Các chuyên gia về y tế cho biết gần đây tình trạng người dân nhiễm ký sinh trùng đang gia tăng do ảnh hưởng trào lưu ăn đồ tươi sống như hải sản sống, nhưng không kiểm soát được nguồn thực phẩm.

Áp xe gan, sưng nề ngực do nhiễm giun, sán từ thói quen ăn đồ tươi sống - Ảnh 1.

Phần lớn bệnh nhân đều cho biết không biết mình bị nhiễm giun, sán lúc nào, nhưng thường có thói quen như ăn rau sống, đặc biệt là gỏi sống, hải sản tươi…

Nguy cơ từ đồ sống

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị áp xe gan kích thước lớn. Bệnh nhân là anh L.V.Đ. (Hà Nội), có triệu chứng đau mạn sườn phải kèm ho, sốt rét.

Anh cho biết mình được phát hiện có áp xe gan khi đi khám tại một bệnh viện lớn. Sau khi được các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để tìm nguyên nhân gây tổn thương gan, trên hình ảnh chất lượng cao của cắt lớp vi tính thấy rõ bệnh nhân có tổn thương gan nhiều.

Từ kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu của anh Đ. cho thấy nguyên nhân chính của áp xe gan do sán lá gan lớn. Đây là một loại ký sinh trùng thường sống ký sinh ở những loại rau thủy canh như rau cần, rau muống, rau ngổ…

Người bệnh được điều trị bằng thuốc diệt sán lá gan lớn. Sau ba ngày theo dõi và điều trị tích cực, anh Đ. hết đau mạn sườn phải, hết sốt, thể trạng khỏe mạnh, khối áp xe gan giảm đáng kể.

Trước đó, Sở Y tế Yên Bái cho biết một người đàn ông 42 tuổi bị sưng nề ở ngực, cánh tay, đùi trái, một tháng sau nốt sưng vỡ lộ ra… hai con giun dài 7-8cm. Bệnh nhân này ở xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình, thường uống nước khe suối, ăn gỏi cá nhiều năm nhưng không tẩy giun, sán.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Yên Bái khám trong tình trạng sức khỏe bình thường trừ có khối sưng nề ở ngực, cánh tay trái và đùi trái, ấn đau tức, chảy mủ. Trước đó từ nốt sưng này anh đã kéo ra hai con giun, nhưng kéo được đoạn dài 7-8cm rồi đứt nên vào viện khám.

Kết quả siêu âm cho thấy dưới da vùng thành ngực, cánh tay, đùi bệnh nhân có vài ổ giun ký sinh. Các bác sĩ đã gắp hết giun ra, xác định bệnh nhân nhiễm giun rồng, dùng kháng sinh điều trị bội nhiễm vết loét.

Tăng người nhiễm ký sinh trùng

Bác sĩ Lê Thành Đồng, viện trưởng Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM, cho biết thời gian gần đây, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân (ở mọi lứa tuổi) nhiễm các loại giun sán, ký sinh trùng hơn so với thời gian trước. Trong đó có nhiều người ở mức độ nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Đánh giá nguyên nhân, bác sĩ Đồng cho hay giun sán, ký sinh trùng liên quan đến các yếu tố môi trường, thói quen ăn uống (thích ăn rau sống, thịt sống, cá sống) và lâu dài hơn là phong tục tập quán. Một nguyên nhân “góp phần” làm tăng số người mắc giun sán, ký sinh trùng trong năm là yếu tố thời tiết, khí hậu (mưa nhiều, lũ lụt…).

“Riêng Nam Bộ, khi mưa nhiều thì cá nhiều và nhiều động, thực vật khác cũng phát triển tốt hơn. Người dân có nhiều nguồn thực phẩm thì kéo theo đó là thói quen ăn uống cũng đa dạng, thoải mái hơn. Hiện ở các thành phố lớn có xu hướng ăn những thức ăn sống, hải sản sống, du nhập thói quen ăn uống từ nước ngoài.

Nếu chúng ta không kiểm soát hải sản tươi sống, cộng thêm chế biến, bảo quản không đảm bảo thì làm tăng tỉ lệ người nhiễm các bệnh giun sán”, bác sĩ Đồng phân tích.

