Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm qua 2-6 kêu gọi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lập tức bổ nhiệm một đặc phái viên cho vấn đề Myanmar, một ngày sau khi có thông tin các lãnh đạo ASEAN sẽ trực tiếp đến Myanmar.
Những động thái liên tục trên cho thấy ASEAN đang “nóng ruột” trước các bất ổn gia tăng ở quốc gia này.
Tháo nút thắt “đặc phái viên”
“Việc bổ nhiệm một đặc phái viên phải được hoàn tất ngay lập tức, và công tác liên lạc với mọi bên phải được duy trì”, Hãng tin Reuters trích lời bà Retno nói tại họp báo ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 2-6.
Trước đó một ngày, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof (hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN) và Tổng thư ký Lin Jock Hoi dự kiến sẽ gặp lãnh đạo quân đội Myanmar và các bên liên quan khác ở Myanmar trong tuần này.
Theo Reuters, trong ngày 1-6, người biểu tình tiếp tục xuống đường ở nhiều thành phố của Myanmar để kỷ niệm tròn 4 tháng ngày xảy ra chính biến. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các lực lượng vũ trang dân sự đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra nội chiến.
Các động thái mới nhất của ASEAN được đưa ra hơn 5 tuần kể từ lúc ASEAN tuyên bố bản đồng thuận 5 điểm đạt được sau cuộc họp ở Jakarta (Indonesia), bao gồm chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại, tạo điều kiện viện trợ, bổ nhiệm một đặc phái viên và gửi phái đoàn tới Myanmar để gặp gỡ “toàn bộ các bên liên quan”.
Cho đến nay, được biết ASEAN chưa bổ nhiệm đặc phái viên vì chưa thống nhất được việc chọn người cũng như quy cách hoạt động cho vị trí này. Nguồn tin của Reuters tiết lộ tháng trước chủ tịch luân phiên ASEAN Brunei gửi một tài liệu cho các thành viên ASEAN, đề xuất rằng đặc phái viên chỉ giữ nhiệm vụ cho tới hết năm.
Nguồn tin này cũng cho hay phía Brunei muốn đặc phái viên này không thường trú ở Myanmar, thay vào đó được lập văn phòng tại một quốc gia khác và do quốc gia đó trả lương.
Trong khi đó Indonesia được cho lúc đầu ủng hộ phương án bổ nhiệm một đặc phái viên, dẫn đầu một phái đoàn phụ trách về Myanmar, còn phía Thái Lan muốn mô hình một nhóm nhiều đại diện phụ trách.
“Việc đối thoại toàn vẹn nên được khuyến khích nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, và mang nền dân chủ trở lại chính trị Myanmar theo nguyện vọng của người dân Myanmar.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi
Cao trào tháng 6
Đúng hôm qua 2-6, khi Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi bổ nhiệm đặc phái viên lập tức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman đã có mặt ở Bangkok (Thái Lan) để tổ chức một cuộc họp báo qua điện thoại.
Trong chuyến đi này, bà Sherman ghé thăm nhiều nước trong đó có Indonesia, Campuchia và Thái Lan, với nội dung xoay quanh cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề song phương Mỹ – ASEAN cũng như khu vực, bao gồm câu chuyện Myanmar.
Nếu Indonesia là nơi đặt trụ sở ASEAN, Thái Lan lại là một trong các bên có khác biệt về quan điểm đối với chuyện Myanmar. Trong khi đó, Campuchia năm sau là chủ tịch luân phiên ASEAN – gắn với đề xuất luân phiên đánh giá và bổ nhiệm đặc sứ của Brunei. Tất cả những chi tiết này gợi ý rằng chuyến đi của Mỹ sẽ bao gồm nhiều chi tiết ảnh hưởng tới phương hướng xử lý của các bên sắp tới.
Reuters ngoài ra còn cho rằng khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN gặp nhau ở Trung Quốc tuần tới tại thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN thường niên, nếu câu chuyện đặc phái viên chưa xong ASEAN sẽ cố gắng chốt hạ “vị trí này” bên lề sự kiện ở Trung Quốc.
Số phận bà Aung San Suu Kyi
Theo Bloomberg ngày 1-6, các đồng minh của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong nhóm Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) nói rằng bà Suu Kyi và các lãnh đạo bị bắt khác đã được đưa tới một địa điểm không rõ. Họ nêu lo ngại cho sự an toàn của nữ lãnh đạo này sau khi luật sư của bà cho biết đã không thể liên lạc với thân chủ từ phiên tòa ngày 24-5.
Nguồn: tuoitre.vn