Theo ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, cả thế giới đang… ăn mặn. Lượng muối sử dụng bình quân 10 gr/người/ngày, gấp đôi khuyến cáo của WHO.
Người Việt cũng vậy, mỗi người Việt đang ăn khoảng 10 gr muối mỗi ngày và ăn mặn đang làm gia tăng nhiều loại bệnh tật, trong đó đáng kể nhất là tim mạch và tăng huyết áp.
Vậy thì ăn bao nhiêu muối mỗi ngày là đủ và làm sao để ăn nhạt hơn, vẫn ngon?
Chỉ 5 gr muối/ngày để tránh bệnh tật
Tại hội thảo về truyền thông giảm ăn muối để phòng chống bệnh không lây nhiễm, được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức sáng nay 27-3 tại Hà Nội, ông Trương Đình Bắc, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay khảo sát gần nhất cho thấy người Việt đang ăn khoảng 10 gr muối/ngày, trong khi cơ thể chúng ta chỉ cần 1-2 gr/người/ngày và WHO khuyến cáo chỉ nên dùng 5 gr muối/người/ngày.
Khác với nhiều quốc gia phát triển, có đến 75% lượng muối sử dụng hàng ngày từ thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh, đồ ăn từ nhà hàng, tại Việt Nam có đến 70% lượng muối sử dụng là từ đồ ăn nhà nấu, 30% còn lại là thức ăn nhanh và đồ ăn nhà hàng, như vậy là người Việt có thói quen ăn mặn và nấu mặn.
Ông Bắc kêu gọi mỗi người đầu bếp gia đình giảm lượng muối, nước mắm, bột nêm, bột canh… khi nấu nướng. Mục tiêu của Việt Nam là đến 2025 giảm được 30% muối ăn bình quân/người, tức là còn 7 gr/người/ngày, đến 2030 thì giảm tiếp về 5 gr/người/ngày là lý tưởng nhất.
Muốn giảm được muối, chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia hướng dẫn các nguyên tắc: giảm muối khi nêm nếm, nấu nướng; khi chấm thì nhẹ tay; lựa chọn các thực phẩm tự nhiên thay cho thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối.
Bảng “quy đổi” muối ăn hàng ngày
WHO khuyến cáo bạn dùng 5 gr muối ăn/người/ngày sẽ tốt hơn cho sức khỏe, vậy 5 gr muối ăn tương đương 2 thìa sữa chua muối/người/ngày.
Tuy nhiên người Việt có truyền thống dùng nước mắm, xì dầu để chấm (thậm chí dùng để nêm nếm, tẩm ướp thực phẩm).
Thành phần cần giảm (vì ảnh hưởng sức khỏe) trong muối ăn là natri. Thành phần này có cả trong các gia vị để nêm nếm, chấm.
Nếu chấm nước mắm, xì dầu, tẩm ướp thực phẩm, thì cần giảm lượng muối xuống 1/2, tức chỉ khoảng 1 thìa sữa chua muối/người/ngày.
Khi quy đổi 5gr muối, Viện Dinh dưỡng quốc gia hướng dẫn 5 gr muối tương đương 35 gr xì dầu (7 thìa cà phê); tương đương 8gr bột canh (hơn 1,5 thìa cà phê), 11 gr hạt nêm (hơn 2 thìa cà phê hạt nêm) và 26 gr nước mắm (tương đương hơn 5 thìa canh nước mắm).
Các biện pháp giảm ăn mặn
1 – Tăng cường ăn các thực phẩm tươi
2 – Thường xuyên ăn các món luộc
3 – Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối như mỳ ăn liền, giò chả, rau củ quả, muối, bim bim…
4 – Giảm các món kho, rim, rang, dưa cà muối
5 – Đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua
6 – Không nên rưới nước mắm, nước sốt kho cá thịt vào cơm khi ăn
7 – Không nên cố uống hết bát nước canh, nước của các món bún, phở, miến, đặc biệt khi ăn ở hàng quán
8 – Khi nấu nướng, nếu phối hợp được các gia vị như tiêu, ớt, chanh… món ăn sẽ ngon hơn mà không cần phải dùng nhiều muối.
Nguồn: tuoitre.vn