mạnh cộng hưởng.Khi tiếp thu được công nghệ và biến công ty đa quốc gia thành động lực mạnh mẽ để phát triển đội ngũ lao động trình độ cao hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng… đó mới là hướng phát triển tối ưu. Khi chào đón công ty đa quốc gia, việc nhượng bộ hay hỗ trợ họ đến đâu, yêu cầu họ chia sẻ công nghệ gì là một bài toán chính sách rất quan trọng. Muốn giải bài toán ấy cần phải có người tài để thiết lập kế hoạch, thấu hiểu được các công ty nước ngoài, chứ không phải chào đón hoặc nhượng bộ bằng mọi giá.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ASEANcải cáchdoanh nghiệpđông nam á

Các tin liên quan đến bài viết