Xung quanh vụ “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải có ý định xin ra khỏi Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hoà ở Bình Dương đang gây xôn xao dư luận, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Minh Tiến – cũng là “hiệp sĩ” rất nổi tiếng ở TP.HCM trong suốt hơn 20 năm qua.
Theo anh Tiến: “Thấy dư luận đang xôn xao về sự việc này, tôi có điện thoại hỏi Hải. Hải cho biết lý do xin ra khỏi Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hoà. Các lý do, vướng mắc mà Hải đang gặp, tôi từng gặp phải trong quá trình bắt cướp từ nhiều năm trước, nên tôi hết sức chia sẻ, thông cảm với Hải”.
Việc anh Nguyễn Thanh Hải xin ra khỏi câu lạc bộ trên, thì anh – với tư cách là “hiệp sĩ” như anh Hải – liệu có thấy hợp lý?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến. Ảnh: Đ.A
– Quan điểm của tôi, nếu trong bối cảnh ràng buộc như bắt cướp chỉ giới hạn trong địa phận của phường, ra khỏi phường thì phải xin phép, phải báo cáo… thì Hải xin ra khỏi câu lạc bộ là tốt hơn cho Hải, một khi Hải vẫn còn muốn bắt cướp.
Tốt hơn ở chỗ nào?
– Khi đã ra khỏi câu lạc bộ, anh Hải không bị ràng buộc bởi quy chế bắt cướp do phường Phú Hoà quy định. Anh ấy là một công dân thì anh ấy có quyền bắt cướp, bắt quả tang hành vi phạm tội ở bất kỳ địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam mà luật pháp cho phép, không cấm. Đó là cái thuận lợi nhất cho anh Hải.
Còn một khi Hải vẫn còn trong câu lạc bộ Phú Hoà, thì bắt buộc anh ấy phải tuân thủ quy chế do phường đưa ra thôi, nghĩa là bắt cướp trong phạm vi phường, ra ngoài phải xin phép, phải báo cáo… Song, trên thực tế, tội phạm cướp giật là phi ranh giới, phi thời gian, không tuân thủ bất cứ quy tắc nào. Vì vậy, việc bắt cướp đòi hỏi phải nhanh, khẩn cấp; thậm chí có khi phải “xé rào” mới bắt được tội phạm. Nhưng, “xé rào” là sai, là vi phạm quy chế, phải giải trình, phải báo cáo. Từ đó, nó khiến anh em “hiệp sĩ” như trói cẳng, trói tay, bức xúc.
Nguyễn Văn Minh Tiến trong dịp tiếp xúc với Bí thư Thành uỷ TP.HCM – ông Nguyễn Thiện Nhân, vào năm 2018. Ảnh: M.T
Thế việc bắt cướp của anh ở TP.HCM hiện nay như thế nào? Anh là “hiệp sĩ” bắt cướp tự do hay nằm trong một tổ chức?
– Tôi và 20 đồng đội bắt cướp đặt dưới sự quản lý của Đội đặc nhiệm hình sự bắt cướp của Công an TP.HCM. Chúng tôi phải chụp hình, có hồ sơ lý lịch, không có tiền án, tiền sự…
Toàn bộ hồ sơ lý lịch phải gửi cho Công an TP.HCM quản lý, theo dõi. Hành động bắt cướp, bảo vệ an ninh trật tự của chúng tôi được chính quyền TP ủng hộ, khuyến khích…
Quá trình bắt cướp, chúng tôi được quyền truy bắt tội phạm trên 24 quận – huyện của TP.HCM. Chỉ khi nào ra khỏi địa bàn TP, sang tỉnh khác thì báo cho lãnh đạo đội đặc nhiệm biết. Lãnh đạo đội sẽ báo công an tỉnh khác biết để phối hợp giúp đỡ.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến gần đây bắt cướp bị gãy tay phải bó bột. Ảnh: M.T
Vậy, giải quyết cái “tréo ngoe” của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải đang xảy ra, theo anh nên làm thế nào?
– Tôi cho rằng, tỉnh Bình Dương nên theo mô hình của TP.HCM. Nghĩa là “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải và đồng đội anh ấy, phải trực thuộc đội đặc nhiệm bắt cướp của Công an tỉnh Bình Dương.
Khi đó, anh Hải và các “hiệp sĩ” bắt cướp khác sẽ được phép bắt cướp trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương, không còn giới hạn nhỏ hẹp trong phường Phú Hoà nữa.
Nếu “mở” theo hướng này về mặt quy chế, cơ chế, tôi chắc chắn anh Hải sẽ đồng tình và không xin ra khỏi tổ chức. Đồng thời, cách mới này sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho anh Hải và đồng đội tiếp tục bắt cướp; có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Còn nói thật, một khi anh Hải bắt cướp “tự do”, có cái sướng là không bị ràng buộc điều gì, nhưng cũng có cái khổ là thiếu một chỗ dựa, sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng (nhất là cơ quan công an), khi xảy ra “sự cố”.
Xin cảm ơn “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến!
Theo Dân việt