Khi mới mạnh lên, ATNĐ/bão sẽ di chuyển theo hướng Bắc đến Đông Bắc tức là có hướng di chuyển ra phía ngoài, sau ngày 7/11 lại di chuyển ngược trở lại.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu – Trung tâm dự báo KTTV quốc gia nhận định về tình hình áp thấp, mưa lũ sắp tới.
Trưởng Phòng Dự báo khí hậu – Trung tâm dự báo KTTV quốc gia Nguyễn Văn Hưởng |
Ông Hưởng cho biết, hiện nay ở khu vực giữa Biển Đông đang tồn tại một vùng áp thấp. Dự báo khoảng trong 24 giờ tới vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sau đó nhiều khả năng trong 1 -2 ngày tiếp sau, ATNĐ tiếp tục mạnh lên thành bão.
Thời điểm ban đầu khi mới mạnh lên, ATNĐ/bão sẽ di chuyển theo hướng Bắc đến Đông Bắc tức là có hướng di chuyển ra phía ngoài.
Khoảng từ sau ngày 7/11, ATNĐ/bão này sẽ đổi hướng và di chuyển ngược trở lại, hướng về phía đất liền các tỉnh miền Trung.
Khu vực ảnh hưởng của ATNĐ/bão vẫn là Trung và Nam Trung Bộ. Đây mới là những dự báo ban đầu, vì vùng áp thấp còn đang phát triển, có thể thay đổi.
Theo ông Hưởng, nếu đúng như dự báo, ATNĐ/bão đổ bộ vào miền Trung thì khoảng từ ngày 8-11/11, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ hứng một đợt mưa lớn, tổng lượng mưa khoảng 300-500mm, có nơi trên 500mm.
Nếu đánh giá đợt mưa lớn dự báo khả năng xuất hiện ở các tỉnh miền Trung từ ngày 8-11/11 so với đợt mưa lớn siêu kỉ lục năm 1999 thì cường độ đợt mưa từ 8-11/11 không lớn bằng.
Đáng lo ngại là ở các khu vực này mới chịu tác động của hoàn lưu bão số 5 cuối tháng 10 và đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 2-4/11. Nếu xuất hiện mưa lớn trở lại có thể xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.
Người dân miền Trung cần hết sức lưu ý một số nguy cơ: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng vùng trũng thấp ven sông và các khu đô thị lớn ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng lũ;
Các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi nhỏ xung yếu có thể bị sự cố, đe doạ an toàn phía hạ lưu hồ;
Hệ thống hạ tầng giao thông, đê kè, thông tin liên lạc, đường điện sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bị phá huỷ do mưa lũ.
Nguồn: vietnamnet