Do kinh tế khó khăn, hiện còn nhiều phụ nữ nông thôn chưa thực sự quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Vì vậy, khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo thì gia đình họ rơi vào cảnh rất bi đát. Xuất phát từ thực tế này, Chi hội phụ nữ ấp Thanh Sơn, xã Thanh An (Hớn Quản) đã phát động hội viên xây dựng mô hình “Ấm áp vòng tay yêu thương” với việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho phụ nữ và hỗ trợ chị em mắc bệnh hiểm nghèo, tuổi cao, hoàn cảnh khó khăn.
NHỮNG CẢNH ĐỜI KHÔNG MAY MẮN
Chị Lê Thị Cảnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thanh Sơn cho biết: Những năm gần đây, năm nào chi hội cũng phối hợp ban điều hành ấp tổ chức quyên góp tiền, hỗ trợ ngày công cho những chị bị bệnh hiểm nghèo. Cụ thể, năm 2014 chị Đỗ Thị Loan ở tổ 9, chị Nguyễn Thị Trọng ở tổ 3; năm 2015 là chị Nguyễn Thị Tĩnh ở tổ 7 nhưng cả 3 chị đều không qua khỏi. Chị Tĩnh khi mất để lại 3 con không nơi nương tựa do chồng chị cũng đã chết trước đó. Các chị khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo đều không có khả năng điều trị do kinh tế khó khăn. Chị Lê Thị Tú (tổ 5) nói: “Gia đình tôi là hộ nghèo, được hội phụ nữ hỗ trợ xây tặng mái ấm tình thương năm 2011. Mới thoát nghèo chưa lâu thì tôi phát hiện mình bị u màng não. Khi biết bệnh, tôi từng nghĩ không điều trị để giữ lại căn nhà cho các con có chỗ ở. Thế nhưng được gia đình, chị em trong ấp, bác sĩ động viên nên tôi đã mổ và viện phí hiện nay vẫn chưa trả được”.
Chị Lê Thị Cảnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thanh Sơn hướng dẫn bà Lê Thị Hương sử dụng thẻ BHYT
Chị Tú cho rằng, việc mua thẻ BHYT đối với chị em có hoàn cảnh khó khăn như chị không phải lựa chọn đầu tiên khi mà cơm, áo, tiền đóng học cho con mỗi ngày còn chưa lo được. Mỗi khi có triệu chứng bệnh chị em thường ra tiệm thuốc tây mua thuốc, uống thấy đỡ lại đi làm lo mưu sinh. Cho nên có chị bệnh trở nặng, không còn khả năng chữa trị bệnh viện trả về như chị Tĩnh, chị Loan… “Biết vậy nhưng do kinh tế khó khăn, chúng tôi đành phó mặc cho số phận” – chị Tú nói.
Ý tưởng giúp đỡ chị em khó khăn có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe được Chi hội phụ nữ ấp Thanh Sơn ấp ủ từ năm 2015, thực hiện từ năm 2016. Tùy từng tổ, mỗi tháng chị em đóng góp từ 50-100 ngàn đồng/người, mua từ 3-5 thẻ, ưu tiên những trường hợp khó khăn trước. Đến nay đã có 5/9 tổ tham gia mô hình này, trong đó các chị đã xoay vòng mua được 42 thẻ, nhiều nhất tổ 3 được 20 thẻ BHYT.
GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Sau cơn trọng bệnh, chị Lê Thị Tú quyết định mua BHYT. Chị Tú cho biết do phải thường xuyên đi tái khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và tốn vài triệu đồng/lần nên nếu không có BHYT về lâu dài sức khỏe chị khó đảm bảo. Còn bà Lê Thị Hương (SN 1958) ở tổ 10, ấp Thanh Sơn rất vui vì được chi hội phụ nữ quan tâm tặng thẻ BHYT nên càng muốn gắn bó với hội. Bà Hương kể: Do kinh tế khó khăn nên bao năm nay gia đình tôi không ai mua BHYT. Mỗi khi có bệnh chỉ uống thuốc hoặc đến phòng mạch tư. Tuy nhiên gần đây, do tuổi cao nên tôi hay bị các bệnh mãn tính hành hạ. Từ ngày có thẻ BHYT, được chị em hướng dẫn khám chữa bệnh thông tuyến nên tôi đã kiên trì điều trị đúng cách, sức khỏe được cải thiện. Sắp tới, tôi sẽ vận động cả gia đình cùng mua BHYT để chăm sóc sức khỏe, yên tâm khi bị ốm đau.
Bà Trần Thị Thiện Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh An cho biết: Mỗi khi có chị em gặp khó khăn, hội đều đứng ra tổ chức hỗ trợ, chia sẻ. Đối với những chị mắc bệnh hiểm nghèo, ngoài ủng hộ tiền kịp thời, các chi hội còn đóng góp ngày công giúp các chị chăm sóc vườn rẫy, thu hoạch mùa vụ. Tuy nhiên, đó chỉ là cách giải quyết tạm thời; về lâu dài mô hình “Ấm áp vòng tay yêu thương” vận động phụ nữ xoay vòng mua thẻ BHYT không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn có hiệu quả tuyên truyền. Bà Thu phân tích: Để thực hiện đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân của Chính phủ thì toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó có hội phụ nữ. Trong gia đình, đa số phụ nữ là người “tay hòm chìa khóa” nên chị em cần quan tâm chăm sóc sức khỏe gia đình và bản thân. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình và tiến tới trao tiền hỗ trợ phụ nữ để vận động cả gia đình mua thẻ BHYT theo hộ trong thời gian tới” – bà Thu nói.
Vận động mua thẻ BHYT cho phụ nữ khó khăn là cách làm mới, đáp ứng yêu cầu đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân trong thời gian tới. Mong rằng cách làm này sẽ được nhân rộng và phổ biến, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và năm 2020; Quyết định số 1409/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước về việc ban hành Đề án phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 và đến 2020.
Nguồn: BPO