Những bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra sau mỗi lễ hội, nhưng hình ảnh ẩm thực Việt Nam đã bị mất đi một cơ hội để quảng bá đến công chúng.
Nhiều thức ăn đường phố như cá viên chiên, xiên que nướng… xuất hiện phổ biến ở lễ hội tôn vinh ẩm thực Việt
Ban tổ chức lễ hội “Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt” (diễn ra từ ngày 20 đến 22-10) đã thừa nhận những thiếu sót trong công tác tổ chức khiến một lễ hội tôn vinh ẩm thực nhưng những món ngon truyền thống lại bị mất hút giữa rừng “món ăn đường phố”, có trường hợp giá cả không tương xứng với chất lượng, không gian lễ hội nhếch nhác…
Bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết trong tổng số 90 gian hàng của lễ hội ẩm thực có khoảng 7 gian hàng ẩm thực đường phố bán các loại cá viên chiên, xúc xích…
Tuy vậy, nếu trừ đi các gian hàng về hàng hóa, dịch vụ khác thì tỉ lệ gian hàng ẩm thực đường phố so với số gian hàng ẩm thực của các vùng miền còn cao hơn nhiều! Thực khách bị ngộp vì các món cá viên chiên, xiên que!
Chị Anna, du khách Mỹ ghé qua lễ hội, đã nhờ một khách tham quan tư vấn nên chọn món nào “thực sự là đặc trưng của Việt Nam” sau khi dạo một vòng lễ hội. “Tôi muốn thử bánh xèo nhưng chỗ ngồi lại hạn chế nên cũng chần chừ, không gian cũng không sạch sẽ”, Anna chia sẻ.
Ban tổ chức ước tính có khoảng 50.000 lượt khách đến với hội chợ nhưng các gian hàng vẫn than vắng vì khách đến nhưng chỉ nhìn rồi rời đi vì không gian quá chật chội, chưa kể cơn mưa những ngày trước đó khiến các lối đi trở nên sình lầy.
Những bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra sau mỗi lễ hội, nhưng hình ảnh ẩm thực Việt Nam đã bị mất đi một cơ hội để quảng bá đến công chúng.
Ngành du lịch xác định lễ hội văn hóa ẩm thực là một phần quan trọng của việc quảng bá du lịch và thúc đẩy ngành du lịch. Tuy nhiên, những lễ hội ẩm thực Việt gần đây được tổ chức ngày càng nhiều và trở nên bị lạm dụng đã ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh món ngon Việt Nam ra thế giới.
Khi lễ hội văn hóa ẩm thực bị thương mại hóa quá mức, có thể dẫn đến mất đi sự chân thực và bản sắc văn hóa gốc mà chúng ta đang nỗ lực giới thiệu đến du khách, công chúng.
Ẩm thực Việt Nam cần có chiến lược để đi ra thế giới và trách nhiệm của những người gắn bó, xưng danh quảng bá nó cần phải nghiêm túc, thực hiện với tiêu chuẩn cao hơn.
Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tiên phong thực hiện “chinh phục qua đường dạ dày” với những chiến dịch đưa ẩm thực ra thế giới. Hàng ngàn nhà hàng được mở sau những chiến dịch ấy nhờ định vị thành công thương hiệu ẩm thực các nước.
Việt Nam cũng đang định vị trở thành “bếp ăn của thế giới” và những hoạt động, sự kiện tôn vinh, quảng bá sản phẩm du lịch ẩm thực thông qua lễ hội là rất cần thiết.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta đảm bảo sự phát triển của ẩm thực không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là sự bảo tồn và tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam. Muốn vậy, các lễ hội ẩm thực cần được quản lý một cách bền vững và có lợi cho tất cả mọi người.
Nguồn: tuoitre.vn