Mỹ lên án vụ bắt ít nhất 14 nhân vật nổi bật trong cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong năm ngoái, cho rằng cảnh sát đã gây nguy hiểm cho “mức độ tự trị cao được bảo đảm” ở đặc khu này.

Anh, Mỹ và Trung Quốc đối đầu trong vụ bắt người biểu tình ở Hong Kong - Ảnh 1.

Ông Jimmy Lai (giữa), ông chủ của tờ báo Apple Daily, trong lần bị bắt hồi tháng 2-2020 

Mức độ tự trị được bảo đảm này nghĩa là những cam kết duy trì tình trạng tự chủ tương đối của Hong Kong theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” có trong hiệp ước trao trả Hong Kong về Trung Quốc đại lục trước kia.

Theo Hãng tin AP ngày 19-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một tuyên bố lên án vụ bắt người ở Hong Kong đã cho rằng vụ bắt bớ này không tôn trọng hiệp ước nêu trên.

“Bắc Kinh và đại diện của họ tại Hong Kong tiếp tục có những hành động không phù hợp với cam kết được lập ra trong Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh, vốn bao gồm minh bạch, pháp quyền, và đảm bảo Hong Kong sẽ tiếp tục có ‘sự tự trị ở mức độ cao’”, ông Pompeo nói.

Hôm 18-4, cảnh sát Hong Kong đã bắt ít nhất 14 người liên quan tới cuộc biểu tình nói trên với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, nghi tham gia và tổ chức biểu tình.

Nhóm bị bắt mới đây có cựu nghị sĩ 81 tuổi Martin Lee cũng như trùm truyền thông Jimmy Lai, người sáng lập tờ báo Hong Kong Apple Daily.

AP cho biết Tổng chưởng lý (Bộ trưởng Tư pháp) Mỹ William Barr cũng gọi đợt bắt người vừa qua là “một hành động tấn công vào pháp quyền và sự tự do của người dân Hong Kong”.

Văn phòng đối ngoại của Anh trong khi đó nói “quyền được biểu tình ôn hòa là nền tảng trong lối sống của Hong Kong và điều đó được bảo vệ trong cả Tuyên bố chung lẫn Luật cơ bản (luật của Hong Kong)”.

Phản ứng về các vấn đề này, Trung Quốc giữ nguyên quan điểm cho rằng Hong Kong là câu chuyện nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây xúi giục biểu tình, theo AP.

Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong nói cảnh sát đã thực thi pháp luật chống lại những nghi phạm liên quan tới tổ chức và tham gia những cuộc tụ tập trái phép, và những quốc gia bên ngoài không được can thiệp.

Một tuyên bố của văn phòng này nói: “Người phát ngôn Văn phòng Đối ngoại của Anh đã hoàn toàn bóp méo sự thật bằng cách mô tả các cuộc tụ tập trái phép là ‘biểu tình ôn hòa’, nhằm tẩy rửa, tha thứ và miễn tội cho những thế lực gây rối chống Trung Quốc ở Hong Kong”.

Cảnh sát Hong Kong khẳng định những người bị bắt đã từng tham gia, tổ chức các cuộc biểu tình không được chính quyền cấp phép.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Anhbiểu tìnhHồng KongMỹtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết