Chính phủ thống nhất không đưa thịt heo, sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Áp giá trần vé máy bay nội địa, thịt heo không thuộc diện bình ổn giá - Ảnh 1.

Chính phủ đã thống nhất không đưa thịt heo vào danh mục hàng hóa bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi).

Thịt heo không thuộc diện bình ổn giá

Theo đó, ngày 12-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến một số vấn đề theo báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Cụ thể, thống nhất không đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi và thịt lợn (heo) vào danh mục hàng hóa bình ổn giá tại dự thảo luật.

Thống nhất việc định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa theo hình thức giá tối đa (giá trần) như dự thảo luật đã trình Quốc hội cho ý kiến.

Cùng với đó, thống nhất việc định giá sách giáo khoa theo hình thức giá tối đa (giá trần) như dự thảo luật đã trình Quốc hội cho ý kiến.

Báo cáo nêu rõ Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19-6.

Lắng nghe rất kỹ lưỡng, thuyết phục và giải thích đầy đủ

Trước đó, thảo luận tại hội trường ngày 23-5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thịt lợn (heo), sữa cho người cao tuổi trong diện hàng bình ổn giá của Nhà nước là không phù hợp.

Thay vào đó, danh mục hàng bình ổn giá nên là danh sách mở, không nên cố định trong luật và giao Bộ Tài chính quyết mặt hàng nào sẽ bình ổn.

Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề được một số đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Nhiều ý kiến ủng hộ tiếp tục giữ quy định như dự thảo, Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn. Có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.

Về sách giáo khoa, có ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa bởi theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá.

Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản.

Thực tế, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, điều tiết giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Còn tại phiên thảo luận tổ sáng 10-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) có cả doanh nghiệp trong nước, ngoài nước gửi “tới tấp” các kiến nghị về cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó chất vấn vì sao lại đưa sữa cho người già vào danh mục mặt hàng bình ổn giá trong khi trước đây chưa có.

“Thế rồi thịt lợn bình ổn giá thì thịt heo có bình ổn không? Người ta chơi chữ người ta nói thế. Rồi thịt gà có bình ổn giá không?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cho biết thêm tiếp tục nhận được một ý kiến về giá trần, giá sàn của vé máy bay. “Chúng ta phải lắng nghe rất kỹ lưỡng, thuyết phục và giải thích đầy đủ”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Giá trầnmáy bayvé máy bay

Các tin liên quan đến bài viết