Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất của Vietnam Airlines về giá sàn và nới giá trần vé máy bay. Tuy nhiên do giá trần, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan.
Cục Hàng không đang nghiên cứu đề xuất của VNA
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất của Vietnam Airlines về giá sàn và nới giá trần vé máy bay. Đây không phải là lần đầu hãng hàng không này đề xuất giá sàn. Việc đề xuất là bình thường vì tùy theo hình thức, chiến lược kinh doanh của từng hãng.
Nhưng giá trần, giá sàn liên quan đến hành khách nhiều nên phải đánh giá tác động, xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan. Muốn thay đổi giá trần, ban hành giá sàn thì Bộ GTVT phải ban hành thông tư mới thực hiện được.
Theo một chuyên gia hàng không, các nước phát triển không quy định khung giá vé máy bay như Việt Nam. Nguyên tắc quản lý giá của họ là hậu kiểm, không kiểm soát hằng ngày. Nhưng khi phát sinh đơn kiện liên quan đến một trong ba nội dung dưới đây thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xử lý.
Thứ nhất là hãng hàng không có sử dụng vị thế lớn, độc quyền về mặt thị trường của mình để chèn ép, tiêu diệt đối thủ; thứ hai là có dùng vị thế độc quyền bán để bán giá quá cao hoặc quá thấp hay không; thứ ba là có sử dụng các hỗ trợ của Nhà nước tạo ra để bán phá giá, chèn ép công ty khác.
Theo chuyên gia, về nguyên tắc hành khách được tiếp cận giá rẻ phụ thuộc vào chính sách, giá thành của từng hãng theo từng chuyến bay, đường bay, mạng bay để kinh doanh. Nhưng nếu thấy hãng hàng không A bán giá rẻ quá, thấp hơn giá thành nhờ tận dụng những nguồn lực khác như ngân hàng, bất động sản thì hãng hàng không B có thể khởi kiện theo luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cần sự đồng thuận vì nếu để thị trường bán giá vé máy bay dưới giá thành, cạnh tranh trong nước khốc liệt quá là không cần thiết vì dẫn đến sức cạnh tranh chung của cả ngành hàng không Việt Nam ngày càng yếu đi.
Ví dụ hãng A là hãng hàng không đầy đủ dịch vụ có chiến lược bán vé càng xa ngày bay càng rẻ, càng gần ngày bay thì càng đắt theo thông lệ của các hãng hàng không truyền thống. Nhưng hãng B là hãng giá rẻ có lúc lại thực hiện chiến lược bán gần ngày bay rẻ hơn vé xa ngày bay, khiến hãng A khó bán giá vé gần ngày bay giá cao, thì không hay.
Do vậy, các hãng nên phối hợp hết sức hòa bình, không móc ngoặc để đạt hiệu quả kinh doanh theo cách cùng thắng (win – win) là tốt nhất.
Với giá sàn, giá trần, chuyên gia nêu trên cho rằng đây là vấn đề kinh tế có tác động xã hội rất phức tạp nên cần đánh giá kỹ. Hãng A đề xuất giá sàn cũng có cái lý của họ, nhưng mức giá như thế nào lại rất phức tạp.
Hãng A muốn một giá sàn chung cho tất cả, nhưng hãng B không muốn vì phân khúc thị trường khác. Một hãng hàng không truyền thống với đầy đủ dịch vụ trong giá vé thì không thể bán cùng mức giá sàn với hãng giá rẻ tiết giảm nhiều dịch vụ. Nếu chung một giá sàn thì không bình đẳng.
Nếu quy định giá sàn thì hãng giá rẻ phải có giá sàn thấp hơn hãng truyền thống, bởi vì xây dựng giá sàn phải dựa trên nguyên tắc chi phí, trong khi các hãng hàng không đầy đủ dịch vụ thì chi phí sẽ đắt hơn hãng giá rẻ.
Không có lợi cho phục hồi du lịch
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho rằng đề xuất giá sàn vé máy bay với lý do nhằm đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh là không thuyết phục.
Bản chất của kiến nghị tăng giá sàn là bắt buộc các hãng đồng loạt nâng giá lên cao, nên người tiêu dùng cuối cùng bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Bà Nguyễn Ngọc Trang, phó giám đốc phụ trách lữ hành Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết giá vé máy bay quyết định lớn đến giá tour của các doanh nghiệp du lịch và lữ hành, mức độ tác động tùy chặng bay. Như với các đường tour dài Hà Nội – TP.HCM hay ngược lại, trong những tour dài 3-4 ngày thì giá vé máy bay có thể chiếm hơn một nửa giá tour.
“Đó là trong trường hợp doanh nghiệp “may mắn” canh được vé có mức giảm giá tốt. Nhiều trường hợp giá vé máy bay còn chiếm tỉ lệ hơn 50% trong cấu thành giá tour. Bởi vậy, trong các đợt kích cầu chúng tôi cũng chỉ mong có sự tham gia, cam kết của các hãng hàng không, lúc đó giá thành của tour sẽ đỡ áp lực hơn rất nhiều” – bà Trang nói.
Để có giá tour tốt, các công ty du lịch phải chọn hình thức booking series theo hình thức giữ chỗ, trả tiền trước nhưng cách thức này rất rủi ro cho doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong bối cảnh sống chung với dịch hiện nay khi nguy cơ hủy, hoãn tour rình rập. Do đó, hiện nay nhằm có được các giá tour trọn gói tốt, các công ty du lịch thường tìm loại vé tránh giờ cao điểm hay ngày cuối tuần.
Thậm chí cùng một chặng bay, nhân viên của công ty du lịch phải dò ba hãng khác nhau để tìm ra hãng có giá tốt nhất, đảm bảo chất lượng dịch vụ để cân đối giá tour. Nếu áp giá sàn thì sẽ không còn các “cuộc chiến” giá vé, ảnh hưởng đến hành khách.
Giám đốc kinh doanh một công ty du lịch ở Đà Nẵng cho biết trong các đợt kích cầu, mức giảm dịch vụ ở các điểm đến thường chỉ 10-20% là hết nấc, do đó giá vé máy bay sẽ quyết định giá phòng trong một tour trọn gói. Chẳng hạn, có nhiều tour Phú Quốc thiết kế giá dịch vụ ăn, ở, tham quan chỉ khoảng 2,5 triệu đồng nhưng giá vé máy bay lại đến gần 3 triệu đồng/vé khứ hồi.
“Cần tính toán tác động đến hệ sinh thái chuỗi nếu điều chỉnh giá vé máy bay lúc này. Vì nếu đề xuất này được chấp thuận, các chương trình khuyến mãi giá vé máy bay 0 đồng hoặc giá siêu rẻ cũng sẽ biến mất” – vị này cho biết.
Hiện nay, trong hệ sinh thái du lịch chỉ có Vietravel có hãng bay “nhà” là Vietravel Airlines nhưng cũng chỉ giải quyết được 90% khách đi tour, phần còn lại hoặc với một số tuyến hãng chưa có đường bay thì Vietravel cũng phải sử dụng hãng bay bên ngoài.
Trong bối cảnh hiện nay, khi ngành du lịch đang chật vật phục hồi, người tiêu dùng cũng rất rành các thao tác trên mạng, đọ giá cả trước khi mua tour, sự biến động giá trở nên rất nhạy cảm và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của thị trường.
Nguồn: tuoitre.vn