Bác sĩ Đồng cho hay giun sán thường gây bệnh một cách âm thầm, kín đáo, lâu dài. Chúng lây truyền khi con người tiếp xúc với đất có ấu trùng rồi chúng chui qua da xâm nhập vào cơ thể như giun móc/mỏ, giun lươn…

Bệnh cũng lây qua đường tiêu hóa do thói quen ăn uống như ăn rau sống rửa chưa kỹ dễ nhiễm giun đũa, giun tóc, ấu trùng sán dải lợn; hoặc ăn thực phẩm chưa nấu chín (gỏi cá, thịt heo tái, thịt bò tái, tiết canh, gan heo tái, cua nướng…) dễ bị nhiễm sán dải, sán lá.

Đặc biệt trong những năm gần đây số trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo từ môi trường nhiễm vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống.

“Bản thân người nhiễm giun sán không có biểu hiện rầm rộ, không ác tính, ít gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng cả đời sống, tầm vóc người Việt Nam, màu da…”, bác sĩ Đồng nói.

Bác sĩ Hà Văn Thiệu – quyền trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết khoa tiêu hóa thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ đang trong lứa tuổi đi học bị nhiễm ký sinh trùng. Trong đó có các loại giun sán như giun đũa chó, giun lươn, giun kim…, nguyên nhân là do cha mẹ chủ quan, không tẩy giun sán cho trẻ thường xuyên, phần còn lại là do nguồn lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Theo bác sĩ Thiệu, đường lây truyền chủ yếu của giun sán là thông qua ăn thức ăn chưa được nấu chín, uống nước lã, tiếp xúc với động vật, đặc biệt là chó mèo. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy như thiếu máu, chậm tăng trưởng, mệt mỏi, phát ban, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập.

Nhiều trẻ gặp tình huống giun, sán di chuyển trong cơ thể dẫn đến các bệnh lý ở tim, phổi, não dẫn đến co giật, ảnh hưởng đến tính mạng.

Phòng tránh giun sán, việc không mới nhưng dễ quên

Để phòng tránh nhiễm giun sán, ký sinh trùng, bác sĩ Đồng khuyến cáo trong quá trình canh tác cần sử dụng nguồn phân bón hợp lý, bởi thực tế vẫn còn nhiều người dân dùng phân tươi để bón rau, hoặc để chuồng trại gia súc, gia cầm gần nơi trồng rau màu.

Khi tiếp xúc môi trường đất có nhiều cỏ, cần mang ủng để phòng nhiễm giun móc bởi đây là nơi sống lý tưởng của chúng. Cá nhân mỗi người cũng cần có thói quen ăn uống hợp lý, ăn chín uống sôi.

Với những món ăn sống cần kiểm soát được nguồn cung cấp. Bên cạnh đó, định kỳ sáu tháng cần xét nghiệm máu và phân qua tích hợp khám sức khỏe tổng quát. Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm giun sán thì cần đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị đúng phác đồ.

Bác sĩ Thiệu khuyến cáo các bậc phụ huynh phải để trẻ ăn thức ăn chín, sạch có nguồn gốc, đặc biệt không ăn tái, chỉ uống nước đã đun sôi, nước lọc, tẩy giun cho trẻ định kỳ và đặc biệt hạn chế tiếp xúc với chó mèo.

“Nhiều người có quan điểm đồ tái chỉ cần vắt chanh thật nhiều có thể loại bỏ được giun sán, tuy nhiên thức ăn khi nấu chín mới đảm bảo được an toàn”, bác sĩ Thiệu nói.

Lập kế hoạch phòng chống ký sinh trùng

Bộ Y tế cho biết trong giai đoạn 2021-2025, bệnh ký sinh trùng tại nước ta được xác định là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Nhiều nơi do điều kiện kinh tế, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, tập quán sinh hoạt còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến của bệnh ký sinh trùng.

Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển, biến đổi nhanh về vật nuôi, giống cây trồng (vật trung gian truyền bệnh) cũng làm cho tình trạng mắc bệnh ký sinh trùng thêm phức tạp.

Bộ Y tế đã lập ra nhiều kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng như: xây dựng bản đồ và xác định vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2021- 2025, tẩy giun 1-2 lần/năm cho các đối tượng ưu tiên (học sinh, phụ nữ độ tuổi sinh sản…).

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : GiunGiun sánsắnthói quen ăn uống

Các tin liên quan đến bài viết