Trước những thông tin về việc ăn trái cây như vải, sầu riêng, nho hay uống sirô có thể thổi ra nồng độ cồn, CSGT nói gì?
Hình minh họa.
Liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, gần đây dư luận đang xôn xao trước khuyến cáo của một số nhà khoa học về việc ăn vải, nho, dứa, táo, sầu riêng, xoài… hay uống siro có thể thổi ra nồng độ cồn.
Một CSGT cho biết khi xử lý đều có căn cứ, biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để phân biệt rõ ràng việc ăn trái cây thổi ra nồng độ cồn nên người dân không cần lo lắng về vấn đề này.
“Chúng tôi không tự nhiên dừng xe mà chỉ dừng đối với những trường hợp có biểu hiện nghi vấn, đi ra từ quán nhậu. Hơn nữa người uống rượu bia có biểu hiện rất rõ ràng, lực lượng có nghiệp vụ hoàn toàn có thể phân biệt được”, CSGT này nói.
Một cán bộ CSGT ở Hà Nội cũng khẳng định, lực lượng chưa được hướng dẫn về việc ăn trái cây có thể thổi ra nồng độ cồn nhưng hoàn toàn có đủ biện pháp nghiệp vụ để phân biệt để người bị xử phạt tâm phục khẩu phục.
Trả lời Người lao động , ông Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) – Bộ Công an, cho biết trên thực tế có những tình huống như ăn trái cây (sầu riêng…) mà hơi thở có nồng độ cồn thì vẫn có thể xử lý được vì nồng độ cồn sẽ lưu lại không lâu. Hơn nữa, quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.
Ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của nghị định này được dư luận quan tâm là việc điều chỉnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo luật Phòng, chống tác hại rượu bia 2019. Theo đó, cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô sẽ là từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Người điều khiển xe môtô bị phạt tối đa tới 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Riêng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền cao nhất là 600.000đ.
Theo Báo Pháp Luật