Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Ấn Độ phóng thử thành công có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đánh trúng mục tiêu trong khoảng cách 5.000km một cách chính xác.
Trong thông báo ngày 27-10, Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận tên lửa đất đối đất Agni-5 phóng thành công từ đảo Abdul Kalam, bang Odisha.
Tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu trong vòng 5.000km với độ chính xác cao, dài 17m, tải trọng phóng 50 tấn có khả năng mang đầu đạn nặng hơn 1,5 tấn, theo trang India Today.
Đây là vụ phóng thử thứ 7 của Ấn Độ đối với loại tên lửa Agni-5. Từ năm 2013 đến 2018, nước này đã 6 lần thử thành công tên lửa này. Mới đây, vào tháng 6-2021, New Delhi cũng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-P tại Odisha.
Agni-5 là thế hệ tên lửa mới nhất với các công nghệ mới trong điều hướng và dẫn đường, đầu đạn và động cơ. Công nghệ này cho phép nó đánh trúng mục tiêu với độ chính xác rất cao. Tốc độ nhanh nhất của tên lửa này có thể gấp 24 lần tốc độ âm thanh.
Khác với các thế hệ Agni khác, Agni-5 được đánh giá là một vũ khí chiến lược quan trọng với Ấn Độ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định vụ phóng phù hợp với chiến lược răn đe hạt nhân tối thiểu của Ấn Độ và cam kết với nguyên tắc “không sử dụng trước”.
Vụ phóng thử thành công sẽ giúp Ấn Độ sớm triển khai Agni-5, đưa nước này gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu ICBM như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
Trước đó, một số nguồn tin quốc phòng cho rằng Agni-5 có tầm bắn xa hơn nhiều so với con số 5.000km được công bố, theo đó nó có thể chạm đến mọi nơi trên lãnh thổ nước láng giềng Trung Quốc.
Nguồn: tuoitre.vn