Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, “bão lây nhiễm Covid-19” đang khiến Ấn Độ điêu đứng, đồng thời kêu gọi mọi công dân tiêm vắc-xin và tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch.
Trang Worldometers thống kê, số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Ấn Độ trong vòng 24 giờ qua là 354.531 người, ngày thứ 5 liên tiếp lập kỷ lục thế giới về số ca mắc trong một ngày, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 17,3 triệu. Tổng số trường hợp tử vong vì dịch hiện là 195.116 người, tăng 2.806 trường hợp so với một ngày trước đó.
Một phụ nữ có vấn đề về hô hấp đang được tiếp oxy miễn phí tại một đền thờ của đạo Sikh) giữa lúc dịch Covid-19 đang lan rộng ở Ghaziabad, Ấn Độ. |
Theo Reuters, các bệnh viện ở thủ đô Delhi cũng như trên khắp Ấn Độ đang từ chối tiếp nhận bệnh nhân do cạn kiệt oxy y tế và hết giường điều trị. Các bệnh viện và bác sĩ đã đưa ra thông báo khẩn cho biết, họ không thể đối phó với tình trạng tăng vọt ca bệnh Covid-19. Một bác sĩ chia sẻ trên truyền hình quốc gia rằng, hàng ngày, bệnh viện của ông chỉ có lượng oxy đủ dùng trong 2 giờ, nhưng họ chỉ nhận được các trấn an từ nhà chức trách.
Arvind Kejriwal, lãnh đạo Delhi đã kéo dài lệnh phong tỏa tại thủ đô thêm một tuần khi cứ mỗi 4 phút, đại dịch lại cướp đi sinh mạng của một người tại thành phố này.
“Chúng ta đã tự tin, tinh thần phấn chấn sau khi vượt qua thành công đợt sóng lây nhiễm đầu tiên, nhưng cơn bão này đang làm rung chuyển đất nước”, Thủ tướng Modi thú nhận trong một bài phát biểu trên đài phát thanh hôm 25/4.
Chính phủ của ông Modi đã phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ đã mất cảnh giác vào đầu năm nay, cho phép các cuộc tụ tập tôn giáo và chính trị lớn diễn ra khi các ca bệnh trong nước giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày và không có kế hoạch tăng cường hệ thống chăm sóc y tế.
Nước láng giềng Bangladesh tuyên bố sẽ bắt đầu đóng cửa biên giới với Ấn Độ từ ngày 26/4 để ngăn chặn virus lây lan.
Nhiều nước hỗ trợ Ấn Độ khống chế dịch
Các nỗ lực quốc tế nhằm giúp Ấn Độ vượt qua cơn khủng hoảng vì dịch bệnh đang diễn ra. BBC đưa tin, Anh đã bắt đầu gửi máy thở và các thiết bị chiết xuất oxy từ không khí cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Lô hàng viện trợ đầu tiên đã rời Anh hôm 25/4 và dự kiến đến Ấn Độ vào ngày 27/4.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Pháp và Đức dự kiến cũng sẽ viện trợ cho Ấn Độ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/4 tuyên bố, nước này đã ngay lập tức gửi các nguyên liệu thô dùng để bào chế vắc-xin ngừa Covid-19, dụng cụ y tế và đồ bảo hộ nhằm giúp Ấn Độ đối phó với đợt bùng phát dịch mới. Ông Biden thông tin trên Twitter sau khi Nhà Trắng công bố một danh sách các biện pháp hỗ trợ.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Emily Horne, các quan chức nước này đã nỗ lực ngày đêm để triển khai các nguồn lực và vật tư sẵn có nhằm giúp Delhi sản xuất vắc-xin và hỗ trợ hàng triệu người Ấn Độ đang mắc bệnh. Washington cũng sẽ viện trợ thuốc điều trị, bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh và máy thở cho Delhi.
Pháp tăng số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực
Nhà chức trách Pháp ngày 25/4 thông báo, số bệnh nhân Covid-19 phải nằm điều trị trong các phòng chăm sóc tích cực (ICU) tại các bệnh viện nước này đang gia tăng, trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron tìm mọi cách chấm dứt làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Dữ liệu của Bộ Y tế Pháp cho thấy, đã có thêm 145 ca tử vong tại các bệnh viện trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi trên toàn quốc lên 102.858 người, cao thứ 8 trên thế giới. Số bệnh nhân điều trị ICU hiện là 5.978 người.
Pháp đang xếp thứ 4 trên thế giới về số ca nhiễm, tính đến sáng 26/4 là gần 5,5 triệu ca, tăng 24.465 trường hợp so với ngày trước đó. Quốc gia này đã bắt đầu triển khai đợt phong tỏa thứ ba vào cuối tháng 3 sau khi chứng kiến số ca mắc và ca tử vong vì dịch tăng vọt.
Ông Macron hy vọng, các tác động của việc phong tỏa cùng với việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ cải thiện tình hình, cho phép Pháp tái mở một số hoạt động kinh doanh và giải trí vào giữa tháng 5.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
– Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 26/4 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 147,7 triệu người với hơn 3,1 triệu ca tử vong. Song, gần 125,3 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
– Mỹ hiện vẫn là “ổ dịch” lớn nhất thế giới với hơn 32,8 triệu ca mắc, bao gồm 586.148 bệnh nhân không qua khỏi.
– Trong 24 giờ qua, Malaysia, Indonesia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng. Tuần tới, lực lượng chống Covid-19 liên ngành của Philippines dự kiến sẽ đưa ra quyết định gia hạn hay nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô Manila cùng 4 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dự kiến, lệnh phong tỏa phòng dịch sẽ kết thúc vào ngày 30/4.
– Chính phủ Campuchia ngày 25/4 đã cho dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên tỉnh và cho tái mở những khu du lịch nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Tuy nhiên, thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal, những nơi bị xếp là “vùng đỏ” tiếp tục phải phong tỏa chống dịch.
– Bộ Nội vụ Iraq hôm 25/4 thông báo, ít nhất 82 người đã thiệt mạng và 110 người khác bị thương trong vụ hỏa hoạn đêm trước đó tại một bệnh viện dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Baghdad. Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã ra lệnh mở cuộc điều tra, cho rằng để xảy ra vụ hỏa hoạn này là do sự khinh suất của cơ quan chức trách. Bộ trưởng Y tế Iraq cũng bị đình chỉ công tác để hỗ trợ điều tra.
– Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với báo New York Times rằng, EU sẽ cho phép những người Mỹ đã tiêm phòng bằng các loại vắc-xin được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, nhập cảnh vào liên minh vào mùa hè này. Cho đến hiện tại, EMA đã phê duyệt 3 vắc-xin lưu hành ở Mỹ.
Nguồn: vietnamnet