Một đột biến của biến thể Delta (gọi là Delta Plus) đã xuất hiện trong nhiều ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ gần đây. Chính quyền nước này kêu gọi ngăn chặn sớm vì biến thể này có dấu hiệu dễ lây, gây bệnh nặng.
Các ca COVID-19 nhiễm biến thể Delta Plus của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có xu hướng tăng lên ở Ấn Độ buộc chính quyền nước này phải kêu gọi ngăn chặn từ đầu.
Delta Plus được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 4-2021 và đã được Bộ Y tế Ấn Độ xem là biến thể đáng lo ngại. Các trường hợp nhiễm biến thể này chủ yếu tập trung ở ba bang là Maharashtra, Madhya Pradesh và Kerala.
Theo báo Hindustan Times ngày 24-6, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết biến thể Delta Plus, còn được gọi là AY.1 hoặc B.1.617.2.1., có liên quan đến biến thể Delta, loại biến thể phổ biến trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ năm nay.
So với các biến thể khác, biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn, dễ liên kết với các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng, một liệu pháp truyền kháng thể mạnh qua đường tĩnh mạch để vô hiệu hóa virus.
Biến thể Delta Plus còn chứa một đột biến bổ sung được gọi là K417N, có trong các biến thể Beta và Gamma, lần đầu phát hiện ở Nam Phi và Brazil (Beta có liên quan đến tỉ lệ nhập viện và tử vong tăng trong dịch COVID-19 đầu tiên ở Nam Phi và Gamma có khả năng lây bệnh cao).
Xem Delta Plus là biến thể đáng lo ngại cho thấy Chính phủ Ấn Độ rất thận trọng với biến thể mới: phản ứng quyết liệt ngay từ đầu còn hơn là bình tĩnh rồi ôm hận về sau như bài học với biến thể Delta.
Theo Đài BBC, nhiều nhà virus học, trong đó có bà Gagandeep Kang – ủy viên Hiệp hội Hoàng gia London, Anh – cho rằng hiện chưa có dữ liệu nào khẳng định Delta Plus có khả năng lây cao hơn hoặc làm cho bệnh COVID-19 nặng hơn so với các biến thể khác.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan đã yêu cầu chính quyền các bang có sự xuất hiện của ca bệnh COVID-19 mắc biến thể Delta Plus phải tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn và xét nghiệm, đồng thời tăng cường tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho người dân.
Theo công bố của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23-6, có 40 ca COVID-19 được xác định là nhiễm biến thể Delta Plus, tăng 18 ca so với ngày hôm trước. Cơ quan y tế các bang tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng cần tập trung và nghiêm ngặt hơn.
Các biện pháp cụ thể bao gồm: phong tỏa ngay lập tức ở các quận, huyện và ổ dịch, cấm tập trung đông người, cấm người ra vào nơi có dịch, xét nghiệm diện rộng, truy vết nhanh và ưu tiên tiêm vắc xin.
Tại bang Kerala, có 3 làng đã bị phong tỏa, người dân phải tham gia xét nghiệm COVID-19 bắt buộc.
Ở bang Maharashtra, 100 mẫu xét nghiệm của mỗi quận, huyện sẽ được gửi đi giải trình tự gene. Bang Maharashtra đang có số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tăng trở lại ở mức độ đáng lo ngại.
Trong ngày 23-6, nhiều địa phương khác như Jammu và Kashmir, Bengaluru cũng ghi nhận những ca nhiễm biến thể Delta Plus đầu tiên.
Cho đến nay, biến thể Delta Plus còn được phát hiện trong 197 mẫu xét nghiệm ở 10 quốc gia gồm Anh, Canada, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Mỹ. Mặc dù vậy, chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra với biến thể này.
Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) và Viện Virus học quốc gia (NIV) đang nghiên cứu để xác định liệu biến thể Delta Plus, mới và mạnh hơn virus SARS-CoV-2 gốc, có thể bị vô hiệu hóa bằng các loại vắc xin hiện có ở Ấn Độ hay không.
Nghiên cứu thử nghiệm với vắc xin Covaxin do Công ty công nghệ sinh học Bharat của Ấn Độ sản xuất vắc xin Covishield – tên tại thị trường Ấn Độ của vắc xin AstraZeneca.
Nguồn: tuoitre.vn